Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 19/8 đã công bố hướng dẫn đầu tiên về phương pháp điều trị bệnh do virus Ebola, với các khuyến nghị mạnh mẽ mới về việc sử dụng 2 kháng thể đơn dòng.

Trong thông cáo báo chí, tổ chức của Liên Hiệp Quốc này kêu gọi cộng đồng toàn cầu tăng cường khả năng tiếp cận với những loại thuốc cứu người này.

Hiện nay, sau khi xem xét có hệ thống và phân tích tổng hợp các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên về phương pháp điều trị bệnh, WHO đã đưa ra khuyến nghị mạnh mẽ cho hai phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng: mAb114 (Ansuvimab; Ebanga) và REGN-EB3 (Inmazeb).

Các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành trong thời gian bùng phát dịch Ebola, với thử nghiệm lớn nhất được tiến hành tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Hai thuốc điều trị được khuyến nghị có thể được sử dụng cho tất cả các bệnh nhân được xác nhận dương tính với bệnh Ebola, bao gồm người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em và trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ đã xác nhận Ebola trong vòng 7 ngày đầu tiên sau khi sinh.

Nhân viên y tế làm việc trong một đợt bùng phát Ebola ở Congo - Ảnh: WHO
Nhân viên y tế làm việc trong một đợt bùng phát Ebola ở Congo. Ảnh: WHO

Cũng có một khuyến cáo về các phương pháp trị liệu không nên sử dụng để điều trị cho bệnh nhân: đó là ZMapp và remdesivir - cái tên quen thuộc trong đại dịch Covid-19, nhưng các nghiên cứu cho thấy không phù hợp với Ebola.

Hướng dẫn này sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia thành viên, liên quan đến việc chuẩn bị và ứng phó với dịch Ebola.

Theo Giáo sư Robert Fowler tại Đại học Toronto (Canada), đồng Chủ tịch Nhóm phát triển hướng dẫn của WHO, những tiến bộ trong công tác chăm sóc và chữa trị trong thập kỷ qua đã cách mạng hóa việc điều trị Ebola. Chuyên gia này cho biết việc chăm sóc và sử dụng các phương pháp điều trị hiệu quả đã giúp phần lớn bệnh nhận mắc Ebola phục hồi. Tuy nhiên, ông Fowler không tiết lộ con số cụ thể.

Ebola là một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng với tỉ lệ tử vong cực cao, đã 2 lần khiến WHO phải công bố Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC), mức cảnh báo cao nhất mà Covid-19 và đậu mùa khỉ là 2 ví dụ.