Báo VietNamnet đưa tin, ông Nguyễn Lâm Hải - Trưởng phòng Kế hoạch vận tải, Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông cho biết, trong cơ cấu giá thành vận tải thì nhiên liệu chiếm từ 25 – 30%. Do đó, với mức giá nhiên liệu liên tục điều chỉnh tăng thời gian qua đã gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

Nếu tính từ đầu năm 2022 cho tới kỳ điều chỉnh ngày 1/3, giá xăng dầu tăng khoảng 6%. Trong khi đó, do tác động của dịch COVID-19 nên nhu cầu đi lại của người dân chưa thể phục hồi như trước. Lượng khách chỉ còn khoảng 40% – 50% so với cùng kỳ các năm.

Doanh thu từ hoạt động vận tải thấp do khách không có; chi phí nhiên liệu leo thang. Đây là các nguyên nhân khiến đơn vị vận tải phải điều chỉnh tăng giá vé. Động thái trên được đánh giá là "cực chẳng đã" bởi giá vé tăng thì khách hàng sẽ càng cân nhắc việc sử dụng dịch vụ. Khi các tỉnh/thành mở cửa lại sau dịch COVID-19, các DN này vốn không tăng giá để hút khách nhưng giờ do chi phí tăng nên họ phải buộc phải tăng để bù chi.

Hiện, 11 DN đã kê khai, điều chỉnh giá vé ở mức tăng khoảng 20% so với trước.

Xăng lập đỉnh, nhiều doanh nghiệp tại bến xe miền Đông kiến nghị tăng giá vé. Ảnh minh họa

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hành khách liên tỉnh và Du lịch TP.HCM - ông Lê Trung Tính cho rằng, nhiều đơn vị vận tải đã lên phương án tăng giá cước trong thời gian tới. Tuy nhiên, các DN sẽ không tăng giá ngay lập tức mà tăng có lộ trình để “giữ chân” khách hàng và đưa ra mức giá mới có tính cạnh tranh trên thị trường.

Báo Tiền phong đưa tin, đại diện bến xe miền Đông cũng cho hay, theo quy định liên quan đến kê khai giá vé vận tải hành khách, các đơn vị sẽ gửi đề xuất lên cơ quan quản lý là Sở GTVT ở các tỉnh/thành phố. Sở này là đơn vị xem xét mức giá. Ở bến xe miền Đông, sau khi giá kê khai được chấp nhận thì tại bến sẽ chấp nhận việc bán với mức giá đó.

Hiện, có 140/153 đơn vị vận tải đã hoạt động trở lại tại bến. Tuy nhiên, lượng khách bình quân đạt khoảng 7.000 khách/ngày, con số này chỉ đạt 42% so với tháng 2/2021, còn so với thời gian trước dịch chỉ đạt khoảng 32%.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 0,86% so với tháng trước, tăng 1,10% so với tháng 12/2021 và tăng 1,09% so với cùng kỳ. Ghi nhận tăng cao nhất trong tháng 2/2022, nhóm giao thông có chỉ số giá tăng 2,51%, chủ yếu do nhóm nhiên liệu tăng 5,14%, dịch vụ giao thông công cộng tăng 5,17%. Nguyên nhân do giá xăng dầu điều chỉnh tăng từ ngày 11/2 và ngày 21/2.