Cúc Phương resort spa của công ty Thăng Long được Agribank rao bán .
Cúc Phương Resort & Spa của công ty Thăng Long được Agribank rao bán .

Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) đã thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thăng Long, với giá khởi điểm là 172 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng dư nợ đến hết ngày 9/9 của CTCP Đầu tư xây dựng Thăng Long là hơn 156,2 tỷ đồng và 664.500 USD (quy đổi thành 172 tỷ đồng). Trong đó dư nợ gốc gần 78,5 tỷ đồng và 400.000 USD, còn lại là nợ lãi và lãi phạt.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là tài sản hình thành trong tương lai đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Cúc Phương thuộc xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Tài sản gắn liền với thửa đất rộng gần 100 ha. Lô đất có thời hạn sử dụng 49 năm từ ngày 20/12/2004 đến 20/12/2053, là đất cơ sở kinh doanh, do Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.

Agribank AMC cho biết các tài sản đã hình thành tại dự án là nhà tròn trung tâm, nhà hàng, phòng hội thảo, khu chăm sóc sức khỏe; bể bơi trong nhà và ngoài trời, nhà đón tiếp tại bãi để xe, khu trại hè, sân tập golf, sân tennis. Ngoài ra tài sản tại dự án còn có các khu Bungalow, khu Biệt thự số 10, 11, 12 với các biệt thự song lập và tứ lập, khu nhà ở cán bộ nhân viên và các hệ thống đường giao thông, đường dây điện và trạm biến áp, hệ thống hạ tầng, cây xanh cảnh quan... và các phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng tại dự án.

Được biết, giá khởi điểm của khoản nợ là: 172.018.301.698 đồng (Đã bao gồm thuế VAT).

Giá khởi điểm chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác phải nộp theo quy định liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng, sở hữu khoản nợ.

Các chi phí này do Người mua được khoản nợ chịu trách nhiệm thanh toán (nếu có). Bước giá: 50.000.000 đồng(Bằng chữ:Năm mươi triệu đồng). Tiền đặt trước tham gia đấu giá: 17.200.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười bảy tỷ, hai trăm triệu đồng).

Người đăng ký tham gia đấu giá không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật đấu giá tài sản năm 2016 tiến hành mua hồ sơ, nộp hồ sơ, nộp tiền đặt trước, nộp phiếu trả giá theo quy định.

Agribank AMC cũng lưu ý toàn bộ khoản nợ được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức có sao bán vậy.

Tiền lãi vẫn tiếp tục pháp sinh từ ngày 09/09/2022 cho đến khi Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thăng Long thanh toán nợ gốc tiền vay tại Agribank Chi nhánh Đông Hà Nội.

Đến thời điểm bán đấu giá khoản nợ, Tòa án nhân dân quận Ba Đình đã ra Quyết định số 77/2020/QĐST-KDTM ngày 02/10/2020 công nhận sự thỏa thuận của các đương sự liên quan đến khoản nợ nói trên.

Người tham gia đấu giá khoản nợ có nghĩa vụ xem xét, tìm hiểu các hồ sơ khoản nợ, tài sản bảo đảm và tự xác định tình trạng của khoản nợ theo hiện trạng thực tế, các hồ sơ pháp lý của khoản nợ, đồng thời tự xem xét, tìm hiểu tình trạng thực tế của các tài sản bảo đảm cho khoản nợ.

Người mua được khoản nợ được sở hữu toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền, nghĩa vụ khác liên quan đến khoản nợ phát sinh theo các Hợp đồng tín dụng số Hợp đồng tín dụng số 1420-LAV-200900346/HĐTD ngày 24/06/2009; Hợp đồng tín dụng số 201000255/HĐTD ngày 06/12/2010; Hợp đồng tín dụng số: 1420-LAV-201300066/HĐTD ký ngày 20/03/2013 giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thăng Long và Agribank Chi nhánh Đông Hà Nội.

Các đơn vị có liên quan đến khoản nợ đấu giá nêu trên có ý kiến, vướng mắc thì gửi văn bản đến Công ty Sao Việt (đơn vị tổ chức đấu giá tài sản) trước ngày tổ chức đấu giá 01 ngày làm việc (nếu có).

Ngày đấu giá khoản nợ: 14h00 ngày 03/10/2022.

Địa điểm đấu giá: Trụ sở Công ty đấu giá hợp danh Sao Việt – Địa chỉ: Số 1 Lô B11c Khu đô thị Đầm Trấu, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thăng Long thành lập từ năm 1993, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, tư vấn hợp đồng xây lắp và tư vấn quản lý dự án. Doanh nghiệp có trụ sở tại số 66 đường Cốm Vòng, phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Thương, giữ chức vụ Tổng giám đốc.

Theo thông tin tìm hiểu, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Cúc Phương do CTCP Đầu tư Xây dựng Thăng Long, nằm cách Vườn Quốc gia Cúc Phương hơn 2 km.

Dự án được khởi công từ ngày 22/3/2009 với diện tích hơn 100ha và được đầu tư theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, tiến hành trong thời gian 18 tháng, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2010; bao gồm các hạng mục: hạ tầng kỹ thuật chính của toàn khu, hệ thống suối, hồ. Khu dịch vụ trung tâm như: nhà đón tiếp và bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ cao cấp, khu Spa tắm ngâm nước khoáng Cúc Phương và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ kết hợp y học cổ truyền và các phương pháp vật lý trị liệu hiện đại; khách sạn 5 sao gồm nhiều phòng nghỉ hiện đại, quán Bar, phòng chơi Bi a, đọc sách xem ti vi; khu hội nghị hội thảo, câu lạc bộ Golf, sân chơi tennis, leo núi, bắn nỏ của dân tộc Mường; khu biệt thự cao cấp bao gồm 30 biệt thự được quy hoạch thành từng xóm, với kiểu mẫu thiết kế riêng biệt cho từng khu phù hợp với vườn đá lộ đầu tự nhiên, cây cỏ hoa và bể Spa tắm ngâm nước khoáng nóng trong từng khuôn viên.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ được thực hiện trong thời gian từ 2010-2012 với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Nhưng dự án đã chậm tiến độ nghiêm trọng.

Đến năm 2018, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 476/UBND – VP4 ngày 12/07/2018 về gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Cúc Phương. Theo Quyết định, UBND tỉnh Ninh Bình đồng ý chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thăng Long gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Cúc Phương đến Quý IV năm 2019 như đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thăng Long có trách nhiệm nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trên theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.