Tập đoàn Masan - chủ sở hữu hệ thống VinCommerce (VinMart, VinMart+) cho biết sẽ chính thức đổi tên thương hiệu VinMart thành WinMart, VinMart+ thành WinMart+. Kèm theo đó là "cuộc cách mạng chuyển giao giữa Masan và Vingroup.

Thông tin này được ông Trương Công Thắng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần The CrownX (đơn vị hợp nhất VinCommerce và Masan Consumer) chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên sáng ngày 1/4.

Chuỗi siêu thị VinMart sẽ đổi tên thành WinMart vào cuối năm nay
Chuỗi siêu thị VinMart sẽ đổi tên thành WinMart vào cuối năm nayc

Tuy nhiên, ông Thắng cho biết việc đổi tên chỉ được thực hiện khi Masan hoàn tất tái cấu trúc chuỗi siêu thị này. Từ khi tiếp nhận đến nay, công ty đang thay đổi nhiều vấn đề bên trong như danh mục hàng hoá, chất lượng, dịch vụ, giá cả...

"Khi quá trình chuyển đổi bên trong hoàn thiện thì hình thức bên ngoài tự khắc thay đổi", ông Thắng cho biết.

Năm ngoái, công ty quản lý chuỗi VinMart và VinMart+ ghi nhận doanh thu xấp xỉ 31.000 tỷ đồng, tăng 14%. Trong đó, hệ thống cửa hàng VinMart+ tăng trưởng doanh thu 42% dù số lượng cửa hàng giảm mạnh. Bù lại, chuỗi VinMart giảm 6,7% doanh thu do các siêu thị nằm trong trung tâm thương mại giảm khi lưu lượng khách không còn như trước vì tác động của dịch bệnh.

Đồng thời theo người đứng đầu The CrownX cho biết, từ khoản lỗ 100 triệu USD khi tiếp nhận, quá trình tái cấu trúc đang giúp kết quả kinh doanh của VinCommerce trở nên khả quan hơn.

Cụ thể như nhờ tối ưu hóa mạng lưới điểm bán hàng bằng việc đóng của 744 cửa hàng VinMart+ và 12 siêu thị VinMart do vận hành không hiệu quả mà EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) năm nay tăng 400 tỷ đồng. Dự kiến sau khi trừ tất cả chi phí, chuỗi này năm nay có lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Chuỗi siêu thị VinMart sẽ chính thức đổi tên thành WinMart
Sẽ có thêm 20.000 cửa hàng được mở bằng cách hợp tác nhượng quyền với tiệm tạp hóa gia đình

Ngoài ra, Tổng giám đốc Masan Group - ông Danny Le còn chia sẻ thêm rằng một trong những mục tiêu mà chuỗi VinMart và VinMart+ phải đạt được trong năm nay là thử nghiệm nhượng quyền và triển khai các dịch vụ tài chính và nhượng quyền. Công ty sẽ tự phát triển và vận hành 10.000 cửa hàng.

Bên cạnh đó, có thêm 20.000 cửa hàng sẽ được mở bằng cách hợp tác nhượng quyền với những tiệm tạp hóa gia đình. Theo đó đến năm 2025 sẽ có 30.000 cửa hàng, phục vụ tốt cho từ 30 - 50 triệu người tiêu dùng.

Tiếp đến các cửa hàng này là điểm đến one-stop (tất cả trong một) phục vụ nhu cầu tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe. Chiến lược này giúp công ty không còn thu hút khách hàng chỉ bằng khuyến mãi và giảm giá. Ít nhất 50% cửa hàng trở thành điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và thanh toán kỹ thuật số. Techcombank là đối tác cung cấp các dịch vụ này.