Chứng khoán phái sinh là gì? Có những loại chứng khoán phái sinh nào được hoạt động tại Việt Nam?

Năm 2017 CKPS mới chính thức đi vào hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Chứng khoán phái sinh là gì? Thị trường Việt Nam có những loại nào?

Tại khoản 9 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 định nghĩa: CKPS là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Trong đó, tài sản cơ sở của CKPS là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định của Chính phủ được sử dụng làm cơ sở để xác định giá trị CKPS (theo khoản 10 Điều 4 Luật Chứng khoán).

Có thể hiểu một cách đơn giản CKPS là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở. Tài sản cơ sở của CKPS có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại, bất động sản... hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất,...

Chứng khoán phái sinh quy định quyền lợi hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.

CKPS bao gồm 4 loại sau:

Hợp đồng kỳ hạn: là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia để mua và bán một loại tài sản ở một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước ngay ở thời điểm hiện tại.

Hợp đồng tương lai: là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

Hợp đồng quyền chọn: Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán.

Hợp đồng hoán đổi: Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.

Chứng khoán phái sinh là gì? Có những loại chứng khoán phái sinh nào được hoạt động tại Việt Nam?

Thị trường CKPS tại Việt Nam hiện cung cấp 2 dòng sản phẩm là: hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (hợp đồng tương lai VN30) và hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ. Ảnh minh hoạ

Ký quỹ và thanh toán hàng ngày của CKPS hoạt động, diễn ra như thế nào

Ký quỹ: Đây được xem là một trong những điểm khác biệt của giao dịch CKPS so với giao dịch cổ phiếu. Ký quỹ trong giao dịch CKPS đóng vai trò như một khoản đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của hai bên khi tham gia hợp đồng. Trung tâm lưu ký sẽ quy định tỉ lệ ký quỹ ban đầu cho mỗi loại hợp đồng khác nhau.

Tỉ lệ ký quỹ ban đầu do trung tâm lưu ký quy định sẽ nêu rõ nhà đầu tư phải ký quỹ bao nhiêu phầm trăm giá trị hợp đồng trước khi tham gia giao dịch CKPS.

Nhà đầu tư không có đủ số tiền ký quỹ như yêu cầu có thể bị gọi ký quỹ, và phải nộp đầy đủ ký quỹ để có thể tiếp tục nắm giữ vị thế đối với Hợp đồng tương lai.

Khác với thị trường chứng khoán cơ sở, mỗi hợp đồng tương lai trong chứng khoán phái sinh đều có ngày đáo hạn cụ thể. Vào ngày đó, hợp đồng sẽ ngừng giao dịch và chuyển đổi thành thanh toán bằng tiền mặt.

Lúc này, khách hàng có thể mua thêm hoặc bán đi các hợp đồng này cho đến ngày giao dịch cuối cùng (tương đương với ngày đáo hạn hợp đồng). Đến ngày đáo hạn, toàn bộ các vị thế đang mở cửa hợp đồng đáo hạn sẽ được xem là đóng vào cuối ngày. Toàn bộ lãi/ lỗ sẽ được thanh toán vào tài khoản nhà đầu tư vào hôm sau.

Ngày đáo hạn hợp đồng tương lai được quy định là thứ Năm lần thứ 3 của tháng đáo hạn hợp đồng. Trong đó, các tháng đáo hạn lần lượt là tháng hiện tại, tháng kế tiếp và tháng cuối cùng của hai quý gần nhất.

Danh sách các công ty chứng khoán phái sinh

Hiện nay, các công ty chứng khoán sau đủ điều kiện kinh doanh CKPS trên thị trường chứng khoán, bao gồm: Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC); CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI (SSI); CTCP Chứng khoán VPS (VPS); CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC); CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT); CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC); CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS); Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN); CTCP Chứng khoán MB (MBS); Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS); CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank Securities); Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS); CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC); CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI); CTCP Chứng khoán FPT (FPTS); CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV); Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS)...

Điều kiện để tham gia vào thị trường CKPS , các nhà đầu tư phải đến các công ty chứng khoán trong danh sách trên để thực hiện mở tài khoản CKPS mới có thể tham gia giao dịch.

Điều kiện giao dịch CKPS của nhà đầu tư

Theo Thông tư 58/2021-TT-BTC của Bộ Tài Chính về CKPS và thị trường chứng khoán phái sinh quy định, để giao dịch CKPS , nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch CKPS tại thành viên giao dịch và tài khoản ký quỹ bù trừ (sau đây gọi là tài khoản ký quỹ) tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định.

Trường hợp nhà đầu tư đã có tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở mở tại thành viên giao dịch, nhà đầu tư được phép sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán này để thực hiện giao dịch CKPS sau khi đã mở tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định.

Trước khi đặt lệnh giao dịch, trong thời gian nắm giữ vị thế và khi thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư phải ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ. Nhà đầu tư phải đảm bảo giới hạn vị thế trên tài khoản giao dịch theo quy chế của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Nhà đầu tư là thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc), các trưởng bộ phận, nhân viên của thành viên giao dịch chỉ được mở tài khoản giao dịch CKPS cho mình tại chính thành viên giao dịch đó.

Nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản giao dịch CKPS theo nguyên tắc tại mỗi thành viên giao dịch chỉ được mở 1 tài khoản giao dịch CKPS. Ứng với mỗi tài khoản giao dịch CKPS, nhà đầu tư được mở 1 tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định.

Đối với công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, được mở nhiều tài khoản giao dịch CKPS tại mỗi thành viên giao dịch. Theo đó, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được mở 2 tài khoản giao dịch tổng đứng tên công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán để quản lý danh mục đầu tư cho nhà đầu tư ủy thác, trong đó 1 tài khoản để giao dịch CKPS cho nhà đầu tư ủy thác trong nước, 1 tài khoản để giao dịch CKPS cho nhà đầu tư ủy thác nước ngoài.

để giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại thành viên giao dịch và tài khoản ký quỹ bù trừ (sau đây gọi là tài khoản ký quỹ) tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định
Để giao dịch CKPS, nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch CKPS tại thành viên giao dịch và tài khoản ký quỹ bù trừ, tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định. Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, nhà đầu tư nên nắm rõ tại Việt Nam, thị trường CKPS hiện cung cấp 2 dòng sản phẩm là: hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (hợp đồng tương lai VN30) và hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ.

Hiện nay, sản phẩm hợp đồng tương lai VN30 có thanh khoản cao và ổn định nhất trên thị trường CKPS trong nước, đặc biệt là trước những diễn biến phức tạp của i dịch COVID19. Trong 7 tháng năm 2021, kỷ lục giao dịch mới được xác định với 403.266 hợp đồng vào phiên giao dịch ngày 12/7/2021.

So với hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30, dòng sản phẩm hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ có thanh khoản chưa cao kể từ khi ra đời vào ngày 4/7/2019. Bởi, còn tồn tại một số hạn chế nhất định gây trở ngại cho sự tham gia của ngân hàng thương mại, vốn được xem là đối tượng đầu tư quan trọng nhất mà dòng sản phẩm này hướng tới.

Dù vậy trong dài hạn, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ vẫn được các chuyên gia kỳ vọng sẽ trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho ngân hàng thương mại trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm từ ngày 4/7/2019 đến hết ngày 06/8/2021 là 296 hợp đồng, không có hợp đồng mở.