Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10 – 15% so với năm 2023, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại.

Trong khi ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu có diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trị giá xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, những căng thẳng trên Biển Đỏ đang gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng thủy sản nói riêng khi cước vận chuyển tăng cao. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.

Xuất khẩu thủy sản thu về 730 triệu USD tháng đầu năm
Xuất khẩu thủy sản thu về 730 triệu USD tháng đầu năm. Ảnh minh họa

Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP) chỉ ra, tình hình khó khăn chung khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 chỉ đạt 9,2 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Dự báo, khó khăn này sẽ tiếp tục trong những tháng đầu năm 2024 vì có thêm những thách thức khác làm chậm khả năng hồi phục xuất khẩu.

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP cho biết, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm. Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề chính trị khác trên thế giới cũng làm xáo trộn thương mại toàn cầu, trong đó có thủy sản. Hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá thành sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024.

Chưa kể, các thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ, châu Âu và khu vực Bắc Mỹ nên phải đi qua kênh đào Suez. Do đó, căng thẳng biển Đỏ đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phân tích, xuất khẩu thủy sản đang khó khăn nhất vẫn là thị trường châu Âu bởi phần lớn hàng hóa xuất sang thị trường này phải đi qua kênh đào Suez, ngoài ra việc giá cước tăng 30%, thời gian vận chuyển kéo dài cũng đang phát sinh tâm lý e ngại.

Song, căng thẳng biển Đỏ làm thiệt hại đến xuất khẩu thủy sản sang châu Âu cũng chỉ ở mức độ, vì tháng 1/2024 chưa phải là tháng cao điểm xuất khẩu. Mặt khác, các nước cũng đã mua hàng xong và đang chờ giải phóng hàng tồn sau mùa lễ hội mới bắt đầu đặt hàng tiếp, nhưng phải đến giữa tháng 6 hoặc tháng 7/2024 mới có thể thấy sự phục hồi ở thị trường châu Âu, còn thời điểm hiện nay vẫn đang ở trạng thái khá khó khăn.

Thị trường Mỹ, chủ yếu ảnh hưởng đối với hàng hóa đến phía bờ Đông, còn bờ Tây thì không đi qua kênh đào Suez nhưng nhìn chung thị trường này cũng bị ảnh hưởng lớn.

“Vấn đề bây giờ của xuất khẩu thủy sản là cân nhắc cái nào có thể giải quyết được thì làm vì tình hình chung của thị trường đang giằng co, có thể từ nay đến hết quý I/2024 vẫn chưa thấy được điểm khởi sắc cho vấn đề tiêu thụ, chúng ta cần chuẩn bị và chờ đợi. Tuy kinh tế nước Mỹ đang tốt lên nhưng tình hình tiêu thụ cũng khó trở lại bình thường giống như trước, vì cần có thời gian để người tiêu dùng cân nhắc quyết định chi tiêu mạnh tay hơn, mua bán nhiều hơn”, ông Hòe chỉ ra.

Liên quan đến vụ việc này, VASEP đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với ngành tôm Việt Nam để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.