Nhà dân 'nứt toác' bên dự án metro Hà Nội: Chủ đầu tư lý giải gì?

Chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) thí điểm của đoạn Nhổn - Ga Hà Nội là dự án xây dựng công trình giao thông công cộng, giải pháp xanh cho giao thông đô thị, song hành với sự phát triển bền vững của Thủ đô, dự án đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. “Hiện dự án đang thi công trong vùng lõi đô thị Hà Nội, việc tổ chức triển khai dự án hết sức phức tạp do tuyến đi qua các khu đông dân cư, mật độ các tòa nhà hiện hữu lớn, rất nhiều tòa nhà đã được xây dựng từ lâu, chất lượng công trình đã xuống cấp, đặc biệt trong khu vực phần tuyến hầm và các nhà ga ngầm”, MRB thông tin.

Với phương án đảm bảo an toàn cho người dân, MRB cho rằng, chủ đầu tư đã rất quan tâm tới công tác quản lý, kiểm soát an toàn. Theo đó, trước khi tiến hành thi công hiện trường, dự án phải xây dựng kế hoạch hành động, quy trình quản lý, đánh giá, kiểm soát an toàn trước, trong và sau khi thi công, tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam, các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và kinh nghiệm quản lý của nhà thầu.

“Thực tế, dự án đã tiến hành khảo sát hiện trạng khoảng 3.000 công trình xây dựng nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án, đánh giá rủi ro khi thi công. Toàn bộ các công trình này đều được thiết kế, lắp đặt hệ thống quan trắc thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thi công để kiểm soát an toàn. Bên cạnh đó, các nhà thầu tham gia thực hiện dự án, bắt buộc phải mua bảo hiểm xây dựng công trình để đảm bảo chắc chắn các rủi ro nếu có sẽ được giải quyết”, MRB thông tin.

Thực tế lún, nứt nhà dân được MRB thông báo, thông qua kết quả quan trắc, khảo sát hiện trạng, dự án đã thống kê 50 công trình xây dựng bị ảnh hưởng khi máy đào hầm TBM bắt đầu hoạt động, trong đó có 7 hộ phải dỡ bỏ nhà, 43 hộ tạm cư khi thi công ga ngầm bắt đầu từ nhà ga S9 - Kim Mã.

Sau khi có sự ảnh hưởng trên, MRB cho biết, tháng 11/2019, dự án tiếp nhận đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Bích về việc công trình tại địa chỉ số 431 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội (được xây dựng từ năm 1994) bị nứt và hư hỏng, cho rằng nguyên nhân do ảnh hưởng từ việc thi công nhà ga S9. “Sau một số lần quan trắc, trong đó lần thực hiện vào tháng 11/2021 các số liệu quan trắc về độ lún của tòa nhà đã vượt ngưỡng an toàn cho phép. Dự án ngay lập tức kích hoạt quy trình hệ thống đảm bảo an toàn cho tòa nhà”, MRB nêu kết quả đánh giá.

Nhà ông Lê Hữu Đa nứt ngang, nứt dọc. Ảnh: Tuổi trẻ
Nhà ông Lê Hữu Đa nứt ngang, nứt dọc. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo MRB, báo cáo đánh giá mức độ hư hại và xác định khối lượng tổn thất cho công trình nhà bà Bích do tư vấn kiểm định độc lập thực hiện kết luận tòa nhà bị nứt, hư hỏng do 2 nguyên nhân chính: tòa nhà đã xuống cấp do đã sử dụng từ năm 1994 và do ảnh hưởng từ việc thi công nhà Ga S9. Tư vấn kiểm định kiến nghị nên xây mới lại tòa nhà và Nhà thầu phải đền bù theo tỷ lệ 32,55% tổng giá trị xây mới (cách tính trừ khấu hao theo thời gian sử dụng). Tư vấn độc lập đã lập dự toán theo quy định của Nhà nước, theo đó giá trị 32,55% mà nhà thầu phải đền bù sẽ là: giá trị bồi thường cho xây nhà 523.773.682 đồng, hỗ trợ tạm cư 50 triệu đồng, hỗ trợ vận chuyển đồ 5,16 triệu đồng. “Bà Bích đã đồng ý với tỷ lệ đền bù 32,55% nhưng không đồng ý giá trị dự toán xây dựng mới tòa nhà. Dự án tiếp tục xem xét nội dung đề nghị của bà Bích, đồng thời kiến nghị UBND phường Ngọc Khánh (Ba Đình) tiếp tục hỗ trợ các bên để hòa giải, sớm kết thúc vụ việc tranh chấp trên tinh thần hỗ trợ và tuân thủ quy định của Thành phố”, MRB thông tin.

Đối với các nhà dân tại công trường thi công nhà ga ngầm S11 - Văn Miếu (Đống Đa), MRB cho biết, công trình nhà tại địa chỉ số 15, ngõ 51 phố Quốc Tử Giám, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội, chủ hộ là ông Lê Hữu Đa, công trình nằm gần khu vực thi công nhà ga S11. Trước khi thi công, ngày 25/01/2018 ghi nhận tòa nhà của ông Đa đã có nhiều vết nứt. Ngày 15/01/2020, Dự án tiến hành khảo sát lần thứ 2 tiếp tục ghi nhận công trình có nhiều vết nứt nghiêm trọng ở tầng 1 và tầng 2, các vết nứt này phát triển lớn và nhiều hơn so với kết quả khảo sát lần thứ nhất.

Như vậy nhà ông Đa đã bị nứt nghiêm trọng trước khi nhà thầu tiến hành thi công tại ga S11. Bên cạnh đó, công tác quan trắc vẫn được duy trì thực hiện cho đến nay, kết quả quan trắc mốc trung gian đặt tại vị trí giữa ga S11 với công trình nhà ông Đa cũng như tất cả các thiết bị được gắn phục vụ quan trắc xung quanh nhà ông Đa (ngoại trừ các thiết bị trong khu lún bất thường) đều không có hiện tượng lún. Trong khi đó, độ lún tại công trình nhà ông Đa vẫn đang phát triển nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Tháng 5/2021, Nhà thầu đã gửi thư khẳng định nguyên nhân dẫn đến các hư hỏng của nhà ông Đa. Các chuyên gia của Dự án đã kết luận việc nứt, lún của nhà ông Đa không phải do nguyên nhân từ việc thi công nhà ga S11 của Dự án, mà là do kết cấu tòa nhà đã bị xuống cấp theo thời gian và không được bảo trì phù hợp, ngoài ra việc lún, nứt phát triển nhanh hơn do tác động thêm của công trình sát cạnh mới được xây dựng trong năm 2020. Dù nguyên nhân không đến từ việc xây dựng nhà ga S11, nhưng Dự án vẫn tiếp tục duy trì công tác quan trắc theo dõi và có báo cáo định kỳ, đồng thời hỗ trợ chi trả tiền tạm cư (5 triệu đồng/ tháng) trong thời gian từ 4/2021 đến 8/2021. Trong trường hợp gia đình ông Đa vẫn chưa thấy thỏa mãn với kết luận trên thì MRB sẽ đề nghị gia đình ông Đa và UBND phường Văn Chương mời đơn vị chuyên môn vào đánh giá độc lập.

Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án với vốn hơn 4.000 tỷ đồng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ vừa ký Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 03 dự án khu nhà ở tại Tp. Tuy Hòa. Cụ thể, có 02 dự án nằm ở phía Đông và 01 dự án thuộc phía Tây thành phố.

Trong đó, dự án thuộc phía Tây là khu nhà ở hỗn hợp cao cấp số 07phía Tây đường Hùng Vương, xã Bình Kiến, Tp. Tuy Hòa. Dự án có diện tích sử dụng đất là 6.771,9m2, tổng vốn đầu tư dự kiến không thấp hơn 2.579 tỷ đồng. Mật độ xây dựng tối đa 60% và diện tích đất xây dựng tối đa 4.063,14m2.

Dự án có mục tiêu cụ thể hóa nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng đối với lô đất ký hiệu số 07, đường Hùng Vương, Tp. Tuy Hòa và hình thành một khu nhà ở hỗn hợp cao cấp có hệ thống công trình hạ tầng đồng bộ, kết nối với các dự án đang triển khai trong khu vực, đảm bảo các chỉ tiêu theo quy chuẩn xây dựng hiện hành.

Sản phẩm dịch vụ cung cấp là nhà chung cư cao cấp kết hợp thương mại - dịch vụ với tối đa 1.393 căn nhà ở hình thành sau khi xây dựng, quy mô dân số tối đa 3.900 người.

Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên cũng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khu nhà ở tại lô đất ký hiệu 5phía Đông đường Hùng Vương, đoạn từ đường Trần Hào - đường số 14, Tp. Tuy Hòa.

Dự án này có diện tích sử dụng đất 23.368,82m2. Sản phẩm dịch vụ cung cấp ra là 152 căn nhà ở liên kế dạng hỗn hợp. Ước quy mô dân số 608 người. Tổng vốn đầu tư dự kiến (không bao gồm tiền sử dụng đất) không thấp hơn 891 tỷ đồng.

Dự án có mục tiêu cụ thể hóa Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng các lô đất có ký hiệu 1, 2, 3, 4, 5, 6 phía Đông đường Hùng Vương (đoạn từ đường Trần Hào - đường số 14), Tp. Tuy Hòa.

Bên cạnh đó, dự án cũng có mục tiêu hình thành một khu nhà ở liên kế dạng hỗn hợp có hệ thống công trình hạ tầng đồng bộ, kết nối với các dự án đang triển khai trong khu vực, đảm bảo các chỉ tiêu theo quy chuẩn xây dựng hiện hành.

Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án với vốn hơn 4.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án với vốn hơn 4.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Cùng với 2 quyết định trên, UBND tỉnh cũng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khu nhà ở tại lô đất ký hiệu 6 phía Đông đường Hùng Vương, đoạn từ đường Trần Hào - đường số 14, TP. Tuy Hòa có diện tích sử dụng đất là 21.596,42m2.

Sản phẩm dịch vụ cung cấp ra là 140 căn nhà ở liên kế dạng hỗn hợp. Quy mô dân số 560 người. Tổng vốn đầu tư dự kiến (không bao gồm tiền sử dụng đất) là không thấp hơn 826 tỷ đồng.

Các dự án trên đều có thời hạn hoạt động là không quá 50 năm kể từ ngày Nhà đầu tư được quyết định giao đất. Ngoài ra, đều cùng chung mục tiêu là khai thác hiệu quả quỹ đất nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở và dịch vụ thương mại cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; tham gia góp phần tích cực vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố Tuy Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung.

Thêm vào đó là huy động tối đa nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tp. Tuy Hòa; góp phần thực hiện thành công kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng, phát triển Tp. Tuy Hòa thành đô thị xanh - sạch - đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại.

Được biết, mục tiêu phát triển nhà ở của tỉnh Phú Yên đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đạt khoảng 28,14m² sàn/người (đô thị 31,81m² sàn/người; nông thôn 23,65m² sàn/người). Phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 10m2 sàn/người (bằng với chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu của quốc gia).

Tổng diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10.339.676m² sàn. Nhà ở được nâng cao về chất lượng, tỉ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố và thiếu kiên cố toàn tỉnh đạt 99% (khu vực đô thị là 100% và nông thôn khoảng 98%); giảm tỉ lệ nhà đơn sơ toàn tỉnh từ 1,82% xuống còn 1% (khu vực đô thị phấn đấu xóa hết nhà đơn sơ).

Tổng diện tích đất ở toàn tỉnh cần để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở là khoảng 796,08ha. Tổng kinh phí để phát triển nhà ở khoảng 77.310 tỉ đồng.

Luật đất đai mới có đánh thuế tài sản bỏ hoang, dự án treo?

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đất đai hiện nay bỏ hoang hóa rất nhiều do dự án treo, đất nông nghiệp không đưa vào sử dụng, thậm chí đất khu biệt thự, bất động sản mua nhưng dưới dạng là đầu tư vào đấy như một tài sản để chờ thị trường giá tăng lên.

“Về vấn đề này, chúng tôi sẽ không đánh thuế vào nhiều nhà, nhưng đánh vào hạn mức sử dụng và nhiều đất đai nhưng không sử dụng. Như ở Mỹ, nếu có 5 nhà, cho thuê cả 5 và đều đóng thuế kinh doanh thì không đóng thuế chồng thuế nữa. Còn nếu nhà bỏ hoang thì sẽ bị đánh thuế rất cao là thuế không sử dụng. Như ở Anh, nếu nhà không phát sinh tiền điện nước, không có đóng góp gì cho Nhà nước, được gọi là lãng phí, thì phải đánh thuế cao. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ học tập các nước như vậy. Về các loại đất, thì đất nào không sử dụng cũng lãng phí. Về đất nông nghiệp hiện nay thuế bằng không, theo quy định của Quốc hội, nhưng nếu không sử dụng sẽ bị cộng hệ số”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm.

Theo Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hiện nay vấn đề phân lô, phân thửa để bán nền, nhất là đất nông nghiệp là thực trạng đang diễn ra rất nóng. Khâu quy định quản lý việc này đang có sơ hở. Cần có quản lý để đáp ứng nhu cầu thiết thân của nông dân trên mảnh ruộng của mình đảm bảo điều kiện sinh sống của gia đình họ.

Các địa phương thông qua xử lý các khu đất xen kẹt (đất trong đô thị nhưng là đất nông nghiệp), thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn khi chuyển đổi sang đất đô thị nếu đủ diện tích thì phải đấu giá để thu lại nguồn lợi cho nhà nước.

Còn khu đất xen kẹt nhỏ không bán đấu giá được hoặc nằm giữa nhà này, nhà kia thì các gia đình có thể tiếp cận mua đất ấy theo định giá của địa phương.

“Nếu nói về đất xen kẹt thì phải xem là cách làm có đúng không, phải phân cấp hoàn toàn cho địa phương chịu trách nhiệm. Nếu đất xen kẹt có thể bán đấu giá mà không làm mà lại núp bóng theo phương án định giá đất để giá này thấp hơn giá thị trường, thì phải xem xét lại”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Plo.vn
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Plo.vn

Liên quan đến vấn nạn đầu cơ, làm lũng đoạn thị trường bất động sản diễn ra trong thời gian qua, theo Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, trước tiên phải dùng các công cụ tài chính, thuế để hạn chế các đối tượng đầu cơ đất đai. Chẳng hạn, với dự án mà nhà đầu tư mua với mục đích chờ giá tăng lên, đất hóa tài sản... thì sẽ xem xét dùng thuế lũy tiến để đánh vào đất, dự án trúng thầu, đấu giá nhưng chậm đưa vào sử dụng.

Với nhà đầu cơ, nếu mua xong bán ngay thì sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, so với người mua, đầu tư nhưng sử dụng lâu dài, ổn định. Tức là chúng ta sẽ áp thuế cao với những người đầu cơ, mua đất, dự án nhưng sau đó không đầu tư mà chờ thị trường tăng để thu lời. Còn đối tượng sthổi giá thông qua đấu giá, thì sẽ thay đổi phương thức đấu giá để loại trừ "động tác" này.

“Quan trọng nhất, tôi cho rằng, phải xác định giá theo thị trường và dùng công cụ thị trường để điều tiết giá. Công cụ thị trường ở đây là cung - cầu để xác định giá. Ví dụ phân khúc nhà nào đang quá ít mà nhu cầu quá lớn thì Nhà nước cần có quỹ đất bổ sung vào phân khúc này. Khi số lượng sản phẩm tăng lên thì giá sẽ giảm xuống”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Hà, nếu là đất đai của cha ông để lại, giao dịch đúng luật thì mức thuế sẽ tính bình thường. Nghị quyết 18 của Trung ương yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang.

“Sắp tới đương nhiên chúng ta sẽ phải làm. Tuy nhiên, hiện nay có người nhiều nhà, nhưng diện tích nhỏ 10m2. Cũng có người chỉ có một nhà, nhưng diện tích hàng nghìn mét vuông. Vậy nên cần tính hạn mức sử dụng đất cho từng địa phương. Chẳng hạn có nơi 300m2, 500m2, có nơi 1.000m2. Nếu người dân dùng đất trong hạn mức đó sẽ tính thuế thấp. Người sử dụng đất vượt hạn mức sẽ bị tính thuế cao hơn. Người dùng đất vượt hạn mức 3, 4 lần thì sẽ có mức thuế cao hơn tương ứng. Tất nhiên việc này chúng ta cần nghiên cứu và sẽ đưa vào trong Luật Thuế”, Bộ trưởng Hà chia sẻ.

Bộ trưởng Hà cho biết thêm, cần phải xem xét chống những người đầu cơ đất đai, mua để chờ cơ hội do đất đai dự báo thường xuyên tăng. Có hai biện pháp, một là phải xem xét những người đầu cơ, những người đầu cơ thì cần phải bán, sinh lợi thì Nhà nước phải xem xét để giải quyết chỗ này.

Tiếp đến là cần phải điều tiết thị trường, nếu thực sự thị trường đang khan hiếm thì giá cả bao giờ cũng lên thì chúng ta cần phải có nhiều sản phẩm hàng hóa hơn, nhà nước cần phải có quỹ đất đất để điều tiết thị trường này. Bởi vì khó như quản lý các đồng ngoại tệ, giá vàng đất cũng tương tự như ngoại tệ, giá vàng, đất. Nếu thấy kỳ vọng tăng lên thì chúng ta phải đưa sản phẩm tăng lên nhiều hơn.

Dự án khu dân cư Triệu Sơn New Central tại tỉnh Thanh Hóa có giá từ 14 triệu đồng/m2

Dự án Khu dân cư Triệu Sơn New Central (Khu dân cư Nam Cống Chéo) có vị trí tại thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Dự án Triệu Sơn New Central có phía Bắc giáp với trục đường TL514, nối trung tâm thành phố Thanh Hóa với sân bay quốc tế Thọ Xuân; phía Tây giáp với tuyến đường sắp khởi công rộng 36 m nối QL47C với cao tốc Nghi Sơn – Thọ Xuân; phía Nam giáp với khu quy hoạch xây dựng khu đô thị Xuân Hưng rộng 20 ha.

Dự án Khu dân cư Triệu Sơn New Central có tổng diện tích 6,1 ha; diện tích xây dựng 3,4 ha; được chia làm 2 giai đoạn phân phối (đợt 1 từ ngày 28/3/2022 và đợt 2 dự kiến sẽ vào đầu tháng 4/2022). Dự án Khu dân cư Triệu Sơn New Central được phát triển với loại hình đất nền, shophouse.

Dự án Khu dân cư Triệu Sơn New Central có quy mô 330 lô đất nền với diện tích từ 95 m2 - 115 m2; các tuyến đường có diện tích 7,5 m, 10,5 m, 20,5 m; vỉa hè lát đá rộng từ 3 m - 4 m.

Tiện ích nội khu dự án Khu dân cư Triệu Sơn New Central: Hệ thống công viên cây xanh, khu dịch vụ thương mại, bãi đỗ xe, khu thể thao ngoài trời, nhà văn hóa…

Tiện ích ngoại khu dự án Khu dân cư Triệu Sơn New Central: Cách chợ Giắt Triệu Sơn 2 phút di chuyển, khu công nghiệp 50 ha 4 phút di chuyển, cách sân bay Thọ Xuân 15 phút di chuyển. thành phố Thanh Hóa 20 phút di chuyển. bệnh viện đa khoa Triệu Sơn 2 phút di chuyển, siêu thị The City 2 phút di chuyển, trung tâm hành chính Huyện Triệu Sơn 3 phút di chuyển.

Phối cảnh mặt bằng Khu dân cư Triệu Sơn New Central
Phối cảnh mặt bằng Khu dân cư Triệu Sơn New Central

Dự án Khu dân cư Triệu Sơn New Central do Công ty TNHH BT Triệu Sơn làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lam Linh (Lam Linh Land) làm đơn vị phát triển.

Công ty TNHH BT Triệu Sơn hoạt động ngày 07/02/2020, trụ sở chính đặt tại số lô 7 khu công nghiệp Tây Bắc Ga, giai đoạn 2, phường Đông Cương, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Công ty TNHH BT Triệu Sơn do ông Cao Tuấn Hoàn làm người đại diện pháp luật, công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực xây dựng nhà để ở, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác, xây dựng công trình đường bộ…

Ngày 27/03/2022 Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lam Linh (Lam Linh Land) - đơn vị phát triển dự án đã tổ chức lễ “kick off” và ra mắt đại lý chiến lược.

Tham dự sự kiện có ông Lê Xuân Linh, Tổng Giám đốc Lam Linh Land và đại diện của 13 đại lý phân phối bất động sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm: Phục Hưng Land; Golden land 36; Hoàng Phát Land; Hưng Thịnh Land; An Phát Land; Tektra Land; Đức Lương Land; Thành Công Land; Rich Land; Tiên Phong Land; AMS Group; Maicom; Công ty cổ phần địa ốc LTP Việt Nam.

Được biết Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lam Linh (Lam Linh Land) sẽ giữ nguyên 100 lô đất nền trong giai đoạn 1.

Các sản phẩm đất nền tại Khu dân cư Triệu Sơn New Central có giá bán trên thị trường từ 14 triệu đồng/m2.