Quyết tâm làm bằng được 2.000km cao tốc trong 4 năm tới

Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh An Giang, chiều 27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện 3 dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tham dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, 3 tuyến cao tốc trục ngang: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu là các dự án trọng điểm, quy mô lớn. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo dự án của các tỉnh, thành kịp thời tháo gỡ các khó khăn, kiểm soát được tiến độ.

“Tôi đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy, ít nhất 2 tuần 1 lần, với giai đoạn trọng điểm thì hàng tuần họp giao ban để kiểm tra tiến độ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Tại hội nghị, các địa phương đã tập trung thảo luận, nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp để đẩy nhanh tiến độ của 3 dự án đường cao tốc.

Trong đó, khó khăn lớn nhất đó là khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giá vật liệu đến chân công trình mỗi địa phương không đồng nhất..., đặc biệt là tình trạng khan hiếm nguồn cát.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, các tỉnh, thành hiện đã tiếp nhận đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 3 tuyến dự án cao tốc từ các Ban quản lý dự án; thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.

Ông Lê Quang Mạnh, Bí Thư Thành ủy TP Cần Thơ cho biết, đối với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, TP đã trình và được HĐND thành phố thông qua nghị quyết phân bổ vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với số tiền hơn 1.060 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ có kế hoạch triển khai và giao nhiệm vụ cụ thể đến các sở, ngành để thực hiện các bước tiếp theo của dự án.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ bày tỏ sự quan ngại về nguồn cung các vật liệu như: cát, đá... trên địa bàn khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu thi công dự án cao tốc.

Bản tin bất động sản 28/7: Quyết tâm làm bằng được 2.000km cao tốc trong 4 năm tới
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: "Mỏ vật liệu xây dựng quyết định 3 yếu tố, 1 là chất lượng công trình, 2 là tiến độ, và giá thành của dự án". Ảnh: Giao thông

Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển vật liệu xây dựng đến chân công trình hiện nay tại các tỉnh khu vực ĐBSCL, trong đó có 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua chưa có sự thống nhất. Một số tỉnh đã ban hành giá cước từ năm 2012, không còn phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp chuyên đề về vật liệu cát để đánh giá cụ thể về khả năng cung ứng nguồn cát. Từ đó có những giải pháp, chỉ đạo để đảm bảo chất lượng, công trình.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Nghị quyết của Trung ương đặt mục tiêu đến 2025 phải có 3.000km đường cao tốc, năm 2030 phải có 5.000km.

Với nhu cầu như vậy, mục tiêu trong vòng 4 năm tới phải hoàn thành 2.000km cao tốc. Đây là một nhiệm vụ khó khăn nhưng phải quyết tâm làm bằng được.

Phó Thủ tướng nhận định, ĐBSCL là vùng có động lực phát triển kinh tế lớn, nhưng hạ tầng giao thông còn yếu, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Do đó, đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo của các Bộ, ngành để triển khai thực hiện không chỉ 3 tuyến cao tốc này mà sắp tới còn có 9 tuyến cao tốc khác.

Phó Thủ tướng nêu rõ, phát triển mạng lưới cao tốc được xác định là một trong những động lực góp phần phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, các địa phương cần phải tích cực và chủ động hơn nữa trong việc triển khai các bước tiếp theo.

Về vấn đề mỏ vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng công trình.

“Mỏ vật liệu xây dựng quyết định 3 yếu tố, 1 là chất lượng công trình, 2 là tiến độ, và giá thành của dự án. Đáng lý ra chúng ta nên lấy mỏ điểm A nhưng lại lấy mỏ điểm B thì giá thành rất cao. Hoặc nếu không kiểm soát kỹ chất lượng thì rất khó.

Tôi đề nghị các cơ quan tư vấn phải tăng cường khảo sát các mỏ, tính toán giá thành. UBND các tỉnh, thành được giao nhiệm vụ đầu tư, ngay từ bây giờ phải chủ động phối hợp trong việc khảo sát các mỏ vật liệu”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Đối với đơn vị tư vấn giám sát, Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng tiến độ triển khai dự án, khung chính sách một cách cụ thể; Thực hiện song song vừa thiết kế, vừa cắm mốc GPMB, đảm bảo đến tháng 6/2023 GPMB được 70%.

Về việc lựa chọn nhà thầu, Phó Thủ tướng lưu ý phải chọn được nhà thầu có kinh nghiệm, có thực lực để thực hiện dự án.

Đồng Nai đề xuất bổ sung 189 dự án vào kế hoạch sử dụng đất

Ngày 27/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi chủ trì cuộc họp với các sở ngành, địa phương để lấy ý kiến về việc bổ sung 189 dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022.

Theo giải trình của các huyện, TP Biên Hòa và TP Long Khánh thì những dự án trên đều đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030. Do đó, các địa phương đề xuất UBND tỉnh bổ sung trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022 để tiếp tục triển khai.

Những dự án đề xuất bổ sung đợt này có tổng diện tích hơn 1.400 ha. Huyện Xuân Lộc khoảng 55 dự án với diện tích 138 ha; huyện Long Thành 32 dự án, 212 ha; TP Biên Hòa 18 dự án hơn 740 ha; huyện Định Quán 18 dự án gần 90 ha và huyện Trảng Bom 16 dự án diện tích 123 ha...

Trong đó có một số dự án lớn như Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1, Khu đô thị Hiệp Hòa, TP Biên Hòa; đường Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường, Khu đô thị mới An Phước (Long Thành); Khu dân cư Giang Điền (Trảng Bom).

Tại cuộc họp đa số các ý kiến thống nhất bổ sung các dự án vào kế hoạch sử dụng đất trong năm 2022.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu các địa phương rà soát kỹ lại các dự án đề xuất bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất lần này để đảm bảo đầy đủ tính pháp lý theo quy định.

Gia Lai: 5 cơ quan cấp tỉnh có sai phạm trong sửa chữa trụ sở

Ngày 27/7, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có kết luận về việc các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước để cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc giai đoạn 2015-2020, xảy ra nhiều sai phạm, dự toán không đúng.

Theo Thanh tra tỉnh, tổng số tiền sai phạm qua thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp để cải tạo, sửa chữa tại 5 cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải từ năm 2015-2020 là 855 triệu đồng.

Trong đó, Sở Giáo dục & Đào tạo hơn 556 triệu đồng, Sở Giao thông vận tải hơn 164 triệu đồng, Văn phòng UBND tỉnh hơn 104 triệu đồng, Sở Tư pháp hơn 16 triệu đồng, Sở Xây dựng hơn 12 triệu đồng.

Theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, trong các năm qua, bằng nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất cho các cơ quan, đơn vị trường học, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư vẫn còn nhiều thiếu sót ở khâu kiểm tra hồ sơ thiết kế - dự toán, giám sát thi công, kiểm tra hồ sơ hoàn công, thanh quyết toán và nghiệm thu công trình chưa chặt chẽ, để xảy ra những vi phạm. Đáng chú ý, có 2 công trình cải tạo, sửa chữa, gồm Trường Cao đẳng nghề (cũ) với kinh phí quyết toán 2,1 tỷ đồng do Sở Giáo dục & Đào tạo làm chủ đầu tư; công trình cải tạo trụ sở Chi cục thuế TP Pleiku với kinh phí quyết toán 1,8 tỷ đồng do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư được cải tạo, sửa chữa từ năm 2019 (dự kiến làm trụ sở làm việc cho 2 cơ quan - PV) nhưng đến nay cả 2 chưa được bố trí đưa vào sử dụng. Trong đó công trình Trường Cao đẳng nghề đã xuống cấp, một số thiết bị gương soi, vòi sen bị lấy cắp, một số cửa bị cạy phá… gây lãng phí ngân sách.

Sở GD-ĐT Gia Lai để xảy nhiều sai phạm, cần thu hồi hơn 556 triệu đồng. Ảnh: PLO.vn
Sở GD-ĐT Gia Lai để xảy nhiều sai phạm, cần thu hồi hơn 556 triệu đồng. Ảnh: PLO.vn

Trách nhiệm chính đối với các sai phạm nêu trên thuộc về các chủ đầu tư là Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng và Văn phòng UBND tỉnh, các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát công trình và đơn vị thi công.

Thanh tra tỉnh Gia Lai đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở: Giáo dục & Đào tạo, Giao thông vận tải , Tư pháp, Xây dựng và Văn phòng UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư trong việc thực hiện cải tạo, sửa chữa các công trình để xảy ra vi phạm.

Đề nghị giám đốc các sở: Giáo dục & Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Tư pháp, Xây dựng và Văn phòng UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm trong việc giám sát thi công, tổ chức nghiệm thu chưa đúng khối lượng thực tế đã để xảy ra sai phạm như đã nêu. Đồng thời chịu trách nhiệm thu hồi số tiền sai sót hơn 855 triệu đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước.

Ra mắt dự án khu đô thị Kosy tại tỉnh Ninh Bình

Dự án Khu đô thị Kosy có vị trí tại xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình và xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Dự án Khu đô thị Kosy có phía Bắc giáp khu dân cư Kosy, xã Ninh Nhất; phía Nam giáp khu dân cư xã Ninh Nhất; phía Đông giáp QL 1A; phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng.

Dự án Khu đô thị Kosy Ninh Bình có tổng diện tích 40,7 ha; diện tích đất ở 144.940 m2; diện tích đất công trình công cộng 29.911,1 m2; mật độ xây dựng 30%. Khu Đô Thị Kosy Ninh Bình xây dựng với 3 phân khu The City Point, The City Ligh, The Symphony, phát triển với các loại hình nhà liền kề, shophouse, biệt thự với diện tích từ 80 m2 đến 350 m2.

Trong đó, dự án Khu đô thị Kosy Ninh Bình có quy mô: Shop villa 50 lô diện tích từ 216 m2 – 247 m2; biệt thự ven hồ 60 lô diện tích từ 191,5 m2 – 243 m2; shophouse 250 lô diện tích từ 80 m2 – 307,6 m2; đất liền kề 980 lô diện tích từ 80 m2 – 216,4 m2.

Tiện ích nội khu dự án Khu đô thị Kosy Ninh Bình: Tuyến đường lễ hội, bức tường nghệ thuật, quảng trường, khu vui chơi dành cho trẻ em, hồ điều hòa, công viên cây xanh…

dự án khu đô thị Kosy tại tỉnh Ninh Bình.
Dự án khu đô thị Kosy tại tỉnh Ninh Bình.

Tiện ích ngoại khu dự án Khu đô thị Kosy Ninh Bình cách trung tâm hành chính thành phố Ninh Bình 1,5 km; trung tâm thành phố Hà Nội 70 km; trường đại học y 5 km; chùa Bái Đính 10 km; vườn quốc gia Cúc Phương 15 km; khu du lịch Tràng An 8 km; cố đô Hoa Lư 5 km.

Dự án Khu đô thị Kosy Ninh Bình do Tập đoàn Kosy Group làm chủ đầu tư, công ty có trụ sở chính tại số B6-BT5, khu đô thị mới Mỹ Đình 2, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Tập đoàn Kosy Group thành lập ngày 10/03/2008 do ông Nguyễn Việt Cường làm người đại diện pháp luật, hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê, tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất, dịch vụ lưu trú ngắn ngày.

Ngày 30/6/2020, tại Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng dự án Khu đô thị mới phía Bắc, tiểu khu IX, thuộc xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình và xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình giữa Công ty Cổ phần KOSY và Sở Xây dựng là đơn vị được UBND tỉnh ủy quyền thực hiện.