Bộ Y tế lý giải nguyên nhân vaccine nội ngừa COVID-19 chưa được cấp phép

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 4/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin với báo chí về tiến độ triển khai các loại vaccine mang thương hiệu Việt Nam.

Ông cho hay, ngay từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có chỉ đạo và khuyến nghị các đơn vị, cơ quan nghiên cứu khoa học tham gia sản xuất vaccine. Đến nay, Việt Nam có 3 ứng cử viên vaccine COVID-19 là Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen; Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) nghiên cứu; và vaccine chuyển giao công nghệ ARCT-154.

Trong đó, vaccine Nanocovax do Nanogen nghiên cứu đã tiến tới đánh giá thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Vaccine này đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Hội đồng Đạo đức) cũng như Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế họp đánh giá. Theo đó, qua rà soát hồ sơ, ứng viên vaccine này vẫn còn một số dữ liệu mà Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc đề nghị Nanogen bổ sung.

“Hiện Nanogen đang tập hợp, bổ sung dữ liệu theo yêu cầu. Sau đó, theo đề cương nghiên cứu, các hội đồng tiếp tục họp và nếu đủ điều kiện thì Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ trình Bộ Y tế cấp phép cho vaccine này”, ông Tuyên nói.

Vaccine Nanocovax đến hiện tại vẫn chưa được cấp phép lưu hành.
Vaccine Nanocovax đến hiện tại vẫn chưa được cấp phép lưu hành. Ảnh minh họa

Vaccine thứ 3 - ARCT-154 là vaccine nhận chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ. Vaccine đã đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 và đang triển khai giai đoạn 3, theo đó đã tiêm thử nghiệm trên 1.000 tình nguyện viên.Vaccine Covivac của IVAC đã được đánh giá kết quả giữa kỳ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và đang ở giai đoạn 2 nghiên cứu. Vaccine này đang được hoàn thiện đề cương, hồ sơ để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

“Cả 3 ứng viên vaccine COVID-19 của Việt Nam đều đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng”, ông Tuyên nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải vaccine là một sinh phẩm tiêm vào cơ thể con người, nên yêu cầu đánh giá an toàn rất cao, bao gồm đánh giá tai biến tức thì và đánh giá ảnh hưởng lâu dài.

“Chúng ta sẽ không cấp phép vaccine khi chưa có nghiên cứu và đánh giá đầy đủ”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đã làm việc với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Tổng giám đốc Pfizer tại Việt Nam. Cả hai đơn vị thống nhất sẽ đưa vaccine về Việt Nam sớm nhất để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi.

Dự kiến lô vaccine đầu tiên tiêm cho trẻ về đến Việt Nam vào 10/5.

Ông Tuyên cho biết, từ đầu tháng 12/2021, Bộ Y tế đã nghiên cứu, rà soát trên cơ sở đề nghị của 63 tỉnh thành, báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng để ban hành Nghị quyết tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi theo Điều 26 của Luật Đấu thầu.

Về tạo sự đồng thuận khi tiêm cho trẻ em 5-11 tuổi, Bộ cũng làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, giao cho Viện Chiến lược và Chính sách Y tế của Bộ Y tế khảo sát, đánh giá tỷ lệ chấp thuận của phụ huynh về việc cho trẻ em tiêm vaccine. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự khác biệt, dao động 60 – 80%.

Số mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm còn 48.717 ca tại 62 tỉnh, thành

Tính từ 16h ngày 03/4 đến 16h ngày 04/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 48.717 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 48.715 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.015 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 34.690 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (5.868), Đắk Lắk (3.925), Bắc Giang (2.649), Yên Bái (2.350), Nghệ An (2.300), Phú Thọ (2.282), Quảng Ninh (1.996), Lào Cai (1.590), Thái Bình (1.432), Vĩnh Phúc (1.408), Tuyên Quang (1.348), Bắc Kạn (1.028), Hưng Yên (991), Thái Nguyên (984), Hải Dương (940), Lạng Sơn (911), Quảng Bình (909), Hà Giang (786), Hà Nam (767), Sơn La (703), Lâm Đồng (679), Cao Bằng (668), Cà Mau (655), Bình Định (649), Hà Tĩnh (640), Quảng Ngãi (627), TP. Hồ Chí Minh (537), Vĩnh Long (536), Đà Nẵng (532), Hòa Bình (498), Bắc Ninh (493), Lai Châu (483), Bà Rịa - Vũng Tàu (461), Phú Yên (459), Bình Phước (457), Tây Ninh (454), Điện Biên (424), Đắk Nông (391), Nam Định (387), Quảng Trị (386), Bến Tre (381), Thanh Hóa (368), Ninh Bình (365), Hải Phòng (288), Quảng Nam (264), Thừa Thiên Huế (237), Trà Vinh (200), Bình Dương (179), Khánh Hòa (150), Bình Thuận (124), Đồng Tháp (85), Long An (85), An Giang (83), Sóc Trăng (83), Bạc Liêu (72), Kon Tum (64), Kiên Giang (32), Đồng Nai (29), Cần Thơ (21), Ninh Thuận (10), Tiền Giang (6), Hậu Giang (6).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (-526), Lạng Sơn (-450), Lào Cai (-444).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+3.923), Hưng Yên (+282), TP. Hồ Chí Minh (+190).

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến chiều ngày 4/4.
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến chiều ngày 4/4.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 70.368 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.867.045 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 99.796 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.859.306 ca, trong đó có 7.841.018 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.502.111), TP. Hồ Chí Minh (596.940), Nghệ An (402.907), Bình Dương (379.064), Hải Dương (348.055).

Học sinh mầm non và tiểu học ở nhiều địa phương đi học trực tiếp tại trường

Trẻ mầm non và tiểu học tại một số địa phương trở lại trường từ 4/4:

Tại Hòa Bình: Phòng GD&ĐT TP. Hòa Bình đã ban hành văn bản về việc cho trẻ mầm non trên địa bàn thành phố đi học trở lại. Theo đó, các cơ sở giáo dục cho toàn bộ học sinh các trường mầm non, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố đi học trở lại từ hôm nay, 4/4. Các trường chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương án để đón học sinh trở lại trường đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, sớm ổn định tình hình và duy trì nề nếp dạy học.

Tại Ninh Bình: Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thông báo đến các cơ sở giáo dục tiểu học đón học sinh đi học trở lại kể từ ngày 4/4. Đồng thời, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của từng trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày và có thể cho học sinh ăn bán trú.

Từ 6/4, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường học trực tuyến. Ảnh minh họa
Từ 4/4, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của nhiều tỉnh thành trở lại trường học trực tiếp. Ảnh minh họa

Tại Nam Định: Từ hôm nay, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 toàn tỉnh trở lại trường học trực tiếp (trừ những cơ sở giáo dục ở trên địa bàn thuộc cấp độ 4).

Tại Điện Biên: Các trường bậc mầm non và tiểu học tại thành phố Điện Biên Phủ sẽ mở cửa trở lại từ ngày 4/4. Trong khi đó, học sinh THCS ở đây chuyển sang học trực tiếp từ 30/3. Trước đó, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, UBND tỉnh Điện Biên cho 18 cơ sở giáo dục tại Điện Biên Phủ tạm dừng đến trường từ ngày 22/2 để chuyển hình thức học phù hợp.

Tại Nghệ An: Từ ra Tết đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tạm thời cho học sinh nghỉ học, trong đó chủ yếu là bậc học mầm non và tiểu học. Thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, việc đi học trở lại sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay, 4/4. Trước ngày trở lại trường, cán bộ, giáo viên đã khẩn trương vệ sinh trường lớp, đảm bảo cơ sở vật chất.