Cây cỏ ngọt là gì? Công dụng của cây cỏ ngọt
Cây cỏ ngọt mọc hoang ở Paraguay, được nhập giống về trồng ở Việt Nam trước năm 1990.

Cây cỏ ngọt là gì?

Cỏ ngọt hay được gọi với nhưng tên thông thường như: Cỏ đường, Cúc ngọt. Tên khoa học của cỏ ngọt là: Stevia rebaudiana (Bert.) Hemsl. – Asteraceae. Cây cỏ ngọt mọc hoang ở Paraguay, được nhập giống về trồng ở Việt Nam trước năm 1990.

Cỏ ngọt thuộcloại cỏ sống lâu năm, 6 tháng sau khi trồng, gốc bắt đầu hoá gỗ, mỗi gốc có nhiều cành. Nếu để mọc tự nhiên cây có thể cao đến 100cm. Cành non và lá đều phủ lông trắng mịn, lá mọc đối, hình mũi mác, dài 30-60mm, rộng 15-30mm, có 3 gân chính xuất phát từ cuống lá.

Mép lá có răng cưa ở nửa phần trên. Cụm hoa hình đầu, mỗi tổng bao có chứa 5 hoa nhỏ, tràng hình ống, màu trắng ngà, có 5 cánh nhỏ. Hoa dài 10-12mm. Có hai vòi nhuỵ dài thò ra ngoài. Hoa có mùi thơm nhẹ.

Mùa hoa từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau (theo dương lịch). Toàn thân có vị ngọt, nhiều nhất ở lá, lá già chết khô ở dưới nhưng cuống rất dai nên không rụng (vẫn còn vị ngọt).

Khi đoạn cành dài khoảng 20-25cm là thời điểm cắt cành, hái lấy lá, loại bỏ lá già úa, đem phơi nắng nhẹ hoặc sấy ở 30 - 40 oC đến khô. Trung bình mỗi tháng thu hoạch một lần.

Sau khi thu hoạch lá, sấy khô và ép nước, người ta sẽ đem đi tinh chế để lấy được chất tạo ngọt stevia có trong loại cây này. Vì là chất tạo ngọt hoàn toàn tự nhiên nên stevia thường được dùng trong công nghiệp sản xuất đường hoặc thực phẩm với một số thương hiệu phổ biến như: Enliten, PureVia, Rebiana, Stevia, Steviacane, SweetLeaf,... Ngoài ra, cây cỏ ngọt còn được phơi khô để làm thuốc, hỗ trợ sức khoẻ cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh tim,...

cây cỏ ngọt có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe
cây cỏ ngọt có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe

Tác dụng của cây cỏ ngọt

Theo y học cổ truyền, cỏ ngọt với vị ngọt thanh tự nhiên và không mang năng lượng nên được sử dụng như một loại trà có tác dụng điều vị, lợi tiểu, giúp hỗ trợ điều trị các bệnh như: Giúp ổn định đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Gíup ổn định huyết áp, hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp. Chống béo phì và giảm cân. Làm giảm đau, giúp tiêu hóa tốt và phòng chống rối loạn dạ dày. Ngăn ngừa chảy máu chân răng ở những người mắc bệnh viêm lợi. Ngăn ngừa mụn trứng cá, làm giảm nếp nhăn, giảm tiết bã nhờn trên da, giúp cho làn da tươi sáng hơn.

Đối với người bị bệnh tiểu đường: Nhiều cuộc nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng: cây cỏ ngọt thực sự có tác dụng tích cực trong việc kiểm soát đường huyết của những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Ví như nghiên cứu thực hiện ở 12 bệnh nhân tiểu đường cho thấy: nhóm tiêu thụ chất tạo ngọt có trong loại cây này có lượng đường trong máu giảm nhiều hơn so với nhóm tiêu thụ tinh bột.

Ngoài ra, nghiên cứu ở những con chuột mắc bệnh tiểu đường trong 8 tuần cũng cho kết quả: chiết xuất từ cây cỏ ngọt có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu và hemoglobin A1C đáng kể.

Mặc dù cây cỏ ngọt có lợi cho sức khoẻ của bệnh nhân tiểu đường, nhưng các chuyên gia vẫn luôn khuyến cáo bệnh nhân hãy tiêu thụ 1 cách vừa phải để duy trì đường huyết bình thường.

Đối với phụ nữ mang thai: Rối loạn lượng đường trong máu là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ thường gặp ở các mẹ bầu. Vì thế trong thời gian mang thai, mẹ bầu phải hết sức thận trọng trong việc ăn uống để không gặp phải vấn đề này. Glycoside steviol trong đường cỏ ngọt đã được chứng minh là chất tạo ngọt an toàn đối với phụ nữ mang thai.

Trên thực tế, nghiên cứu ở động vật cho thấy: Glycoside steviol hoàn toàn không gây ra tác động tiêu cực đến lượng đường trong máu cũng như chức năng sinh sản của mẹ bầu. Vì thế, trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu nên lựa chọn những thực phẩm có chứa glycoside steviol được FDA công nhận và sử dụng ở mức độ vừa phải để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và bé.

Đối với trẻ em: Thông tin từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho biết: Trẻ em rất thích ăn đồ ngọt, điều này có thể làm thay đổi lượng chất béo trung tính và cholesterol, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ tim mạch của trẻ em.

Cây cỏ ngọt có khả năng làm giảm lượng đường trong máu. Vì thế, phụ huynh nên lựa chọn thực phẩm được làm từ cây cỏ ngọt, kết hợp với việc kiểm soát lượng ăn hằng ngày (không quá 30gr đường/ngày) để ngăn ngừa các vấn đề trên.

 để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, những người bị bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai hoặc đang sử dụng thuốc điều trị bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có lượng dùng phù hợp.
Để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, những người bị bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai hoặc đang sử dụng thuốc điều trị bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có lượng dùng phù hợp.

Cách dùng cây cỏ ngọt

Cỏ ngọt mới làm khô sau thu hoạch thường có mùi ngái, gây khó chịu cho một số người. Cách khử mùi ngái như sau: Phun nước vào Cỏ ngọt khô để làm ẩm đều. Cho vào túi kín, ủ trong 2-3 ngày rồi đem phơi hoặc sấy khô sẽ hết mùi ngái mà không giảm độ ngọt. Hoặc phơi sấy khô, cắt nhỏ Cỏ ngọt để phối hợp với loại thuốc cần tạo vị ngọt.

Dùng làm thuốc cho người bệnh tiểu đường, ngày 2 lần, mỗi lần 2,5g lá cỏ ngọt phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml.

Dùng cho người bị béo phì: liều dùng hằng ngày là 7,5g lá cỏ ngọt khô, sắc uống. Dùng liên tục.

Chữa tăng huyết áp: hằng ngày đun uống dừa cạn, hoa cúc, hoa hòe và cỏ ngọt.

Mặc dù cây cỏ ngọt chứa nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khoẻ của con người, nhưng các sản phẩm được làm từ chiết xuất cây cỏ ngọt không được thanh lọc cao có thể gây ra 1 số rủi ro như: Làm giảm lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Do chứa ít calo nên đường trong cây cỏ ngọt có thể gây ra tình trạng tiêu thụ nhiều calo hơn, dẫn đến tăng cân.

Có thể gây ra một số tương tác bất lợi đối với thuốc điều trị của bệnh nhân tiểu đường. Các sản phẩm từ cây cỏ ngọt có chứa cồn đường, có thể gây ra triệu chứng đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy đối với những người nhạy cảm với rượu đường.

Do đó để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, những người bị bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai hoặc đang sử dụng thuốc điều trị bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có lượng dùng phù hợp.