Fed tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ tư liên tiếp
Ảnh minh hoạ

Theo đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ, đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản của Fed lên khoảng 3,75% đến 4%.

Đây là lần tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp của Fed và lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng Ba.

Khi Fed tăng phạm vi lãi suất cơ bản, lãi suất đối với các khoản thế chấp, thẻ tín dụng và các khoản vay khác cũng tăng theo. Chi phí đi vay cao hơn có xu hướng làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế do các hộ gia đình và doanh nghiệp có ít tiền hơn để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ.

Lần tăng lãi suất mới nhất của Fed sẽ gây thêm áp lực tài chính lớn hơn đối với nền kinh tế Mỹ mà một số chuyên gia tin rằng đang trên đà suy thoái. Việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng đã khiến doanh số bán nhà giảm mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp rút lại kế hoạch đầu tư, hai yếu tố chính có thể làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Lãi suất cao hơn của Fed cũng làm tăng thêm bất ổn kinh tế ở nước ngoài, điều này có thể ảnh hưởng đến nước Mỹ. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn ở mức cao do thị trường việc làm mạnh mẽ của Mỹ giúp hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng và các cú sốc về nguồn cung - đặc biệt là xung đột ở Ukraine- đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu lên cao hơn.

Các nhà lãnh đạo Fed đã khẳng định trong nhiều tháng rằng sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát có dấu hiệu giảm xuống mức mục tiêu 2% hàng năm của Fed. Nhưng tuyên bố của FOMC công bố đợt tăng lai suất mới nhất cũng gợi ý về tốc độ tăng lãi suất chậm hơn trong tương lai.

Các quan chức FOMC hôm thứ Tư cho biết sẽ xem xét "việc thắt chặt dần chính sách tiền tệ, những điểm mà chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như diễn biến kinh tế và tài chính" khi quyết định tăng lãi suất trong tương lai.

Việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng đã khiến doanh số bán nhà giảm mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp rút vốn đầu tư, 2 yếu tố chủ chốt có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Mức lãi suất cao hơn của Fed cũng làm tăng thêm bất ổn kinh tế ở nước ngoài và tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nước Mỹ. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn ở mức cao do thị trường việc làm mạnh mẽ của Mỹ giúp hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng; bên cạnh đó, những "cú sốc" về nguồn cung đang tiếp tục đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao.

Khi Ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất và chỉ số đồng USD tăng lên, gây áp lực cho các đồng tiền khác trên toàn cầu, trong đó có tiền đồng của Việt Nam. Từ đầu năm 2022, mặc dù Việt Nam vẫn có xuất khẩu ròng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dương, nhưng sức ép giảm giá đồng Việt Nam vẫn luôn thường trực. Hệ quả là NHNN đã có nhiều động thái để bình ổn tỷ giá từ việc bán ngoại tệ, tăng tỷ giá cho đến tăng lãi suất điều hành, và trần lãi suất 2 lần trong tháng 9 và tháng 10, với mức tăng rất lớn 1% là chuyện chưa có tiền lệ, nhằm kiểm soát lạm phát ở Việt Nam và ổn định tỷ giá.

Hiện nay Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát và khả năng lạm phát khoảng 4% là khả thi. Tuy nhiên, diễn biến cần lưu ý đó là khả năng FED cũng như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới còn tiếp tục tăng lãi suất khi mà giá cả, lạm phát vẫn ở mức cao.

Theo kế hoạch và đánh giá hiện tại của Mỹ, FED cần phải tăng lãi suất chính sách lên vùng xoay quanh 4,4% trong khi mức lãi suất hiện nay là 3,75 - 4%, nghĩa là có thể còn phải tăng thêm 0,5% nữa từ nay đến cuối năm trong kỳ họp giữa tháng 12 của FED. Ngân hàng Trung ương châu Âu tuần trước đã tăng lãi suất 0,75% khi cố gắng kiềm chế lạm phát “nóng”.

TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cho rằng, khi FED tiếp tục tăng lãi suất, tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ biến động theo. Để kìm mức độ mất giá của VND, thì có thể dùng dự trữ ngoại hối hoặc tăng lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất điều hành cũng đã được tăng trong tháng 9 và tháng 10/2022, dự trữ ngoại hối đã chạm ngưỡng an toàn là 3 tuần nhập khẩu.