Bộ Xây dựng chỉ loạt vấn đề liên quan đến Condotel

Bộ Xây dựng vừa có công văn 2274/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm soát dân số và khả năng đáp ứng hạ tầng, việc bố trí các loại hình căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú, biệt thự nghỉ dưỡng tại các đô thị, khu du lịch.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, thông qua quá trình thực hiện công tác thẩm định dự án đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn trực thuộc, cũng như kiểm tra việc thực hiện công tác này tại địa phương, Bộ Xây dựng nhận thấy một số vấn đề bất cập cần các địa phương lưu ý.

Cụ thể, việc tính toán, dự báo dân số tại một số quy hoạch chi tiết dự án chưa phù hợp với chỉ tiêu dân số được phân bổ tại quy hoạch cấp trên (quy hoạch phân khu) hoặc xác định dân số theo diện tích sàn, số căn hộ còn thiếu cơ sở; chưa tính toán đầy đủ việc quy đổi dân số đối với các chức năng lưu trú theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng.

Cùng với đó, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thiếu thuyết minh về việc đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài dự án, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Về xác định chỉ tiêu dân số dự án, Bộ Xây dựng cho biết ngày 4/1/2018 đã có Văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 19/5/2021, Bộ có Thông tư số 03/2021 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư - QCVN 04:2021/BXD, trong đó quy định UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quy định phương pháp xác định dân số trong các tòa nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế về quy mô dân số và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để áp dụng và quản lý trong địa bàn.

Đối với việc quản lý loại hình lưu trú, Bộ cũng cho biết đã có Văn bản số 276 ngày 20/1/2020 về quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh căn hộ du lịch, biệt thự du lịch; Văn bản số 4308 ngày 3/9/2020 về quản lý đầu tư xây dựng dự án có bố trí căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà ở thương mại liên kế.

Bộ Xây dựng cũng đã soạn thảo để Bộ Khoa học và Công nghệ công bố các tiêu chuẩn quốc gia liên quan, trong đó có các yêu cầu chung về thiết kế cho các loại hình công trình này.

Bộ Xây dựng chỉ loạt vấn đề liên quan đến Condotel. Ảnh minh họa
Bộ Xây dựng chỉ loạt vấn đề liên quan đến Condotel. Ảnh minh họa

Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thời gian tới cần tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành quy định phương pháp xác định dân số trong các tòa nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp, cũng như căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở thương mại liên kế, xác định dân số toàn dự án, quy hoạch chi tiết đảm bảo phù hợp quy định. Đồng thời là tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung Bộ Xây dựng đã lưu ý tại Văn bản số 276 và Văn bản số 4308.

Việc xác định quy mô dân số trong dự án, Bộ Xây dựng nhấn mạnh cần lưu ý nghiên cứu trên cơ sở Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc năm 2019 (trong đó, bình quân mỗi hộ có 3,6 người, giảm 0,2 so với năm 2009) và của địa phương; các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế liên quan; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… đảm bảo tuân thủ quy hoạch cấp trên, phù hợp với loại hình dự án, điều kiện thực tế, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để áp dụng và quản lý trong địa bàn.

Từ đầu năm 2018, các vấn đề đặt ra về tính pháp lý của Condotel bắt đầu được chú trọng. Khi loại hình này chưa được công nhận đầy đủ và chưa có hành lang pháp lý riêng biệt, người ta còn phát hiện ra nhiều địa phương đã sáng tác ra một khái niệm mới là “đất ở không hình thành đơn vị ở” để hợp thức hóa loại hình này.

Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA), trong hơn 10 năm qua, với việc tự sáng tác ra loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở”, một số UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho condotel.

Bên cạnh đó, tại nhiều dự án Condotel, cư dân đã đến ở, sinh hoạt như những chung cư bình thường, gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương, quá tải hạ tầng, phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.

Trước các nhập nhèm về pháp lý của Condotel, tháng 7/2020, Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương không phát triển thêm dự án condotel, không hợp thức hóa các loại hình này thành nhà ở.

Hà Nội phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư 33 dự án hơn 5.700 tỷ đồng

Sáng 6/7, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua 2 nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 ngân sách cấp thành phố; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội.

Theo đó, HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 27 dự án với tổng mức đầu tư là 5.168,873 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư là 634,134 tỷ đồng, trong đó, vốn tăng thêm so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt là 241,378 tỷ đồng.

Trước đó, trình bày tờ trình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, UBND TP Hà Nội đề xuất thông qua chủ trương đầu tư 47 dự án. Trong đó, 40 dự án quyết định chủ trương đầu tư, 7 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong số này có 1 dự án thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng sẽ được xem xét riêng theo quy định về bí mật nhà nước.

Các dự án UBND trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại kỳ họp này là những dự án được sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Quốc hội và Chính phủ thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng kỹ thuật, giao thông ( 25 dự án), văn hóa - giáo dục - thể thao (10 dự án), đê điều - thủy lợi ( 11 dự án).

Tuy nhiên, qua thẩm tra và xem xét 2 báo cáo bổ sung của UBND thành phố về lĩnh vực, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị đại biểu HĐND thành phố chưa xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 3 dự án, do chưa đảm bảo yêu cầu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, Dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất; Dự án xây dựng, hoàn chỉnh, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, khu công nghiệp Dương Xá A, huyện Gia Lâm (giai đoạn 2); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường theo quy hoạch từ đường quy hoạch 24,5m Yên Viên đến đường quy hoạch Yên Viên - Đình Xuyên - Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm.

Riêng đối với Dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng đường 70 (đoạn từ Trịnh Văn Bô đến hết địa phận quận Nam Từ Liêm), qua thẩm tra, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cũng thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm này, chưa thuyết minh được sự phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đến năm 2025 của ngân sách thành phố nên đề nghị UBND thành phố rà soát, nghiên cứu, tính toán, đề xuất nguồn vốn để đảm bảo tính khả thi, sớm trình HĐND thành phố tại kỳ họp sau.

Ngoài ra, trình bày báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cũng nhận định, tiến độ triển khai các dự án đầu tư công chậm, tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp (cả với kế hoạch vốn năm 2022 và kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài), nhiều đơn vị, lĩnh vực chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp dưới 10%. Công tác triển khai thủ tục đầu tư các dự án rất chậm. Việc chậm giải ngân và thủ tục triển khai chậm đã được UBND thành phố phân tích đánh giá với 4 nhóm tồn tại và nguyên nhân chủ yếu.

Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, hiện nay số vốn chưa phân bổ chi tiết còn lớn, hơn 3.200 tỷ đồng, bằng khoảng 6,2% kế hoạch vốn của cả năm. Đồng thời, nguồn vốn bổ sung từ tăng thu và kết dư ngân sách năm 2021 của thành phố cũng chưa được xem xét đề xuất phương án sử dụng. Việc chậm phân bổ và sử dụng các nguồn vốn này của thành phố là chưa quán triệt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để triển khai Chương trình hành động thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023.

Vì thế, đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận huyện sớm rà soát các nhiệm vụ, đẩy nhanh thủ tục để phân bổ nguồn vốn này và thực hiện giải ngân hoàn thành kế hoạch đề ra.

Sai phạm tại Dự án 28E Trần Phú, 3 cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị truy tố

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố 3 nguyên lãnh đạo tỉnh này về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Các bị can gồm: Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Đào Công Thiên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Võ Tấn Thái, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa xác định, 3 cựu lãnh đạo trên đã có nhiều hành vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình cho triển khai Dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu tổ hợp khách sạn - căn hộ du lịch cao cấp Nha Trang Golden Gate (gọi tắt Nha Trang Golden Gate, ở 28E Trần Phú, TP. Nha Trang) do Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang (gọi tắt Công ty Đỉnh Vàng) làm chủ đầu tư.

Theo điều tra ban đầu, tháng 1/2013, Công ty Đỉnh Vàng có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa xin thỏa thuận địa điểm đầu tư khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp trên khu đất 14.000 m2, số 28E đường Trần Phú. Khu đất này thời điểm đó do Công ty CP Điện lực Khánh Hòa quản lý, sử dụng. Đến tháng 3/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn thông báo ý kiến của ông Nguyễn Chiến Thắng (Chủ tịch UBND tỉnh) đồng ý về chủ trương thỏa thuận địa điểm đầu tư khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp cho Công ty Đỉnh Vàng tại 28E Trần Phú.

Đề xuất của Công ty Đỉnh Vàng và các văn bản trước đó của UBND tỉnh đều thể hiện chủ trương, quyết định theo hướng doanh nghiệp này có trách nhiệm làm việc với người sử dụng đất để thống nhất phương án bồi thường. Nhưng sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa lại thực hiện quy trình thu hồi đất, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; ấn định mức bồi thường, hỗ trợ cho Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Trung tâm điều dưỡng Tổng công ty Điện lực Miền Trung.

Khu đất 28E Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang). Ảnh: Tuổi trẻ
Khu đất 28E Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang). Ảnh: Tuổi trẻ

Đến tháng 2/2016, Công ty Đỉnh Vàng được giao đất, cho thuê hơn 2,1 ha đất. Sau đó vào tháng 9/2016, ông Đào Công Thiên (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) ký quyết định phê duyệt giá đất thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tháng 8/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định điều chỉnh hơn 7.200 m2 đất sử dụng vào mục đích công cộng, không kinh doanh thành diện tích cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác định Dự án Nha Trang Golden Gate hoàn toàn không được thể hiện trong quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Theo Luật Đất đai 2003, dự án này không thuộc diện dự án phát triển kinh tế quan trọng quy định để Nhà nước thu hồi đất, giao cho chủ đầu tư. Khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, dự án trên cũng không thuộc vào diện các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế.

Việc UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất của Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa đang sử dụng rồi giao cho Công ty Đỉnh Vàng là trái quy định pháp luật. UBND tỉnh Khánh Hòa còn có các vi phạm như: không thực hiện đấu thầu dự án, không áp dụng pháp luật nhà ở để lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, thỏa thuận phương án - kiến trúc quy hoạch dự án trái với quy hoạch… UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã giao đất, cho thuê đất không đúng hình thức, không đúng đối tượng.

Dự án đất nền Golden Light - Mang Yang Town, Gia Lai có giá từ 3,5 triệu đồng/m2

Dự án đất nền Golden Light - Mang Yang Town có vị trí tại huyện Mang Yang, xã Đăk Djrăng, tỉnh Gia Lai. Dự án Golden Light - Mang Yang Town cách sân bay Pleiku 35 km, cách quốc lộ 19 1,9 km.

Dự án đất nền Golden Light - Mang Yang Town có diện tích 2,2 ha, quy mô 79 lô đất nền có diện tích từ 266 m2 – 287 m2, được xây dựng với loại hình biệt thự và bungalow mini. Dự án Golden Light - Mang Yang Town quy hoạch đường 2 mặt tiền trước sau, mặt trước 17 m, mặt sau 11 m.

Dự án đất nền Golden Light - Mang Yang Town có tiện ích nội khu như: Mỗi căn biệt thự tại dự án có một trang trại thu nhỏ với vườn rau, cây ăn trái, ao cá, không gian BBQ, hồ bơi…

Dự án đất nền Golden Light - Mang Yang Town, Gia Lai có giá từ 3,5 triệu đồng/m2.
Dự án đất nền Golden Light - Mang Yang Town, Gia Lai có giá từ 3,5 triệu đồng/m2.

Tiện ích ngoại khu dự án đất nền Golden Light - Mang Yang Town kết nối với các khu vực như: Nằm ngay bên cạnh doanh trại quân đội; cách trường tiểu học, trung học 1 km; cách trung tâm y tế, chợ, UBND 1,2 km; cách quốc lộ 19 chỉ 1,9 km; cách thành phố Pleiku 30 km; cách sân bay Pleiku 35 km.

Dự án Golden Light - Mang Yang Town Gia Lai do Công ty TNHH Phú Lợi Hưng làm chủ đầu tư, có trụ sở chính tại số 109/11 Phạm Văn Đồng, tổ 4, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Công ty thành lập ngày 02/04/2009 do bà Nguyễn Thị Phượng làm người đại diện, hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Các lô đất nền tại dự án biệt thự nghỉ dưỡng Golden Light - Mang Yang Town Gia Lai có giá bán trên thị trường từ 3,5 triệu đồng/m2.