Ngày 9/11, tên lửa Epsilon-5 được phóng lên quỹ đạo vào lúc 7h57 tại bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, ở tỉnh Kagoshima (Nhật).

Tên lửa Epsilon-5 sẽ mang theo 9 vệ tinh, bao gồm 1 vệ tinh chính nặng khoảng 100kg, 4 vệ tinh lớp micro và 4 vệ tinh lớp cubesat. Một trong số đó là NanoDragon của Việt Nam, là vệ tinh dạng cubesat, lớp nano.

Chưa thu được tín hiệu của vệ tinh NanoDragon dù đã 22 ngày trôi qua
Có hai trong 9 số vệ tinh chưa gửi tín hiệu về trạm mặt đất gồm vệ tinh Arica (của trường Đại học Aoyama Gakuin, Nhật Bản) và vệ tinh NanoDragon của Việt Nam dù đã 22 ngày trôi qua.

Vệ tinh nặng khoảng 4kg với kích thước 3U (100 x 100 x 340,5mm). Toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng của vệ tinh NanoDragon hoàn toàn được cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thực hiện tại Việt Nam.

Dự kiến hoạt động trên quỹ đạo ở độ cao khoảng 560km, NanoDragon được kỳ vọng có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển…

Tuy nhiên mới đây, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho biết, hiện hai vệ tinh chưa gửi tín hiệu về trạm mặt đất gồm vệ tinh Arica (của trường Đại học Aoyama Gakuin, Nhật Bản) và vệ tinh NanoDragon của Việt Nam dù đã 22 ngày trôi qua.

Clip phóng vệ tinh Epsilon-5

Vệ tinh NanoDragon được thiết kế có 3 đường truyền thông: Đường truyền dữ liệu đo xa (thông tin về trạng thái của vệ tinh) từ vệ tinh phát xuống mặt đất ở dải tần UHF; đường phát lệnh điều khiển từ mặt đất lên ở dải tần VHF; và đường truyền dữ liệu nhiệm vụ từ vệ tinh xuống mặt đất ở băng tần S.

Hiện trạm mặt đất chưa thu được thông tin ở đường truyền dữ liệu đo xa ở dải UHF, do đó các thông số trạng thái chi tiết của vệ tinh là chưa xác định được.

Các cán bộ kỹ thuật của VNSC vẫn nỗ lực để có thể thu được tín hiệu của vệ tinh. Mỗi ngày nhóm theo dõi, vận hành trạm mặt đất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ hai lần gửi lệnh điều khiển vệ tinh ở băng tần VHF dò tìm tín hiệu ở băng S vào khoảng 9h30 và 21h30.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phối hợp với cộng đồng (Satnogs) để thu tín hiệu vệ tinh, trong đó có hai trạm có khả năng gửi lệnh lên NanoDragon và thu tín hiệu ở băng S. Nhóm cũng tìm kiếm, sàng lọc mọi dữ liệu liên quan đến tín hiệu NanoDragon trên cộng đồng Satnogs và cùng với MEISEI, JAXA phân tích các khả năng, tình huống xảy ra trên vệ tinh để tìm kiếm giải pháp phù hợp.