Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt Bamboo Airways (mã cổ phiếu: BAV) vừa có thông báo về việc tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường năm 2023 diễn ra vào ngày 10/4. Nội dung cần cổ đông thông qua là phương án phát hành cổ phần phổ thông nhằm tái cơ cấu nợ và tăng vốn điều lệ bổ sung cho nhu cầu hoạt động và phát triển của hãng.

Cụ thể, Bamboo Airways muốn chào bán cổ phần riêng lẻ với quy mô phát hành dự kiến tối đa 35% vốn cổ phần sau phát hành.

Hiện vốn điều lệ của Bamboo Airways ở mức 18.500 tỷ đồng. Ước tính, hãng sẽ phát hành tối đa thêm 996,2 triệu cổ phần, tức huy động gần 10.000 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 28.462 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023. Số cổ phần sau phát hành sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Nếu thành công, vốn điều lệ của Bamboo Airways sẽ vượt qua Vietnam Airlines (22.144 tỷ đồng) trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Bamboo Airways dự kiến tăng vốn thêm gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh VGP.
Bamboo Airways dự kiến tăng vốn thêm gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh VGP.

Bamboo Airways được thành lập năm 2017 và chính thức cất cánh ngày 16/01/2019. Từ vị thế 'tân binh', Bamboo Airways chỉ mất ít năm để trở thành một trong 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam bên cạnh Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Với vốn điều lệ ban đầu ở mức 700 tỉ đồng, tính đến hiện nay, Bamboo Airways đã trải qua 8 lần tăng vốn để nâng vốn điều lệ lên 18.500 tỷ đồng, chỉ kém Vietnam Airlines khoảng 3.644 tỷ đồng và cao gấp 3,4 lần Vietjet.

Các cuộc tăng vốn diễn ra dồn dập vào năm 2021 với 4 đợt, tăng thêm tổng cộng 11.500 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê của Cục hàng không Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2022, Bamboo Airways đã khai thác 47.436 chuyến bay, chiếm 16,6% tổng số chuyến bay. Cùng với đó, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) của Bamboo Airways lên tới 95,2% cao nhất toàn ngành.

Sau khi sự việc của ông Trịnh Văn Quyết xảy ra, đội ngũ nhân sự cao cấp của Bamboo Airways đã có nhiều biến động. Đáng chú ý trong đó là sự xuất hiện của ông Dương Công Minh - nhà sáng lập Him Lam Group và Chủ tịch HĐQT Sacombank trong vai trò Cố vấn cao cấp HĐQT Bamboo Airways. Gần đây, Tổng giám đốc Bamboo Airways - ông Nguyễn Mạnh Quân cho biết, trong thời điểm khó khăn, Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng.

Ông Quân cũng tiết lộ Bamboo Airways đã tìm được nhà đầu tư mới đểthay thế cho các cổ đông cũ (là cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan). Với vai trò là Tổ chức phát hành, Bamboo Airways đã tích cực hỗ trợ thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông cũ cho nhà đầu tư mới.

Tại phiên họp Đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 2 của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Chủ tịch tập đoàn cũng cho biết FLC đang có kế hoạch xem xét chuyển nhượng cổ phần tại Bamboo Airways (BAV).

Trong năm 2021, hãng bay này hoạt động kinh doanh không có lãi, nên FLC phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư trên 373 tỷ đồng. Số trích lập này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 lên 3.642 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những khoản đầu tư khiến FLC phải trích lập dự phòng nhiều nhất tính đến cuối năm 2022.