Sáng 29/9, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) tổ chức Tọa đàm Đối thoại Chính sách “Hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thực thi Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.

Tọa đàm thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các học giả, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp đang ứng dụng, triển khai các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đề xuất chính sách giám sát mới để chống thất thoát thuế trong kinh tế số
Đề xuất chính sách giám sát mới để chống thất thoát thuế trong kinh tế số

Nội dung tọa đàm đã làm rõ một số khía cạnh kinh tế, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số vấn đề pháp lý đặt ra; đánh giá về thực tiễn ứng dụng, hoạt động kinh doanh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vướng mắc, bất cập về pháp lý; trao đổi về kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc thúc đẩy ứng dụng các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động kinh doanh; kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về giao dịch, hợp đồng, sở hữu, quyền tài sản và các vấn đề khác liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Rất khó xác định đầu mối khiếu nại, đòi bồi thường khi mua hàng qua mạng

Chia sẻ tại Tọa đàm, nhóm nghiên cứu gồm PGS.TS Trần Văn Nam - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, TS. Pham Quang Minh - Viện sau đại học, Đại học Claremont, Trịnh Lê Quang - Trường Đại học Princeton chỉ rõ những bấp cập về khung pháp lý của Việt Nam hướng tới điều chỉnh kinh tế số.

Đó là, xu hướng mua hàng qua mạng đang phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do không kiểm tra được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng khó xác định đầu mối để khiếu nại, đòi bồi thường.

Môi trường pháp lý của Việt Nam còn bất cập, thiếu động bộ giữa các văn bản pháp luật và còn có khoảng cách giữa quy định pháp luật với việc thực thi trong thực tế. Các quy định thường không theo kịp với tốc độ số hóa nhanh chóng của nền kinh tế. Thực tế vừa qua cho thấy, cơ quan quản lý đã lúng túng trong việc quản lý doanh thu để thu thuế cho loại hình kinh tế chia sẻ, mà điển hình là sự tranh chấp giữa “taxi truyền thống và taxi công nghệ”.

Vấn đề quản lý thông tin người dùng chưa được thể chế hoá đồng bộ. Việt Nam đã ban hành Luật an ninh mạng và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019. Tuy nhiên, chưa có Nghị định chi tiết về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nên thực tế chưa hướng tới thực hiện triệt để quy định “thông tin người dùng Việt Nam chỉ được tồn tại trong lãnh thổ Việt Nam” bảo vệ thông tin người tiêu dùng có hiệu quả.

Các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát các giao dịch xuyên biên giới tốt hơn, dễ dàng hơn trong việc truy thu thuế. Hiện chưa có cơ chế phối hợp với các nước trong việc trao đổi, chia sẻ các thông tin liên quan đến dữ liệu tính toán thuế phải thu của các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ để có thể kiểm soát được tình hình doanh thu và dòng tiền của các mô hình này có được từ việc thực hiện kinh doanh tại Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam chưa xây dựng và ban hành có hệ thống một chính sách giám sát linh hoạt để hạn chế tối đa việc thất thoát thuế. Về nguyên tắc, các ngân hàng đều nắm được thông tin các khoản thanh toán chuyển khoản, nhưng để tổng hợp xác định là không dễ vì các khoản thanh toán phát sinh. Cùng với đó là việc chưa luật hoá được các vấn đề về bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường số.

Cách tiếp cận Sandbox - cho cái mới tự phát triển để hình thành quy định quản lý

Đề xuất giải pháp cho việc xây dựng và ban hành có hệ thống một chính sách giám sát linh hoạt để hạn chế tối đa việc thất thoát thuế tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu từ Đại học Kinh tế Quốc dân, Viện sau đại học, Đại học Claremont và Đại học Princeton cho rằng: Nhà nước cần sớm ban hành chiến lược và quy hoạch quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số với mục tiêu làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số, làm chủ không gian mạng quốc gia, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực phát triển toàn cầu.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp theo yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế số, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, trong đó ban hành Luật bảo vệ thông tin cá nhân cần được xem là một ưu tiên trong thời gian tới. Có quy định và cơ chế phù hợp để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tương thích với nền kinh tế số như: xây dựng luật văn bản điện tử, chữ ký số, cấp giấy phép từ cơ quan quản lý.

“Nhà nước cần mạnh dạn chấp nhận các mô hình kinh doanh mới và các công nghệ mới bằng cách tiếp cận mới trong quản lý mà nhiều nước áp dụng, cách tiếp cận Sandbox, cho cái mới tự phát triển, sau đó mới hình thành quy định để quản lý.Nhà nước cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp số hoạt động có hiệu quả.

Bản thân các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế cần xây dựng và thực hiện các mục tiêu chiến lược chuyển đổi số phù hợp, dễ tiếp cận, nhằm đáp ứng với các điều kiện thị trường liên tục thay đổi để tạo ra lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị và sự hài lòng của khách hàng”, nghiên cứu nhấn mạnh.

Cũng nằm trong nhóm giải pháp thích ứng cho bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân, hai ông Trần Mạnh Hùng và Nguyễn Tuấn Linh đại diện cho Công ty luật quốc tế Baker McKenzie Việt Nam/BMVN khuyến nghị: Việt Nam nên tham khảo cách tiếp cận trong Quy định chung về bảo vệ dữ liệu được ban hành bởi Nghị viện Châu Âu vào ngày 27 tháng 4 năm 2016 (GDPR, cụ thể là tạo ra nhiều cơ chế cho doanh nghiệp tuân thủ.

Theo đó, nếu Nhà nước đã ban hành quyết định xác định một quốc gia có đầy đủ cơ chế để bảo vệ dữ liệu cá nhân, bên xử lý có thể chuyển dữ liệu tới quốc gia đó mà không cần sự chấp thuận cụ thể của cơ quan nhà nước.

Mặt khác, nếu bên xử lý đã có các biện pháp bảo vệ theo thỏa thuận/hợp đồng, họ cũng không cần xin chấp thuận cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.

Đề xuất cho giải pháp Hoàn thiện khung pháp luật về hợp đồng thông minh, giúp cho việc thực hiện các hoạt động thương mại trong nền kinh tế số, TS. Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Điều này bao gồm yêu cầu nghiên cứu bổ sung thêm quy định về sử dụng hệ thống thông tin tự động trong giao dịch điện tử theo hướng hợp đồng được giao kết hoặc thực hiện từ sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động với một người. Hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể, do các hệ thống thông tin tự động thực hiện hay hợp đồng được giao kết và bên sử dụng hệ thống thông tin tự động phải chịu trách nhiệm về các hành vi do hệ thống thông tin tự động thực hiện.

Cân nhắc bổ sung quy định về suy đoán về năng lực chủ thể của các bên tham gia giao dịch điện tử trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để giảm nhẹ trách nhiệm chứng minh của các bên về hiệu lực của giao dịch khi phát sinh tranh chấp (bên nào yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu do không đáp ứng yêu cầu về năng lực chủ thể thì bên đó có trách nhiệm chứng minh).

TS. Lưu Hương Ly cũng cho rằng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần đưa ra định nghĩa rõ ràng, phân biệt các khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký điện tử an toàn”, “chữ ký số”, trong đó cần quy định rõ chữ ký số cũng chỉ là một loại chữ ký điện tử an toàn. cần quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn để chữ ký điện tử được coi là chữ ký điện tử an toàn.​

“Trong quá trình giải quyết tranh chấp vẫn có thể có cách hiểu hay giải thích pháp luật khác nhau, khi đó Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hay án lệ để giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật một cách thống nhất, chẳng hạn như hướng dẫn về việc giải thích hợp đồng khi có sự mâu thuẫn giữa điều khoản trong hợp đồng thông minh và điều khoản trong hợp đồng văn bản do các bên ký kết; hướng dẫn cách hiểu về pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng thông minh”, bà Ly nhấn mạnh.