Ngày 11/2, Văn phòng Chính phủ gửi đi Công điện Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, được tổ chức từ 8 - 12 giờ, ngày 14/2/2023. Tuy nhiên, sau đó hội nghị được chuyển sang ngày 17/2.

Để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Gói này sẽ cho vay với cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Chi tiết phân bổ gói này chưa được đề cập nhưng Bộ Xây dựng cho biết sẽ giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 khi thị trường gặp khó khăn. Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp để xây dựng chi tiết hơn.

Cách đây 10 năm, khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được tung ra, nhiều người có thu nhập trung bình và thấp đã có thể mua được nhà ở, đặc biệt tại các thành phố lớn. Do đó, sức nóng của phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá thấp đã lan tỏa và giúp thị trường chung hồi phục trở lại.

Đối với người dân và các doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng nhà ở xã hội, đây là một tin vui rất lớn.

Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cho vay các dự án nhà ở xã hội theo phương thức tái cấp vốn. Ảnh minh họa
Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cho vay các dự án nhà ở xã hội theo phương thức tái cấp vốn. Ảnh minh họa

Năm 2021, Bộ Xây dựng cũng từng nêu đề xuất bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 – 2023 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Gói này bao gồm tín dụng tái cấp vốn cho chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, đến nay, đề xuất này chưa có tiến triển thêm.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị sớm có Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Nghị quyết này nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn như vấn đề giao đất, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; chọn chủ đầu tư; ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, thuê, đối tượng và điều kiện hưởng chính sách. Các điểm nghẽn này đang khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, nên xem việc đầu tư nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư bằng nguồn vốn trung và dài hạn của địa phương.

Về điểm nghẽn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng đề xuất nới rom tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023, các năm tiếp theo và có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.