Do sức mua của thị trường tiêu dùng chưa có sự đột biến nên các nhà bán lẻ ít nhiều có sự dè chừng trong việc dự trữ hàng hoá.
Do sức mua của thị trường tiêu dùng chưa có sự đột biến nên các nhà bán lẻ ít nhiều có sự dè chừng trong việc dự trữ hàng hoá.

Vừa qua, Tổng cục Thống kê cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bảy tháng năm 2023 đạt quy mô cao hơn nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2022.

Khảo sát mới đây của Tổ chức Tư vấn quản trị rủi ro PwC cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn với thói quen chi tiêu của mình. Cụ thể, 62% người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết do lo ngại về giá cả gia tăng; 54% dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ; 13% dự định cắt giảm chi tiêu mặt hàng tạp hóa và thực phẩm…

Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ, trước đây do ảnh hưởng của Covid-19, người tiêu dùng giảm tần suất mua hàng, nhưng số lượng hàng hóa cho mỗi lần mua tăng lên. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn hiện tại, người tiêu dùng chỉ còn chú trọng vào nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, hóa mỹ phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày và giảm chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, đặc biệt là thời trang, phụ kiện, đồ điện tử.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao cũng đang thể hiện bức tranh thị trường ảm đạm. Tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh trong tuần đầu tháng 7/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM thì sáu tháng đầu năm, thành phố ghi nhận có 82.589 lao động nghỉ việc, làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. So với cùng kỳ, con số này tăng 5.066 người. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến giảm giờ làm, thiếu việc.

Sức mua sụt giảm của người tiêu dùng cũng được thể hiện rõ qua báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023 của các công ty bán lẻ. Cụ thể, doanh thu của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động giảm 21% so với cùng kỳ trong 5 tháng năm 2023; Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) giảm 9,6% so với cùng kỳ trong sáu tháng; Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) giữ ổn định so với cùng kỳ trong quý I/2023 và giữ quan điểm thận trọng về triển vọng năm 2023, đặc biệt là sáu tháng cuối năm 2023.

Trong quý I/2023, Công ty CP Thế giới số (Digiworld, HoSE: DGW) ghi nhận doanh thu giảm 44% so với cùng kỳ, đạt 3.900 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng, giảm 63% so với quý I/2022.

PwC cho rằng, quan điểm thận trọng về triển vọng kinh tế năm 2023, các nhà bán lẻ này không đặt mục tiêu mở rộng mạnh mạng lưới cho hầu hết các chuỗi bán lẻ của họ.

Do sức mua của thị trường tiêu dùng chưa có sự đột biến nên các nhà bán lẻ ít nhiều có sự dè chừng trong việc dự trữ hàng hoá. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng dự báo tình hình thị trường bán lẻ sẽ còn khó khăn do nhiều nhà cung cấp tăng giá, việc này sẽ tác động đến sức mua.