BIDV, Agribank báo lãi lớn bán niên 2022
BIDV báo lãi hơn 11.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với các chỉ tiêu kinh doanh đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53,8% kế hoạch năm. Chênh lệch thu chi hợp nhất đạt 24.856 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản hợp nhất của BIDV đạt trên 1,98 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với đầu năm.
Hết quý II, tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng đồng thời ở cả phân khúc bán lẻ và bán buôn.
Trong hoạt động tín dụng, cho vay khách hàng đạt trên 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm, tăng trưởng cao hơn so với mức thực hiện cùng kỳ các năm trước. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt ở các phân khúc khách hàng FDI (32,7%), khách hàng bán lẻ (15,8%) và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (8,3%).
Ảnh minh họa |
BIDV cho biết, chất lượng tín dụng được cải thiện tích cực so với đầu năm khi tỷ lệ nợ xấu theo quy định là 0,83%, đảm bảo theo định hướng điều hành. Tỷ lệ trang trải nợ xấu riêng ngân hàng đạt 279%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Ngân hàng cũng thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo phân loại nợ. Các chỉ tiêu an toàn đảm bảo theo quy định.
Tại Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được tổ chức hồi cuối tháng 4, BIDV đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21% trong năm 2022.
Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành hơn 607 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ chia cổ tức là 12%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phần tại thời điểm chốt danh sách sẽ nhận được 12 cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3 và quý 4/2022, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan nhà nước có thầm quyền.
Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ chào bán thêm hơn 455 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tỷ lệ phát hành dự kiến là 9%. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2022-2023, thời điểm cụ thể giao Hội đồng quản trị quyết định sau khi có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Năm 2022, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.600 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2022-2025, tổng tài sản của ngân hàng dự kiến tăng trưởng bình quân 8%-12%; dư nợ cuối kỳ tăng 8%-12,5%; huy động vốn tăng trưởng 8%-13%; lợi nhuận trước thuế tăng 19-26%; tỷ nệ nợ xấu dưới 1,5%.
Agribank thu nhập lãi thuần đạt 27.845 tỷ đồng, tăng 7,2%
Agribank vừa công bố báo cáo tài chính riêng giữa niên độ năm 2022. Tín dụng phục hồi tốt, đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục tăng... giúp ngân hàng tiếp tục cải thiện kết quả kinh doanh.
Cụ thể, nửa đầu năm nay, thu nhập lãi thuần của Agribank đạt 27.845 tỷ đồng, tăng 7,2%; Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 7,8% còn 2.328 tỷ đồng, do ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm phí; Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối giảm nhẹ song lãi thuần từ hoạt động khác tăng mạnh 45% lên 6.223 tỷ đồng (chủ yếu nhờ thu hồi nợ đã xử lý).
Nhờ tất cả lĩnh vực kinh doanh đều có lãi, chi phí được kiểm soát tốt, nửa đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 15.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 12.073 tỷ đồng, tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.Trước đó, Vietcombank, VietinBank cũng công bố lợi nhuận quý II/2022 với mức tăng trưởng trong quý lần lượt 50% và 107%.
Tốc độ tăng trưởng cao của các ngân hàng thương mại quốc doanh trong quý 2/2022 và 6 tháng đầu năm nay là dễ hiểu bởi xuất phát từ nền tăng trưởng thấp cùng kỳ. Cùng thời điểm này năm ngoái, các ngân hàng quốc doanh phải “ghìm“ tăng trưởng, tập trung hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Riêng Agribank năm 2021 đã dùng 7.100 đồng để hỗ trợ khách hàng.
Bên cạnh đó, nhờ tăng mạnh trích lập dự phòng những năm trước, áp lực trích lập dự phòng của Agribank năm nay giảm. Trong 6 tháng đầu năm nay, Agribank chỉ phải trích lập rủi ro 7.495 tỷ đồng, giảm 40,7% so với cùng kỳ năm ngoái (giảm gần 5.155 tỷ đồng).
Hoạt động an toàn, hiệu quả khiến các chỉ số sinh lời của Agribank tiếp tục cải thiện. Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2022, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) của Agribank đạt 14,47%, tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 4,3%. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân (ROA) đạt 0,68%, tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 0,22%. Các chỉ số khác như: tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 18,07%, cao hơn 5,36% so với cùng kỳ; Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản đạt 0,85%, cao hơn 0,27% so với cùng kỳ; Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản đạt 4,72%, cao hơn 0,12% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/6/2022, Agribank có tổng tài sản gần 1,77 triệu tỷ đồng, tăng 9,12% so với cùng kỳ và tăng 4,42% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 1,39 triệu tỷ đồng, tăng 5,86%.
Về huy động vốn, ngân hàng có 1,59 triệu tỷ đồng tiền gửi tính tới cuối tháng 6/2022, tăng trưởng 3,1%, tương đương với tốc độ tăng trưởng huy động vốn của nhiều ngân hàng lớn khác. Đáng chú ý, trong khi nhiều ngân hàng suy giảm CASA, thì tại Agribank, CASA tiếp tục tăng trưởng 6 tháng đầu năm với mức tăng 1,6%, giúp ngân hàng hạ chi phí vốn, cải thiện biên lợi nhuận.
Trong 6 tháng đầu năm, Agribank tiếp tục được ghi nhận là 1 trong những doanh nghiệp Top đầu cả nước đóng góp vào ngân sách nhà nước.