Giá cà phê ngày 24/8

Tại các tỉnh Tây Nguyên, giá thu mua cà phê ngày 24/8 ở tỉnh Lâm Đồng ở mức 48.400 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk cà phê được thu mua với giá 48.900 đồng/kg. Tại tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Nông giá cà phê giao dịch ở mức là 48.800 đồng/kg.

Giá cà phê trong nước ngày 24/8 tiếp tục tăng nhẹ 300 đồng/kg, hiện dao động từ 48.400 - 48.900 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 24/8: Cà phê tiếp đà tăng, hồ tiêu đi ngang
Giá cà phê trong nước ngày 24/8 tiếp tục tăng nhẹ 300 đồng/kg. Ảnh minh hoạ.

Đối với thị trường cà phê thế giới, giá cà phê tại hai sàn giao dịch London và New York đều đang bình ổn với mức tăng nhẹ nhàng ở cả hai sàn. Cụ thể, cà phê vối Robusta trên sàn London đang ở mức giá 2.239 USD/tấn kỳ hạn giao tháng 9/2022, tăng 2 USD/tấn so với giá hôm trước (2.237 USD/tấn); kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm nhẹ ở mức giá 2.241 USD/tấn, thấp hơn so với giá mở cửa (mức 2.243 USD/tấn). Khối lượng giao dịch thấp.

Còn ở sàn giao dịch New York, cà phê chè Arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,20 cent/lb so với giá hôm trước, đang ở mức 224,50 cent/lb; kỳ hạn giao tháng tháng 12/2022 nhích nhẹ lên mức 222,0 cent/lb, tăng 0,80 cent/lb so với giá hôm trước. Khối lượng giao dịch cao.

Chuyên gia nhận xét, cà phê thế giới vẫn trên đà tăng nhẹ do lo ngại tình trạng khô hạn quá mức ở Brazil sẽ làm giảm sản lượng cà phê (Dữ liệu từ Công ty Khí tượng Somar vào thứ Hai cho thấy Minas Gerais – vùng chiếm 30% sản lượng Arabica của Brazil không có mưa trong tuần qua).

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 2,56 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.261 USD/tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nhìn nhận, trong quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500.000 tấn cà phê để xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê nước ta sang thị trường Trung Quốc trong những tháng cuối năm sẽ đối mặt với khó khăn do chính sách "Zero-Covid" của nước này. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu khiến trạng lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ suy yếu và giá cà phê ở mức thấp.

Nhận định về kim ngạch xuất khẩu cà phê trong cả năm nay, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho hay, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

Thông tin thêm, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa Quyết định phê duyệt Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 vào đầu năm 2023 với quy mô cấp quốc gia. Theo đó, Lễ hội sẽ có các hoạt động chính như Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê; Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; Hội nghị kết nối giao thương quốc tế; Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Văn hóa cà phê Việt Nam” và “Lịch sử cà phê thế giới”… Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Giá hồ tiêu ngày 24/8

Giá hồ tiêu ngày 24/8 tại các vùng trồng trọng điểm duy trì ổn định so với hôm qua. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.000 đồng/kg. Tại Gia Lai giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 72.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 69.000 đồng/kg.

Còn theo dự báo Hiệp Hội Hồ tiêu Việt Nam, giá hồ tiêu thế giới trong thời gian tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ khi nguồn cung từ Brazil được kỳ vọng đạt sản lượng tốt, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại trong giai đoạn nửa cuối năm theo chu kỳ hàng năm. Thêm vào đó, căng thẳng chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, do đó áp lực lên giá càng gia tăng.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 24/8: Cà phê tiếp đà tăng, hồ tiêu đi ngang
Giá hồ tiêu ngày 24/8 tại các vùng trồng trọng điểm duy trì ổn định so với hôm qua.

Theo IPC, tổng nguồn cung toàn cầu năm 2022 ước đạt 535 ngàn tấn, giảm gần 3% so với năm 2021 và lượng giảm chủ yếu đến từ Việt Nam và Ấn Độ. Đánh giá chung, nhu cầu toàn cầu yếu hơn so với mọi năm, đặc biệt là sức mua sụt giảm từ thị trường Trung Quốc. So với quý I/2022, giá FOB trung bình tiêu đen và tiêu trắng trong quý II/2022 của các quốc gia sản xuất đồng loạt giảm, trừ Malaysia. Mức giảm khoảng 2% đối với tiêu đen và 3% đối với tiêu trắng.

Cũng trong quý II/2022, giá hồ tiêu Brazil được giao dịch thấp nhất trên thị trường với giá FOB trung bình tiêu đen trong quý II/2022 ở mức 3.760 USD/tấn, giảm 5% so với quý I. Trong khi đó, giá FOB trung bình tiêu đen Ấn Độ giao dịch ở mức 6.836 USD/tấn, cao gần gấp đôi so với giá FOB trung bình tiêu đen Brazil, và cao nhất trên thế giới.

Hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn như giá bán thấp, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày càng cao hơn của các thị trường. Sản xuất bền vững ngành hồ tiêu là một nhiệm vụ tất yếu quan trọng trong thời gian tới. Một trong những ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu; liên kết sản xuất theo chuỗi; đẩy mạnh truyền thông và nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu an toàn.