Chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng với ngành sản xuất ô tô toàn cầu trong bối cảnh hiện tại. Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy, người mua xe hơi ngày càng yêu cầu cao, và lãnh đạo trong ngành xác định chỉ có công nghệ mới giải quyết được những đòi hỏi này. Những yêu cầu đó bao gồm: chiếc xe hơi phải cá nhân hoá, minh bạch về linh phụ kiện và thân thiện với môi trường.

Chuyển đổi số trong ngành ô tô nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe từ người dùng
Nhu cầu với xe điện tăng cao bởi tính thân thiện với môi trường.

Theo đó, có khoảng 80% người dùng được khảo sát mong muốn tuỳ chỉnh chiếc xe theo sở thích. So với toàn cầu, tỷ lệ người tiêu dùng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương mong muốn điều này nhiều nhất, với 86% ưu tiên việc được tuỳ chọn các phụ kiện trên chiếc xe họ sẽ mua. Bên cạnh đó, 81% người tiêu dùng trên toàn cầu cho biết họ muốn hiểu rõ về nguồn gốc của vật liệu và các linh kiện trên xe; 80% yêu cầu tính bền vững.

Nhiều lãnh đạo trong ngành ô tô nhận định phải đầu tư cho công nghệ lẫn quy trình sản xuất sản phẩm để đáp ứng những yêu cầu này bất chấp nền kinh tế đầy biến động.

Cụ thể, 7/10 nhà sản xuất ô dự kiến sẽ tăng chi tiêu cho công nghệ; 6/10 nhà sản xuất có kế hoạch tăng ngân sách cho hạ tầng sản xuất vào năm 2023; 7/10 nhà lãnh đạo có trách nhiệm ra quyết định trong ngành đồng ý rằng chuyển đổi số là ưu tiên chiến lược đối với tổ chức.

Trong 5 năm tới, đa số các doanh nghiệp sản xuất ô tô dự kiến tăng cường việc ứng dụng công nghệ, với 47% tập trung vào công nghệ liên quan đến vật liệu và in 3D, 45% tập trung vào các giải pháp quy hoạch chuỗi cung ứng.

Với yêu cầu về cá nhân hoá, nhiều nhà lãnh đạo trong ngành ô tô thừa nhận rằng rất khó theo kịp nhu cầu cá nhân hoá ngày càng tăng. Do đó, một số khác cho rằng phải xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các công ty công nghệ để đáp ứng các nhu cầu như trên của người dùng.

Với yêu cầu về minh bạch dữ liệu, theo các nhà sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu này, nhiều thiết bị và linh kiện lắp ráp chiếc xe cần được truy nguồn gốc. Hơn 1/3 nhà sản xuất ô tô cho rằng các công nghệ robot tự hành (AMR), nhận dạng sản phẩm bằng sóng vô tuyến (RFID), máy kiểm kho, máy quét mã vạch, camera kiểm soát,… sẽ là các thiết bị có thể được dùng để quản lý và giám sát chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc linh phụ kiện.

Với yêu cầu về tính bền vững, hơn một nửa số người tiêu dùng cho hay sẽ chọn xe điện hybrid (HEV) trong tương lai. Nghiên cứu cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc chuyển hướng nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện cũng đi kèm với nhiều thách thức.

Cụ thể, 68% những người ra quyết định trong ngành ô tô đang chịu áp lực cao khi sản xuất các loại xe thế hệ tiếp theo (tức xe điện), trong khi 75% trong số họ chịu áp lực trong việc cung cấp sản phẩm thân thiện, bền vững và an toàn hơn cho môi trường.