Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục giảm.
Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục giảm.

Theo thống kê từ đầu tháng 10 đến nay đã có 24 ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm: PVCombank, VIB, Sacombank, VietBank, SCB, VPBank, SHB, BIDV, VietinBank, HDBank, BaoViet Bank, Techcombank, SeABank, Viet A Bank, PG Bank, Dong A Bank, Vietcombank, LPBank, Nam A Bank, CBBank, ACB, Bac A Bank, và NCB. Trong đó, CBBank, VIB, Vietcombank, SHB, Dong A Bank, PG Bank, Nam A Bank, HDBank, LPBank, Viet A Bank là những ngân hàng giảm lãi suất hai lần trong tháng này. Ngân hàng VietBank và Bac A Bank đã giảm lãi suất lần thứ 3 trong tháng.

Cụ thể, lãi suất ngân hàng CBBank kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 5,7%/năm. Các kỳ hạn từ 7 – 11 tháng cũng giảm tương tự xuống còn 5,8%/năm. Như vậy, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 – 11 tháng tại CBBank đã chính thức về dưới 6%/năm.

Đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên, CBBank cũng giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng còn 6%/năm, các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên hiện còn 6,1%/năm. CBBank vẫn giữ nguyên lãi suất huy động đối với các kỳ hạn tiền gửi từ 1 – 5 tháng. Lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng hiện là 4,2%/năm, trong khi kỳ hạn 3 – 5 tháng là 4,3%/năm.

Như vậy hiện chỉ còn hai ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 6%/năm cho các kỳ hạn tiền gửi dưới 12 tháng là NCB và PVCombank.

Duy nhất có một ngân hàng tăng lãi suất huy động là GPBank vào ngày 4/10.

Thống kê lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục giảm. Tính đến giữa tháng 8, có khoảng chục nhà băng niêm yết lãi suất cao nhất cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, trên 7% một năm. Hơn 20 nhà băng còn lại niêm yết lãi suất cao nhất (thường rơi vào kỳ hạn một năm) từ 6% đến dưới 7% một năm. Hết tháng 8, lãi suất vẫn tiếp tục giảm, nhiều ngân hàng lớn đã đưa về mức thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.

Theo chuyên gia, lãi suất thấp giai đoạn Covid-19 từng khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh sang các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tiêu dùng, sản xuất không còn bị gián đoạn vì Covid-19, thị trường bất động sản cũng ảm đạm sau loạt chấn chỉnh mạnh mẽ từ Chính phủ khiến những nhà đầu tư sẽ chú trọng hơn kênh lợi nhuận an toàn.

Số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất VNĐ bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm trong phiên 23/10 đã tăng mạnh lên 2,22% từ mức 1,47% ghi nhận vào phiên trước đó (20/10). Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ giữa tháng 6/2023 và cao hơn nhiều so với lãi suất huy động tại các kỳ hạn dưới 1 tháng của các ngân hàng (0,1 - 0,5%/năm).

Trong khi đó, lượng tín phiếu trúng thầu liên tục giảm trong những phiên gần đây. Phiên hôm qua (25/10) chỉ có 2 thành viên thị trường tham gia đấu thầu tín phiếu và đều trúng thầu với tổng khối lượng đạt 600 tỷ đồng. Đây là phiên có số lượng thành viên tham gia và lượng tín phiếu trúng thầu thấp nhất kể từ khi NHNN mở lại kênh phát hành tín phiếu vào giữa tháng 9.

Ở chiều ngược lại, có tới 20.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong phiên hôm qua. Như vậy, NHNN đã bơm ròng 19.400 tỷ đồng trong ngày 25/10.

Số lượng ngân hàng giảm lãi suất huy động nhỏ giọt, lượng tín phiếu trúng thầu ở mức thấp và lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh cho thấy thanh khoản hệ thống không còn quá dư thừa. Việc NHNN quay trở lại phát hành tín phiếu thời gian gần đây trong bối cảnh lãi suất ngân hàng xuống thấp, tỷ giá liên tục tăng cao.