Trước đó, ngày 30/5/2022 UBND huyện Tu Mơ Rông đã xác nhận với Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có nội dung “Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum đã và đang sản xuất, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông theo quyết định 4025 ngày 18/12/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ”.

Tuy nhiên, theo UBND huyện Tu Mơ Rông, Công ty này đang thực hiện nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh thí điểm. Đến tháng 10/2022, UBND tỉnh Kon Tum cho chủ trương liên kết đưa cây nuôi cấy mô thí điểm ra trồng ngoài tự nhiên nên chưa có cơ sở khẳng định đã khai thác sâm Ngọc Linh.

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum, đơn vị đã liên kết với người dân trên địa bàn trồng sâm Ngọc Linh tại xã Ngọc Lây và Măng Ri lên đến cả chục héc ta. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND xã Măng Ri và xã Ngọc Lây (nơi Công ty này nhận liên kết trồng sâm với người dân), không có việc người dân ở địa phương liên kết với Công ty Cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng sâm Ngọc Linh.

Nhà lưới nuôi cấy mô của Công ty Cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: Báo Công Thương
Nhà lưới nuôi cấy mô của Công ty Cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: Báo Công Thương

Cụ thể, Báo cáo số 159/BC-UBND, ngày 30/12/2022 của UBND xã Ngọc Lây nêu rõ, trên địa bàn có hộ dân liên kết trồng sâm Ngọc Linh với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty Wingin. Còn với Công ty Cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh chưa triển khai liên kết trồng sâm Ngọc Linh với người dân trên địa bàn.

Ở xã Măng Ri, Báo cáo số 01/BC-UBND, ngày 3/1/2023 của UBND xã Măng Ri khẳng định: Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn xã chỉ có Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum là liên kết trồng sâm Ngọc Linh với các hộ dân trên địa bàn xã Măng Ri, các đơn vị còn lại không có liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã.

Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã phát hiện nhiều vụ sâm giả, rượu giả từ bên ngoài đưa vào, gây ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu, uy tín sâm Ngọc Linh thật.

Được biết, Công ty Cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum là thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam. Theo giới thiệu, Tập đoàn đã có hơn 20 năm trồng và phát triển bảo tồn nguồn gen gốc. Hiện tại, đơn vị này đang sở hữu hơn 7.000ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh (nơi cây sâm đầu tiên được tìm thấy). Tập đoàn cũng đã trồng sâm với diện tích hơn 600ha.

Năm 2018, Công ty Cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum bắt đầu thực hiện dự án Khoa học công nghệ của sản phẩm Quốc gia tại xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông (dự án của Bộ Khoa học và Công nghệ).