Bỏ quy định tỷ lệ nội địa hóa ô tô: Phù hợp nhu cầu thực tiễn và tiêu chuẩn chung quốc tế

Cụ thể, bãi bỏ Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN và bãi bỏ Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước. Trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết các Hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA… nên các chênh lệch về thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc và bộ linh kiện không còn nên cần bãi bỏ, sửa đổi các quy định liên quan để phù hợp với tình hình thực tế.

Việc bãi bỏ các quy định trên không chỉ đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế. Có khoảng hơn 350 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, một chiếc ô tô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có đến 80% phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu vẫn là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn...

Điều này khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10 – 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

Còn theo Bộ Công Thương, hiện nay cả nước có khoảng hơn 350 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn, khó có điều kiện đầu tư cho công nghệ và việc liên kết giữa các doanh nghiệp này khá yếu…

Theo một liên doanh ô tô tại Việt Nam, cùng với các Hiệp định Việt Nam đã ký kết, việc bãi bỏ các văn bản quy phạp pháp luật trên là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hội nhập hiện nay.