Cục Quản lý dược cũng đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, nhà cung ứng thêm nguồn cung ứng thuốc.

Để chủ động hơn với các thuốc chống ngộ độc nói riêng, các thuốc hạn chế về nguồn cung nói chung, Bộ Y tế báo cáo, đề xuất Thủ tướng và Thủ tướng đã đồng ý, chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

Trong các giải pháp thực hiện, một giải pháp quan trọng là thành lập các trung tâm tồn trữ thuốc hiếm nguồn cung tại các vùng kinh tế - xã hội, đặc biệt là cơ chế nhằm thanh toán các thuốc hiếm về nguồn cung tồn trữ nhưng hết hạn do không dùng đến vì không có bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý, không bảo quản và sử dụng thức ăn chế biến từ lâu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ ngộ độc nói chung, ngộ độc độc tố botulinum nói riêng.

Riêng về phần mình, Bệnh viện Chợ Rẫy vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế, khẳng định sự cấp thiết cần có thuốc giải độc tố botulinum. Trong khi đó, một chuyên gia cho rằng các bệnh viện rất bấp bênh vì thuốc hiếm phải 'ăn đong từng bữa'.

Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), thuốc giải BAT sẽ giúp trung hòa độc tố botulinum còn lại trong máu, ngăn không tấn công vào hệ thần kinh và giảm độ nặng triệu chứng.

Đồng thời, văn bản cũng được gửi Bộ Y tế, trình bày về tính cấp thiết phải có thuốc giải BAT cho bệnh nhân hiện tại cũng như dự phòng tình huống phát sinh ca ngộ độc botulinum mới.

“Thuốc giải độc BAT dùng càng sớm sẽ càng hiệu quả. Trong ngành y, việc dự phòng tốt hơn điều trị nên khi phát sinh ca mới chúng ta cần phải có ngay thuốc giải để cứu được mạng người”, bác sĩ Việt nói.

Thuốc giải độc botulinum là loại thuốc hiếm có giá khoảng 8.000 USD/lọ.
Thuốc giải độc botulinum là loại thuốc hiếm có giá khoảng 8.000 USD/lọ. Ảnh: BVCC

Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho rằng thuốc giải độc quý hiếm như BAT cần được dự trữ với tính chất dự phòng quốc gia. Đây là loại thuốc hiếm, đắt tiền, ít khi cần dùng nhưng không thể biết khi nào sẽ có người nhiễm độc.

Do đó, khi nhập một số lượng thuốc hiếm phải chấp nhận các nguy cơ như thuốc hết hạn phải tiêu hủy. Đồng thời, cần có kinh phí nhà nước cho công tác này. Việc dự trù số lượng thuốc giải độc BAT cần nhập tùy thuộc vào Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc nhập thuốc đã từng có tiền lệ, nên thủ tục nhập về có thể chỉ mất vài ngày.

“Tôi cho rằng không nên nói đến chuyện thuốc đắt bao nhiêu tiền vì chỉ cần cứu được một mạng người, chúng ta đã 'lời' rất lớn. Mạng người lớn hơn nhiều. Hiện nay chúng tôi chỉ cầm cự cho bệnh nhân”, ông Việt nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng thuốc giải độc botulinum hay một số huyết thanh kháng độc rắn, vắc xin phòng dại… trong tình trạng “ăn đong từng bữa”.

Khi thuốc nhập về, các bệnh viện vẫn chia sẻ với nhau nhưng hết sức bấp bênh. Việc đề xuất dự trữ kho thuốc hiếm quốc gia đã được nhắc đến rất nhiều lần.

“Vấn đề không ở cái kho mà ở dự trù. Giống như nhà nước dự trù gạo để khi thiên tai thảm họa xảy ra sẽ xuất gạo cứu dân, thuốc cũng cần dự trù để trường hợp bất ngờ xảy ra, có thể huy động ngay”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, không thể trông chờ mua sắm các loại thuốc hiếm như thuốc bình thường. Thực tế, các công ty dược không có lãi khi mua sắm do số lượng sử dụng rất ít, quy trình phức tạp. Thế nhưng nếu không có sẵn thuốc sẽ ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Bà đề xuất để tránh lãng phí, Bộ Y tế cần tính toán mua lượng thuốc hiếm đủ dùng trong một khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Đối với dự trù cho tình huống thiên tai, thảm họa thì tốn tiền cũng phải làm, vì tính mạng người dân là trên hết.

"Ngành y tế phải nhìn thấy nguy cơ đó. Nếu cần thiết, có thể học tập các quốc gia lân cận như Thái Lan, Indonesia trong việc dự trù thuốc hiếm", bà Lan chia sẻ.

Ngộ độc botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum, rất hiếm xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt.

Từ năm 2020 đến nay rải rác có một vài ca bệnh/năm, gần đây có 3 ca tại TP HCM.

Với các trường hợp ngộ độc botulinum đang mắc tại TP HCM, ngay khi nhận được báo cáo của Sở Y tế TP HCM ngày 21/5/2023, Cục Quản lý dược đã khẩn trương liên hệ, trao đổi và làm việc với WHO để hỗ trợ giải quyết.

Năm 2020, nhằm phục vụ các ca nhiễm độc tố botulinum do sử dụng pa-tê chay chứa độc tố, Bộ Y tế đề nghị WHO hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung thuốc BAT và WHO đã hỗ trợ rất kịp thời 10 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (A,B,C,D,E,F,G) – (Equine). Lô thuốc này góp phần kịp thời cứu chữa các bệnh nhân.