Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.958.719 ca mắc COVID-19, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.850 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.952.594 ca, trong đó có 1.633.082 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (509.501), Bình Dương (291.560), Đồng Nai (98.965), Tây Ninh (83.619), Hà Nội (76.438).

Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.635.899 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.032 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.304 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 834 ca; Thở máy không xâm lấn: 151 ca; Thở máy xâm lấn: 724 ca; ECMO: 19 ca

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 213 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.964 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 31.119.897 mẫu tương đương 75.823.239 lượt người, tăng 63.067 mẫu so với ngày trước đó.

Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 163.533.682 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.413.199 liều, tiêm mũi 2 là 71.510.069 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 13.610.414 liều.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

2 phương án tính chi phí test nhanh tại các cảng hàng không đối với hành khách nhập cảnh

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các cảng vụ hàng không, các hãng hàng không yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai việc thu giá test nhanh tại các cảng hàng không Việt Nam đối với hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron.

Việc này cũng để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, tránh ùn tắc tại khu vực nhà ga quốc tế.

Theo đó, Cục yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện test nhanh cho tất cả các hành khách đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện đưa chi phí test nhanh vào giá vé đối với hành khách vận chuyển đến các sân bay quốc tế ở Việt Nam.

Các hãng hàng không nước ngoài có thể lựa chọn một trong hai phương án tính chi phí test nhanh. Thứ nhất, đưa chi phí này vào giá vé đối với hành khách. Hãng sẽ thanh toán chi phí test nhanh với đơn vị tổ chức test nhanh tại cảng hàng không quốc tế.

Thứ hai, hãng hàng không thông báo để hành khách biết và tự chịu chi phí test nhanh. Khách sẽ thanh toán trực tiếp cho đơn vị thực hiện test nhanh tại các cảng hàng không quốc tế.

Chi phí test nhanh không được cao hơn đơn giá của Bộ Y tế công bố tại Thông tư 16/2021/TT-BYT ngày 8/11/2021.

Hà Nội gần chạm mốc 3.000 ca mới

Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 12-1, Hà Nội ghi nhận 2.948 ca Covid-19 mới, trong đó có 670 ca cộng đồng. Đáng chú ý, Hà Nội có 482 ca nặng và nguy kịch.

Bệnh nhân mới phân bố tại 395 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Ba Đình (116); Hoài Đức (111); Bắc Từ Liêm (98); Long Biên (94); Hoàn Kiếm (93); Đống Đa (83) …

Tính đến hết ngày 11-1, toàn thành phố có gần 51.000 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (133 ca là bệnh nhân ở Hà Nội), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (218 ca), tại các bệnh viện của Hà Nội (gồm các bệnh viện tầng 2 và tầng 3) là 3.079 ca.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến ngày 11-1 Hà Nội có 482 ca nặng và nguy kịch, tăng 16,7% so với trung bình một tuần trước. Trong đó, 424 ca thở oxy qua gọng kính, tăng 21%, thở máy xâm lấn 37 ca, tăng 11,6%. Ngoài ra, 15 ca thở máy dòng cao (HFNC), 6 ca thở máy không xâm lấn, giảm lần lượt 21,6% và 26,3%. Không có bệnh nhân đang lọc máu và can thiệp ECMO.

TP HCM xây dựng chiến lược tiếp cận và can thiệp với bệnh nhân hậu COVID-19

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), thống kê trong 40 ngày, từ 1/12/2021 đến 10/1/2022, có 1.021 bệnh nhân hậu COVID-19 đến thăm khám ở tất cả chuyên khoa. Đa phần vì mệt mỏi, khó thở, suy nhược tinh thần.

TP HCM phân tuyến điều trị, quản lý chăm sóc người bệnh hậu COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầngẢnh minh họa
TP HCM phân tuyến điều trị, quản lý chăm sóc người bệnh hậu COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng. Ảnh minh họa

Trong đó, trên 510 bệnh nhân (50%) vì gặp vấn đề vì hô hấp, 182 bệnh nhân gặp vấn đề thần kinh, 134 trường hợp tim mạch, 80 trường hợp về nội tiết, 66 trường hợp về tiêu hóa, 49 trường hợp cơ xương khớp.

Thực tế, hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng và lớn tuổi, mà còn ghi nhận ở người trẻ từ 30-40 tuổi, mắc COVID-19 nhẹ. Thậm chí có trường hợp F0 không nhập viện cũng gặp triệu chứng dai dẳng.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP HCM xây dựng chiến lược tiếp cận và can thiệp với bệnh nhân hậu COVID-19. Trong đó, xác định mô hình bệnh tật, triệu chứng phổ biến người bệnh gặp phải. Đồng thời, phân tuyến điều trị, quản lý chăm sóc người bệnh hậu COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng.

Cụ thể, ở tầng thấp nhất là tuyền y tế cơ sở, có chức năng quản lý chăm sóc người bệnh hậu COVID-19 mức độ nhẹ, can thiệp các phương pháp không dùng thuốc. Ở tầng này, bệnh nhân đông nhất.

Ở tầng 2 - Bệnh viện tuyến quận huyện: thực hiện khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng; quản lý và chăm sóc điều trị bằng thuốc với bệnh nhân hậu Covid-19 mức độ trung bình.

Ở tầng 3 - Bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối: chăm sóc với nhóm người bệnh hậu COVID-19 mức độ nặng. Các bệnh viện này sẽ khám và điều trị chuyên khoa sâu như hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, phục hồi chức năng…

TP Hải Phòng: Sau 4 ngày công bố cấp độ dịch nguy cơ rất cao (tương ứng cấp độ 4 - vùng đỏ), đến ngày 12/1, trên địa bàn thành phố đã cập nhật cấp độ dịch là cấp độ 3 (vùng cam - nguy cơ cao) sau khi số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn Hải Phòng giảm so với trước đó.

Hiện nay, TP Hải Phòng có 6/15 quận, huyện là vùng đỏ gồm: quận Hồng Bàng, Dương Kinh, Lê Chân, Đồ Sơn và huyện An Dương, Kiến Thụy.