Chủ tịch Him Lam: Sẵn sàng xây 75.000 căn nhà ở xã hội đến 2030

Thông tin trên được ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam đưa ra trong Hội nghị phát triển nhà ở xã hội cho công nhân do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 1/8.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam cho biết sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục.

Theo ông Minh, Him Lam có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục.

Ông cho rằng, từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội còn khó hơn thủ tục làm nhà ở thương mại; thủ tục vô cùng phức tạp, từ thành phố, tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành…

Chủ tịch Tập đoàn Him Lam đề cập hiện nay, Chính phủ đang tập trung vào vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, huy động các doanh nghiệp, nhưng nguồn lực lớn nhất để xây dựng chính là ở người dân, như ở TP HCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân.

Ông Minh đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ vấn đề này vì đây là vấn đề rất lớn nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn không có, khó huy động được nguồn lực. Bộ Xây dựng cũng cần xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà trọ cho công nhân.

Ông còn cho rằng quy định những dự án nhà ở thương mại phải có 20% nhà ở xã hội là rất nhỏ lẻ và manh mún, bất cập. Vì vậy, nên quy hoạch khu vực nhà ở xã hội tập trung; các địa phương cần có quy hoạch riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Trong khi đó, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group đề xuất các bộ, ngành xem xét không bố trí quỹ đất nhà ở xã hội với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trong trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất. Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đồng thời phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Ông Trường còn đề xuất mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, bao gồm tổ chức (có thể là doanh nghiệp) thay vì chỉ 10 đối tượng là cá nhân theo quy định Luật Nhà ở. Các tổ chức này có thể mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua, thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp mà có nhu cầu với giá ưu đãi.

Thực tiễn, trong thời gian qua, Tập đoàn Sun Group đã triển khai xây dựng các khu nhà ở xã hội Sunhome cho cán bộ, nhân viên tập đoàn thuê hoặc thuê dài hạn nhằm ổn định đời sống và yên tâm làm việc của người lao động.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng cần rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất nhà ở trong khu thương mại, đô thị cho các địa phương để có điều chỉnh cho phù hợp.

Đặc biệt Bộ Xây dựng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để điều chỉnh lại tỷ lệ nhà ở xã hội trong các khu đô thị, khu thương mại.

Trước mắt, cần rà soát ngay những dự án nào buộc phải thực hiện quy định dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm, cần có giải pháp quyết liệt để thu hồi, tạo quỹ đất, chuyển cho các nhà đầu tư khác thực hiện...

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2.

Hoàn thành bàn giao mốc GPMB tuyến chính và tuyến kết nối cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua Hà Tĩnh gồm 3 dự án thành phần, gồm đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi, đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng và đoạn Vũng Áng – Bùng có chiều dài 102,38 km, đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã (Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh).

Trong đó, Ban QLDA Thăng Long là chủ đầu tư 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi và Hàm Nghi – Vũng Áng và Ban QLDA 6 là chủ đầu tư đoạn cao tốc Vũng Áng – Bùng. Tổng mức đầu tư được duyệt cho tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh là 29.230 tỷ đồng.

Ngoài 3 đoạn cao tốc thì trên trên địa bàn Hà Tĩnh còn có 3 tuyến kết nối với tuyến chính với tổng chiều dài 12,18 km, gồm đường nối Ngô Quyền – ĐT.550 (dài 5,05 km), đường song hành cao tốc nối ĐT.550 – Hàm Nghi kéo dài (dài 3,93 km) và đường Cẩm Quan – Quốc lộ 1 (dài 3,2 km).

Theo quy mô thiết kế, tại giai đoạn phân kỳ đầu tư, tuyến chính cao tốc có 4 làn xe, mặt đường 17m, còn ở giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền 32,25m.

Đối với quy mô thiết kế tuyến kết nối thì đường nối Ngô Quyền – Đ.T.550 có nền đường 12m, mặt đường 11m; đường song hành cao tốc nối ĐT.550 – Hàm Nghi kéo dài có nền đường 7,5m, mặt đường 6,5m và đường Cẩm Quan – quốc lộ 1: đoạn từ nút giao Cẩm Quan đến quốc lộ 8C có nền đường 12m, mặt đường 11m, đoạn từ quốc lộ 8C đến quốc lộ 1 có nền đường 9m, mặt đường 8m.

Tính tới ngày 1/8, chủ đầu tư đã hoàn thành bàn giao mốc GPMB tuyến chính và tuyến kết nối GPMB cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Tính tới ngày 1/8, chủ đầu tư đã hoàn thành bàn giao mốc GPMB tuyến chính và tuyến kết nối GPMB cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Vào đầu tháng 7, chủ đầu tư đã hoàn thành bàn giao 100% mốc GPMB tuyến chính cao tốc Bắc – Nam dài 102,38 km cho hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 6 huyện, thị xã của Hà Tĩnh. Hiện, các địa phương đang triển khai công tác kiểm kê đất đai, tài sản, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB dự án.

Ngay sau khi hoàn thành việc bàn giao mốc GPMB tuyến chính cao tốc thì Ban QLDA Thăng Long cũng tiến hành cắm mốc GPMB tuyến kết nối (3 tuyến kết nối nằm trong 2 dự án thành phần cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi và Hàm Nghi – Vũng Áng) để bàn giao cho các địa phương.

“Tới ngày 1/8, đơn vị đã hoàn tất việc bàn giao mốc GPMB 3 tuyến kết nối cho huyện Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà – 3 địa phương có tuyến kết nối đi qua. Như vậy, tính tới thời điểm này, toàn bộ hồ sơ và mốc GPMB tuyến chính cao tốc và 3 tuyến kết nối cao tốc đã được bàn giao đầy đủ cho các địa phương ở Hà Tĩnh”, ông Nguyễn Đăng Cường – cán bộ Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) thông tin.

Căn cứ vào mốc GPMB tuyến kết nối mà chủ đầu tư đã bàn giao thì các địa phương có tuyến kết nối cao tốc đi qua cũng đã rà soát các hộ dân bị ảnh hưởng, nhất là các hộ ảnh hưởng đến đất ở, phải tái định cư.

Chuyển Công an điều tra vụ giao hơn 11.500m2 đất không qua đấu giá cho

Dự án Khu nhà hỗn hợp FLC (sau đổi tên thành Dự án Khu nhà ở sinh thái xanh FLC) được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC từ năm 2014. Vị trí khu đất thực hiện dự án được xem là có địa thế đẹp, giáp trục đường Võ Nguyên Giáp với giá trị thương mại cao.

Về quy mô, dự án này đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp cao 18 tầng (lô C5) và 6 tầng (lô C4); các hạng mục công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật kèm theo, với tổng diện tích 15.500 m2. Tổng mức đầu tư ban đầu 600 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh lên 1.200 tỉ đồng. Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án khởi công vào tháng 7/2014 và hoàn thành vào tháng 12/2017.

Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới thực hiện xây dựng được đường giao thông nội bộ, vỉa hè, hệ thống cấp điện, cấp nước và 45/96 nhà ở thương mại, 15/28 biệt thự.

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy tại dự án này xảy ra nhiều vi phạm. Trong đó, Sở Xây dựng Thanh Hóa là đơn vị chủ trì và tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện quy trình chấp thuận chủ trương, địa điểm dự án, tham mưu lựa chọn FLC là nhà đầu tư, địa điểm đầu tư để thực hiện dự án theo hình thức không đấu giá quyền sử dụng đất.

Việc tham mưu cấp giấy chứng nhận đầu tư, theo quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ, được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương xây dựng công trình hỗn hợp theo hình thức cho thuê đất (theo luật Đầu tư năm 2005), nội dung dự án không có tính chất đất ở và không thể hiện hình thức giao đất ở cho nhà đầu tư, do vậy không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật nhà ở 2005.

Tuy nhiên, các đơn vị chức năng tỉnh Thanh Hóa lại tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa bổ sung việc giao đất ở, làm thay đổi tính chất của dự án. Vì nếu cấp giấy chứng nhận đầu tư có nội dung xây dựng 2 tòa nhà hỗn hợp đối với khu đất có giá trị thương mại cao, mục đích sử dụng làm đất ở thì phải theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Bản tin bất động sản 2/8: Tập đoàn Him Lam sẵn sàng đăng ký xây 75.000 căn nhà ở xã hội đến 2030
Vị trí khu đất thực hiện dự án được xem "đất vàng" ở phía Nam TP. Thanh Hoá khi giáp trục đường Võ Nguyên Giáp với giá trị thương mai cao. Ảnh: Báo Giao thông

Ngoài ra, Sở Xây dựng Thanh Hóa còn tham mưu công trình hỗn hợp có mật độ xây dựng không quá 60% lên 61% là không đúng với giấy phép, với quy hoạch.

Trong quá trình tham mưu, Sở KH&ĐT Thanh Hóa đã tham mưu chưa đảm bảo quy định về sự phù hợp trong quy hoạch; không đúng với chủ trương đầu tư ban đầu. Đặc biệt là tham mưu việc lựa chọn FLC từ thực hiện dự án đất thương mại, dịch vụ sang dự án nhà ở thương mại khi chưa đủ điều kiện.

Sở TN&MT Thanh Hóa đã tham mưu hạng mục chung cư 18 tầng có thời hạn giao đất lâu dài, hình thức sử dụng nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất là không đúng theo quy định; không đánh giá thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với dự án.

Từ dự án đất dịch vụ, thương mại, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thẩm định, tham mưu, và quyết định thành công trình hỗn hợp, nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự, không có chức năng dịch vụ thương mại, nhưng không thông qua đấu giá đất là sai quy định.

Ngoài ra, qua công tác kiểm tra cho thấy, dự án nhà ở sinh thái xanh FLC đã chậm hoàn thành hơn 4 năm. Tuy nhiên FLC không xin gia hạn, không xin giãn tiến độ theo quy định. Hiện nay mới đầu tư xong đường giao thông nội bộ, vỉa hè, hệ thống cấp điện, cấp nước và 60 trong tổng số 124 nhà ở thương mại, biệt thự.

Không chỉ chậm tiến độ, dự án có nhiều vi phạm trong xây dựng như có 3 biệt thự hoàn thiện mặt tiền không đúng thiết kế, 3 nhà liền kề không xây tường ngăn giữa các nhà.

Mặc dù việc thực hiện dự án có nhiều vi phạm nhưng Thanh tra Sở Xây dựng Thanh Hóa, Đội quy tắc đô thị UBND TP Thanh Hóa, và UBND P Đông Vệ (nơi thực hiện DA) không tiến hành kiểm tra, không kịp thời xử lý vi phạm.

Trước những sai phạm nêu trên, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo Sở KH&ĐT; Sở TN&MT; Sở Xây dựng và UBND TP Thanh Hóa tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm đã được chỉ ra trong Kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân đã có vi phạm được chỉ ra trong kết luận thanh tra.

Đồng thời chuyển cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra dấu hiệu tội phạm đối với các tổ chức, cá nhân tham mưu giao 11.566,8 m2 đất đã được Nhà nước giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng tại vị trí đất có giá trị thương mại cao không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đúng quy định tại Điều 118 Luật đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, dẫn đến nguy cơ làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Dự án khu đô thị Cẩm Văn tại Bình Định có giá từ 12 triệu đồng/m2

Khu đô thị Cẩm Văn có vị trí tọa lạc tại phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tiếp giáp về phía Bắc là đường N4 hay còn gọi là đường Lê Lai, từ trục đường này dễ dàng di chuyển đến trung tâm huyện Phù Cát.

Khu đô thị Cẩm Văn có tổng diện tích quy hoạch 42,5 ha, mật độ xây dựng 80% với tổng vốn đầu tư 870 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1 của dự án, quy hoạch với diện tích 65.494,4 m2 phân chia thành nhiều khu chức năng khác nhau, trong đó diện tích khu đất ở là 28.654,32m2 tương ứng 194 lô (166 lô nhà ở liền kề, 28 lô biệt thự).

Khu nhà liền kề phố bố trí ở 3 phân khu có mật độ xây dựng tối đa là 80%, hệ số sử dụng đất từ 2,4 đến 4 lần. Số tầng xây dựng là từ 3 – 5 tầng trên diện tích đất 125 m2.

Khu biệt thự đơn lập bố trí tại 1 phân khu với mật độ xây dựng tối đa là 70%, hệ số sử dụng đất là 1,76 lần, số tầng xây dựng là 3 với diện tích đất trên 300 m2.

Dự án khu đô thị Cẩm Văn tại Bình Định.
Dự án khu đô thị Cẩm Văn tại Bình Định.

Dự án Khu đô thị Cẩm Văn sở hữu những tiện ích nội khu như: sân thể thao đa năng, sân chơi trẻ em, quảng trường, phố đi bộ về đêm, công viên cây xanh, lối dạo bộ. Từ dự án cũng có thể tiếp cận những tiện ích ngoại khu lân cận như: liền kề Khu du lịch Thiên Hưng Tự, cách TH Nhơn Hưng, THCS Nhơn Hưng 3 phút; cách UBND phường Nhơn Hưng, bưu điện xã 4 phút; cách siêu thị Co.op Food, bến xe, bệnh viện 5 phút…

Chủ đầu tư dự án Khu đô thị Cẩm Văn Bình Định là Công ty Xây dựng và Thương mại Dịch vụ Yến Tùng, đơn vị phân phối của dự án là Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Bất động sản Lý Phong Vũ (LPV Real).

Công ty Xây dựng và Thương mại Dịch vụ Yến Tùng được thành lập ngày 01/02/2001, đặt trụ sở tại thôn Phụng Sơn, Xã Phước Sơn, Huyện Tuy Phước, Tỉnh Bình Định. Theo văn bản thông báo ngày 22/06/2020, doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ 85 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, đoạn đầu của dự án Khu đô thị Cẩm Văn có tên là Khu dân cư đường N4 thị xã An Nhơn. Được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư XD & TM Dịch vụ Yến Tùng tiến hành đầu tư khu dân cư đường N4 ngày 24/4/2017 với tổng vốn đầu tư 421 tỷ đồng.

Các sản phẩm tại dự án Khu đô thị Cẩm Văn được mở bán vào tháng 04/2021 với mức giá từ 12 triệu đồng/m2.