Theo WB, sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột tại Ukraine và những rủi ro đang diễn ra đối với lĩnh vực tài chính ở châu Âu và Mỹ, đang dẫn đến sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu. Trước đó, trong dự báo mới nhất, WB nhận định, kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm nay.

Theo báo cáo của WB, tiềm năng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trên diện rộng và việc không thể đảo ngược quá trình này sẽ tác động sâu sắc đến khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm đói nghèo.

Tuy nhiên, WB cũng lưu ý những nỗ lực hợp tác để thúc đẩy đầu tư trong các lĩnh vực bền vững, cắt giảm chi phí thương mại, thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ và mở rộng sự tham gia của lực lượng lao động có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP tiềm năng thêm 0,7 điểm phần trăm, lên mức 2,9%.

Báo cáo của WB đánh giá các cuộc khủng hoảng liên tiếp những năm gần đây, như đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, đã chấm dứt gần ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững, làm gia tăng lo ngại về năng suất chậm lại, yếu tố cần thiết cho tăng trưởng thu nhập và tiền lương.

Do đó, tiềm năng tăng trưởng GDP trung bình của kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ giảm xuống 2,2% trong giai đoạn 2022-2030, từ mức 2,6% trong giai đoạn 2011-2021 và thấp hơn gần 33% so với mức 3,5% trong giai đoạn 2000-2010.

Đầu tư thấp sẽ làm tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế đang phát triển, với mức tăng trưởng GDP trung bình của các nền kinh tế này giảm xuống 4% trong những năm còn lại của thập niên 2020, từ mức 5% trong giai đoạn 2011-2021 và 6% của giai đoạn 2000-2010.

WB cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu giảm tốc
WB cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu giảm tốc. Ảnh minh họa

Ngoài ra, năng suất có khả năng tăng ở mức chậm nhất kể từ năm 2000, tăng trưởng đầu tư trong giai đoạn 2022-2024 cũng sẽ chỉ bằng 50% so với tốc độ đã thấy trong 20 năm qua và thương mại quốc tế đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều.

Ông Axel Van Trotsenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: "Các yếu tố bất ổn đối với kinh tế thế giới có thể liên quan đến cách các quốc gia kiềm chế lạm phát, hay gần đây là những xáo trộn trên thị trường tài chính. Điều này đang ảnh hưởng đến các quốc gia và triển vọng tăng trưởng toàn cầu nói chung. Một khía cạnh khác cũng đáng quan tâm và sẽ là thách thức lớn không chỉ trong năm nay, mà còn trong những năm tới là tác động của biến đổi khí hậu. Đó là những điều chúng ta cần lưu ý khi đánh giá triển vọng kinh tế thế giới".

Theo WB, vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, sẽ là động lực quan trọng giúp giữ cho kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái.

"Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc không chỉ là tin tốt cho Trung Quốc, mà còn là tín hiệu tích cực cho cả thế giới. Chúng tôi ước tính rằng, Trung Quốc sẽ đóng góp 1/3 mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay", ông Axel Van Trotsenburg đánh giá.

Tuy nhiên, năng lực giữ cho kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng sẽ suy yếu đáng kể khi nền kinh tế Trung Quốc có xu hướng chậm lại trong những năm tới.

Ông Indermit Gill, Chuyên gia kinh tế trưởng WB cho biết: "Chúng ta đã quen với việc Trung Quốc là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu và điều đó sẽ thay đổi khi kinh tế Trung Quốc dần giảm tốc theo thời gian. Câu hỏi cần đặt ra là chúng ta sẽ thay thế vai trò đầu tàu tăng trưởng của Trung Quốc đối với kinh tế thế giới bằng động lực nào?".