Không chỉ nhóm hàng nông sản bị ùn tắc

Tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại 3 cửa khẩu chính ở Lạng Sơn gồm Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma kéo dài khoảng nửa tháng qua. Đến sáng ngày 20/12, tại các cửa khẩu này vẫn còn hơn 4.000 xe chở nông sản bị ùn tắc. Tại cửa khẩu Tân Thanh, các container chủ yếu là dưa hấu Quảng Ngãi, thanh long Bình Thuận, chuối xanh Tiền Giang, mít Tiền Giang và Đắc Lắc, xoài Bình Định. Các xe ùn ứ ở cửa khẩu Hữu nghị chủ yếu là hàng nông sản, ván bóc, linh kiện điện tử. Còn cửa khẩu Chi Ma chủ yếu là container tinh bột sắn, chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân...

Đến ngày 20/12 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ còn duy nhất cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị duy trì hoạt động thông quan hàng hóa nhưng lượng hàng hóa được thông quan diễn ra chậm.

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian vừa qua, do gia tăng mức độ phòng, chống dịch COVID-19, lực lượng chức năng của Trung Quốc đã tăng cường một số biện pháp kiểm dịch đối với người, phương tiện nhập khẩu là lý do chính khiến việc thông quan chậm. Cùng với thời điểm cuối năm, lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tăng cao, từ 1.500 - 1.700 phương tiện/ngày, khiến lượng phương tiện ùn ứ càng gia tăng.

Trong khi đó, ngày 20/12, Cục Hải quan Lạng Sơn dẫn thông báo của các cơ quan chức năng phía Trung Quốc cho hay, dự kiến Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết. Nếu Trung Quốc thực hiện như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Đến sáng ngày 20/12, tại các cửa khẩu Lạng Sơn vẫn còn hơn 4.000 xe hàng bị ùn tắc. Ảnh Internet.

Tại buổi làm việc với chính quyền tỉnh Lạng Sơn và Đại sứ quán Trung Quốc chiều ngày 20/12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, qua thông tin của các cơ quan ngoại giao, một số DN có người và sản phẩm nông sản nhiễm COVID-19. Đây là lý do khiến các cơ quan chức năng Trung Quốc tăng cường kiểm soát ở biên giới.

Việc một số DN Việt Nam không thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, dẫn đến trường hợp một số lái xe phát hiện nhiễm COVID-19 - một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc kiểm dịch cả hàng hóa khiến ùn tắc xe chở nông sản.

Ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thông tin, hàng năm đều có phát sinh tình trạng ù ứ nông sản sản xuất sang Trung Quốc, nhưng năm nay nghiêm trọng nhất bởi do dịch COVID-19. Lãnh đạo Trung Quốc cũng chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc đảm bảo hàng hóa phải được thông quan thông suốt, nhưng việc phòng chống dịch vẫn là trên hết. Do đó để thông quan hàng hóa nhanh, hai bên phải tăng cường phòng chống dịch ở cửa khẩu biên giới.

Cần ra lệnh không cho xe lên cửa khẩu

Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, qua phản ánh của các doanh nghiệp, ngoài các mặt hàng nông sản đang bị ùn tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn, hàng nguyên liệu cho sản xuất của Samsung, LG cũng đang căng thẳng do không thể vận chuyển như kế hoạch.

Đại diện một đơn vị vận tải đại lý của Samsung cho biết: Samsung dự kiến ra mẫu điện thoại mới A22 vào tháng 1/2022, nhưng giờ đã không đủ linh kiện nên không thể thực hiện theo kế hoạch.

Trước tình hình căng thẳng và chưa tìm ra giải pháp, các DN kiến nghị tách cửa khẩu vận chuyển nông sản và vận chuyển hàng công nghiệp. Vận động phía Trung Quốc tăng thời gian làm việc, thông qua tại các cửa khẩu lên 24h. Vận động phía Trung Quốc đồng ý tăng lượng lái xe trung chuyển ở vùng đệm giữa 2 nước. Đồng thời thảo luận để giải phóng các container hàng lẫn lái xe đang kẹt ở bãi 2 phía.

Đối với nhóm hàng nông sản, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề xuất: Ra lệnh chặn không cho xe lên biên giới. Về vấn đề này, nhóm DN vận tải đề nghị phải thông báo khẩn trương qua các kênh chính quyền cho DN trên địa bàn không đưa hàng lên biên giới nữa vì giờ "lên không được về không xong". Nếu không dứt khoát, rõ ràng và để mặc DN cùng người dân thì tình trạng ùn ú càng nghiêm trọng và không thể xử lý tình trạng này vốn đã kéo dài nhiều ngày qua.

Các DN cũng kiến nghị tăng cường tuyên truyền người dân ủng hộ trái cây “hồi hương" và trái cây nội dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho chợ, siêu thị hoạt động mạnh hơn nữa, qua đó góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con. Ngoài ra, các DN cần tăng cường chế biến, xuất khẩu sang thị trường khác.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến nghị các DN cần nghiêm túc thực hiện quy định 5K, tránh gây thiệt hại chung cho doanh nghiệp và nông dân. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn và các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu tìm mọi biện pháp phù hợp, tăng cường giải phóng hàng đang ùn ứ. Cùng với việc phối hợp với tỉnh Lạng Sơn, Bộ đã yêu cầu phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục giải quyết việc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam liên hệ với chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây có buổi họp trực tuyến cùng Bộ NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn để trao đổi về các giải pháp để làm sao phòng chống dịch, không để dịch lây lan sang con người, phương tiện, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị thương nhân, DN chuyển sang đi qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác để giảm ùn ứ tại Lạng Sơn.

Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trên nền tảng internet và mạng viễn thông để thúc đẩy xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến, giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử để tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và sang các thị trường tiềm năng khác.

Cho rằng xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến nghị các thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.