Ngày 4/7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực hệ thống logistics và cảng biển TP HCM hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) nhấn mạnh, TP HCM được kỳ vọng là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

"Đối với TP HCM, logistics được xác định có vai trò là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế", ông Tuấn nói.

Theo đề án đã được phê duyệt TP HCM sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha, bao gồm: Xây dựng Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức; lập quy hoạch phân các khu Trung tâm logistics: Cát Lái, Phú Hữu (TP. Thủ Đức với diện tích 292 ha); Long Bình (TP. Thủ Đức, diện tích 54 ha); Linh Trung (TP Thủ Đức, diện tích 74 ha); Củ Chi (huyện Củ Chi, diện tích 15 ha); Tân Kiên (huyện Bình Chánh, diện tích 60 ha); Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, diện tích 100 ha); và xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn, diện tích 150 ha).

Ngoài ra, các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng. Các dự án này cũng yêu cầu cao về kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, vốn, năng lực, kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành của nhà đầu tư...

Ngành logistics được kỳ vọng trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa)
Ngành logistics được kỳ vọng trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP HCM. Ảnh minh họa

Về nhu cầu vốn cho phát triển ngành logistics, TP HCM cũng đề xuất khá cụ thể để phục vụ 3 mục tiêu phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực logistics.

Theo đó, tổng nguồn vốn để phát triển ngành logistics của TP giai đoạn 2020-2030 là 9.072 tỷ đồng, trong đó vốn giai đoạn 2020-2025 là 1.136 tỷ đồng. Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện, ban nghiên cứu đề xuất, nên thực hiện theo mô hình đối tác công - tư PPP với 5 hình thức phổ biến là xây dựng - chuyển giao; xây dựng - cho thuê - chuyển giao; xây dựng - vận hành - chuyển giao; xây dựng - chuyển giao - vận hành và xây dựng - sở hữu - vận hành. Tùy mỗi giai đoạn và quy mô xây dựng, TP có thể lựa chọn mô hình hợp tác phù hợp.

8 trung tâm logistics này cũng sẽ được TP HCM bổ sung vào Đồ án Quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để có cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Để phục vụ hệ thống logistics, TP HCM sẽ tiến hành rà soát, thống kê số liệu kho bãi tập trung trên địa bàn Thành phố để đầu tư nâng cấp và phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng và TP HCM, gồm: Đường bộ, đường thủy, đường hàng không và đường sắt; gắn kết đồng bộ với Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2030.

Cùng với đó, TP HCM sẽ xây dựng kho dữ liệu tập trung nhằm số hóa hoạt động vận tải. Đồng thời xây dựng nền tảng công nghệ thông tin khai thác dữ liệu dùng chung về hoạt động logistics phục vụ cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; lập bản đồ số logistics để có cơ sở dữ liệu chính thức, phục vụ cho công.