Công ty ACBS bị xử phạt
Đây là lần thứ 2 liên tiếp, Công ty ACBS bị xử phạt vì kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế.

Hai năm liên tục ACBS bị xử phạt vì kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp

Theo Cục thuế TP HCM, ACBS (100% vốn chủ sở hữu của Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB) bị xử phạt vì đã có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai làm giảm số thuế phải nộp vi phạm quy định tại Điều 142, Điều 143 Luật Quản lý Thuế ngày 13/06/2019.

Cụ thể, ACBS bị xử phạt gần 73 triệu đồng, đồng thời bị truy thu thuế số tiền hơn 302 triệu đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên, ACBS "gặp vấn đề" trong kê khai thuế khi vào tháng 2/2021, ACBS cũng bị Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh quyết định xử phạt về việc kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Tổng số tiền phạt, tiền truy thu, tiền chậm nộp mà ACBS phải nộp là gần 665 triệu đồng.

ACB và các công ty liên quan liên tục cơ quan chức năng xử phạt

Ngày 05/08/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành nghị quyết xử phạt vi phạm hành chính với CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (là pháp nhân thuộc hệ sinh thái của gia đình ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu).

Công ty Hồng Hoàng bị phạt tiền 70 triệu đồng vì lý do không công bố thông tin đúng thời hạn theo quy định pháp luật các báo cáo gồm: BCTC năm 2020; báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu 2020; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu 2020. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 05/08.

Được biết vào thời điểm cuối năm 2019, Hồng Hoàng - với vốn điều lệ chỉ khoảng 5 tỷ đồng và mới được thành lập khoảng 3 năm đã gây xôn xao thị trường khi phát hành lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm trị giá 1.400 tỷ đồng cho nhà đầu tư nước ngoài với lãi suất kỷ lục, lên tới 20%/năm. Trước đó, kỷ lục về lãi suất trái phiếu là 14,5%/năm, thuộc về một doanh nghiệp bất động sản.

Đến ngày 15/07/2022, Hồng Hoàng đã mua lại trước hạn 318,6 tỷ đồng lô trái phiếu trên, qua đó số dư gốc của lô trái phiếu còn 1.080 tỷ đồng.

Bên cạnh ồn ào về trái phiếu, Hồng Hoàng còn được chú ý bởi, chỉ ít ngày sau khi thương vụ phát hành trái phiếu, tháng 11/2019, Công ty thế chấp hơn 60,77 triệu cổ phiếu ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu) tại Saigon Asia Credit Limited có trụ sở tại đảo Cayman (một trong những địa điểm được mệnh danh là “thiên đường thuế” trên thế giới khi không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp). Nhiều người đặt ra nghi vấn Hồng Hoàng đã dùng số tiền huy động được để mua cổ phiếu ACB, rồi thế chấp số cổ phiếu này làm tài sản đảm bảo. Việc đơn vị tư vấn và lưu ký là ACBS (Công ty chứng khoán ACB) - công ty con của ACB – cũng khiến câu chuyện trở nên mù mờ hơn.

Sau đó, Công ty Hồng Hoàng còn bổ sung tài sản đảm bảo là toàn bộ số dư, tất cả khoản tiền có trong tài ngân hàng ACB - Chi nhánh TP HCM. Đến tháng 1, Hồng Hoàng tiếp tục bổ sung 10.96 triệu cổ phiếu ACB làm tài sản đảm bảo tại Saigon Asia Credit Limited – là cổ tức nhận được từ số cổ phiếu dùng để thế chấp trước đó.

Tháng 11/2019, Cục Thuế TP HCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Người đại diện theo pháp luật khi đó của ACB là ông Đỗ Đình Toàn, hiện tại là ông Từ Tiến Phát (từ tháng 1/2022).

Tháng 1/2019, Tổng Cục thuế đã có quyết định về việc xử lý vi phạm về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật về thuế đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu.

Theo đó, trong thời kỳ thanh tra năm 2016 và 2017, tổng số tiền ACB bị phạt, bị truy thu lên tới hơn 11 tỷ đồng. Cụ thể, số tiền truy thu qua thanh tra là hơn 7,6 tỷ đồng; số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 2,2 tỷ đồng và gần 1,3 tỷ đồng tiền chậm nộp tiền thuế.

Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB - Trần Hùng Huy.
Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB - ông Trần Hùng Huy.

Chủ tịch HĐQT ACB là ai?

Chủ tịch HĐQT ACB là ông Trần Hùng Huy (sinh năm 1978) được bầu làm Chủ tịch HĐQT ACB từ ngày 26/04/2013, tức là khi mới 35 tuổi.

Ông Trần Huy Hùng là con trai cả của ông Trần Mộng Hùng – một trong những người sáng lập ngân hàng ACB. Mẹ là bà Đặng Thị Thu Thủy, hiện là một trong các thành viên HĐQT của ngân hàng ACB.

Ông Trần Huy Hùng tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ) năm 2002. Đến năm 2011, bảo vệ xong luận án Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate (Mỹ).

Ông giữ vị trí Giám đốc Marketing ACB từ năm 2002, được bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc vào năm 2008. Ông cũng có kinh nghiệm về lĩnh vực ngân hàng đầu tư trong vai trò trợ lý Giám đốc Nhóm tư vấn sáp nhập tổ chức tài chính của Tập đoàn Tài chính Rothschild (Anh Quốc) từ năm 2010 - 2011.

Năm 2011, ông nhận học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Golden Gate, Hoa Kỳ.

Tình hình kinh doanh của ACBS trong nửa năm đầu 2022

Vừa qua, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đã công bố Báo cáo Tài chính Quý 2/2022 với kết quả chuyển lãi sang lỗ trong quý 2/2022.

Cụ thể, doanh thu hoạt động ACBS giảm 33%, tương ứng giảm 159 tỷ đồng xuống gần 330 tỷ đồng. Chi phí hoạt động kinh doanh tăng 67% lên gần 500 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lỗ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đã tăng hơn 200 tỷ đồng lên mức 370 tỷ đồng.

rong đó, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng hơn 20 tỷ đồng, song lãi tài sản FVTPL lại giảm gần 150 tỷ đồng còn 122 tỷ đồng.

Mảng tự doanh của Công ty lỗ hơn 251 tỷ đồng.

Mảng môi giới, Chứng khoán ACB ghi nhận doanh thu môi giới quý 2 giảm 37% còn hơn 88 tỷ đồng. Theo giải trình của Công ty, do thị trường chứng khoán trong quý 2 biến động mạnh mẽ, thanh khoản giảm sâu đã tác động đến kết quả kinh doanh của ACBS. Từ đó, ACBS chuyển từ lãi sang lỗ trong quý 2/2022 gần 161 tỷ đồng

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động của ACBS gần như đi ngang với 782.5 tỷ đồng và dù có kết quả quý 1 khả quan nhưng Công ty vẫn báo lỗ hơn 9 tỷ đồng.

Đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của ACBS là hơn 7,138 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm chủ yếu cơ cấu với hơn 7,025 tỷ đồng, giảm 6.5%.

Trong đó, các khoản cho vay chiếm chủ yếu cơ cấu với hơn 3,407 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm; các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng giảm 22% còn hơn 2,054 tỷ đồng.

Ngược lại, tiền và các khoản tiền tương đương tăng 117% lên hơn 826 tỷ đồng Công ty gia tăng tiền gửi ngân hàng cho hoạt động của Công ty; các tài sản FVTPL đạt gần 735 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Công ty không thuyết minh cụ thể danh mục.