Hiện nay, BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Đây là công cụ mạnh, hữu hiệu được BHXH Việt Nam tích cực triển khai.

Ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động: phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hữu quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra (TTKT); ban hành, triển khai trong toàn Ngành Kế hoạch TTCN, kiểm tra và TTKT liên ngành; chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch TTKT hằng năm, chú trọng TTCN đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT; kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở KCB có tỷ lệ chi KCB BHYT cao so với dự toán, gia tăng chi phí bất hợp lý; chủ động rà soát, phân tích dữ liệu trên các phần mềm nghiệp vụ, dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác TTKT; chỉ đạo triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Qua đó đã chủ động phát hiện, ngăn ngừa từ sớm, từ xa và xử lý kịp thời các hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT.

Do cơ quan BHXH chỉ có chức năng TTCN về đóng BHXH, BHYT, BHTN, không có chức năng thanh tra hưởng BHXH, BHYT, vì vậy, bên cạnh sự chủ động, triển khai quyết liệt của Ngành, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan chủ động có giải pháp quyết liệt để phát hiện, ngăn chặn từ sớm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người tham gia và thụ hưởng chính sách. Trong đó, BHXH Việt Nam đề nghị: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan BHXH tăng cường thanh tra đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; Bộ Y tế ban hành văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh các cơ sở KCB trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc quy trình KCB theo quy định để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp trục lợi; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan (Công an, Thuế, Kế hoạch và Đầu tư…) trong việc theo dõi, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý lạm dụng, trục lợi...

BHXH Việt Nam: Phát hiện 44.859 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng trong năm 2023

Qua công tác TTKT, nhiều hành vi vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời; nhiều nội dung vướng mắc đã được BHXH Việt Nam giải quyết hoặc tổng hợp, báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Gần đây, cơ quan BHXH và cơ quan chức năng có liên quan đã phát hiện, xử lý một số vụ việc vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN ở một số địa phương. Cụ thể, thông qua công tác TTKT đã phát hiện tình trạng trục lợi quỹ BHXH, BHYT dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả hoặc cấp khống (thực tế không đi KCB để được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH), cấp không đúng quy định để thanh toán chế độ BHXH. Trong đó, người lao động thì trục lợi quỹ BHXH bằng việc dùng Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để đề nghị thanh toán hưởng chế độ BHXH; cơ sở KCB BHYT trục lợi quỹ BHYT bằng việc quyết toán công khám, tiền thuốc, dịch vụ kỹ thuật... từ thẻ BHYT của người mua Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Một số vụ việc điển hình như tại các Phòng khám đa khoa tư nhân ở Đồng Nai (đã khởi tố); tại Trạm Y tế phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam (Công an tỉnh Hà Nam đang xác minh),...

Đáng chú ý, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện TTKT theo phương pháp truyền thống kết hợp với “xử lý dữ liệu điện tử” bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, phân tích xử lý dữ liệu từ các phần mềm nghiệp vụ của Ngành và cơ sở dữ liệu từ các cơ quan hữu quan. Từ việc cảnh báo, sàng lọc cơ sở dữ liệu, các đơn vị có dấu hiệu vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN, nhất là hành vi vi phạm về chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được cơ quan BHXH kịp thời phát hiện, lập danh sách để tiếp tục rà soát, đôn đốc và tổ chức triển khai các đoàn TTCN đóng đột xuất tại đơn vị.

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động TTKT đã rút ngắn thời gian, kinh phí, nhân lực, giảm thời gian làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (đặc biệt với các đơn vị có số lao động và dữ liệu lớn). Ứng dụng CNTT trong công tác TTKT giúp việc TTKT có trọng tâm, trọng điểm, phát hiện các dấu hiệu bất thường, phân tích dữ liệu để định hướng nội dung thực hiện TTKT theo chuyên đề, đột xuất. Đồng thời, việc xử lý dữ liệu tổng thể, giúp tăng khối lượng nội dung, hồ sơ TTKT nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý, tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật thanh tra.

Trong năm 2023, BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 18.707 đơn vị. Tổng số tiền qua TTKT các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định TTKT ra là 1.504,1 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng ngay sau khi TTKT là 909,8 tỷ đồng (bằng 60,5%). Phát hiện 44.859 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu 132,6 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH, BHTN tổng số tiền 139,5 tỷ đồng do hưởng chế độ không đúng quy định (bằng 186% so với năm 2022).

Nhờ các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ của toàn Ngành, hết năm 2023, số tiền thu BHXH, BHTN, BHYT tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN có tính lãi ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69% số phải thu.

Kết quả này cho thấy công tác TTKT cùng với các giải pháp thu khác của ngành BHXH Việt Nam đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần quan trọng để các quỹ luôn tăng trưởng, an toàn, bền vững, đảm bảo chi trả đầy đủ chế độ cho người tham gia, thụ hưởng; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN