Theo đó, Bộ Công Thương cho biết ngày 15/12, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) công bố lô hàng 500 CTN (945 kg) mì ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu Đỏ của Nhà sản xuất/xuất khẩu Aia Foods Corporation do Doanh nghiệp Qian Yu Food Enterprise Co., LTD nhập khẩu, qua kiểm tra tại cửa khẩu phát hiện hàm lượng Etylen oxit (EO) không phù hợp với tiêu chuẩn.

Trong đó, hàm lượng Etylen Oxit được phát hiện lần này không chỉ trên gói gia vị (3,44 mg/kg) mà còn phát hiện cả vắt mì (0,11 mg/kg). Vì vậy, để giữ uy tín của sản phẩm thực phẩm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu khẩn trương báo cáo về các vấn đề liên quan.

Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp này thông tin về các loại sản phẩm thực phẩm bao gồm: tên sản phẩm, số lượng, lô sản xuất, hạn sử dụng, thị trường xuất khẩu, bản sao hồ sơ tự công bố thực phẩm kèm theo kết quả kiểm nghiệm do công ty sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan trong năm 2022, cũng như quy trình công nghệ sản xuất mì ăn liền của công ty.

Doanh nghiệp cũng được yêu cầu đánh giá nguy cơ về khả năng xuất hiện EO trong các sản phẩm mì ăn liền do công ty sản xuất, kinh doanh kèm theo biện pháp kiểm soát tương ứng.

Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn. Việc tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin sẽ giúp giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Trước đó, một số sản phẩm mì của Việt Nam khi xuất khẩu sang một số nước cũng đã bị cảnh báo về hàm lượng Etylen Oxit được phát hiện trong sản phẩm.

Yêu cầu báo cáo về mì ăn liền Gấu Đỏ do phát hiện hàm lượng EO không phù hợp tiêu chuẩn
Bộ Công thương yêu cầu báo cáo về mì ăn liền Gấu Đỏ do phát hiện hàm lượng EO không phù hợp tiêu chuẩn

Theo Bộ Công thương, Etylen Oxit hay còn gọi là oxiran, là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. EO không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế v.v… nhằm diệt khuẩn Salmonella). Theo hướng dẫn của FAO, khí EO có thể dùng để khử trùng các nhóm thực phẩm với liều lượng như sau:

- Hạt (hạt có vỏ): 560 (640) g/m³ trong ít nhất 3h ở 20°C

- Chà là và nho khô: 640 g/m³ trong ít nhất 3h ở 20°C

- Sữa bột: 720 g/m³ trong ít nhất 3h ở 20°C

- Ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi đã xay: 800 g/m³ trong ít nhất 6 giờ ở 25°C.

Ở điều kiện bình thường, EO sẽ chuyển thành dạng khí tác dụng đến côn trùng, vi sinh vật qua cơ chế gây độc hô hấp nên được sử dụng với mục đích khử trùng trong sản xuất thực phẩm.

Hiện nay, nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn như EU, Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand và Hàn Quốc.

Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng, v.v…Vì vậy trong trường hợp này, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu.