VN-Index ngày 19/12 lùi về gần 1.250 điểm, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng. Theo các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư chứng khoán không nên hoảng loạn, cần quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới, có thể cân nhắc gia tăng tỉ trọng với các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt để đầu tư dài hạn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/12, VN-Index giảm mạnh về mốc 1.254,67 điểm, giảm hơn 11 điểm so với kết phiên trước. HNX-Index tăng điểm nhẹ còn UPCoM giảm 0,34 điểm. Toàn thị trường ghi nhận đến 441 mã giảm trong khi chỉ có 243 mã tăng giá và 898 mã đứng giá/không giao dịch. Dù vậy thị trường vẫn có 19 mã tăng trần và 12 mã giảm sàn.
Áp lực bán lớn, thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay cũng tăng, đạt hơn 18.200 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 3.200 tỷ đồng và tiếp tục bán ròng 480 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Dẫn đầu chiều bán ròng là SSI với giá trị 120 tỷ đồng, kế đến là VPB 89 tỷ đồng, VCB 72 tỷ đồng, PDR 62 tỷ đồng, VHM 42 tỷ đồng; VJC, HPG trên 30 tỷ đồng; BID, NLG, VCI, HCM, MSN trên 20 tỷ đồng… Ngược lại, FPT được mua ròng mạnh nhất 109 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có KDH 48 tỷ đồng, DGC 26 tỷ đồng; HSG, DGC, DBC, MWG, FRT, CMG… 10-20 tỷ đồng.
VN30 giảm sâu hơn, mất gần 16 điểm và lùi về mốc 1.314,16 điểm. Mã tiêu cực nhất là SSB -4,4%; nhiều mã giảm 1-2% như ACB, BCM, HDB, HPG, MBB, MSN, POW, TCB, VHM… Trong nhóm chỉ còn hai mã giữ được sắc xanh với mức tăng nhẹ là BVH và PLX. SSI, GAS đứng tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh gây áp lực lớn lên thị trường: SSB giảm 4,35%, EIB giảm 2,05%, TCB giảm 1,86%, NAB giảm 1,89%, VPB giảm 1,05%, MSB giảm 1,74%, VIB giảm 1,31%, MBB giảm 1,45%, HDB giảm 1,26%, TPB giảm 1,54%, SHB giảm 1,45%, ACB giảm 1,39%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt quay đầu giảm: ORS giảm 2,67%, VND giảm 1,52%, FTS giảm 1,56%, VIX giảm 1,45%, SHS giảm 1,5%; HCM, VCI, BSI giảm gần 1%.
Nhóm bất động sản cũng chìm trong sắc đỏ: PDR giảm 2,55%, NLG giảm 2,41%, HDC giảm 1,51%, KBC giảm 1,95%, NTL giảm 1,82%, VHM giảm 1,71%, CEO giảm 2,14%, TCH giảm 2,58%, DXG giảm 1,11%, HDG giảm 1,15%...
Không chỉ các nhóm ngành chính, nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu cũng giao dịch tiêu cực: MSN giảm 1,4%, DBC giảm 1,05%, VNM giảm 1,24%, BAF giảm 1,31%, VSF giảm 1,49%...
Riêng nhóm cổ phiếu dầu khí đi ngược thị trường: PVS tăng 1,76%, PVD, PLX tăng gần 1%...
Ngoài ra, một số cổ phiếu riêng lẻ tăng mạnh: YEG, TDH, SAM tăng kịch trần.
Diễn biến tiêu cực xuất hiện trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất thêm 0,25 điểm %, đưa mức lãi suất liên bang xuống còn 4,25-4,5%. Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay Fed nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định việc giảm lãi suất tiếp theo sẽ tùy thuộc vào tiến triển trong kiểm soát lạm phát kéo dài. Phát biểu thận trọng của ông Powell làm Phố Wall chao đảo, kéo cổ phiếu lao dốc và khiến các dự báo thị trường về mức cắt giảm lãi suất trong năm tới được điều chỉnh giảm đáng kể.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 2,58% xuống 42.326 điểm, S&P 500 mất 2,95% còn 5.872 điểm, còn Nasdaq Composite giảm sâu nhất với biên độ 3,56%, lùi về mức 19.392 điểm.
Đây là phiên giảm lớn nhất của cả Dow Jones và S&P 500 kể từ tháng 8, đồng thời đánh dấu chuỗi 10 phiên lao dốc liên tiếp của Dow Jones - dài nhất kể từ năm 1974.
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch chiều 19/12. Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo giảm 1% xuống 38.708,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,1% xuống 19.655,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại sàn giao dịch Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,7% xuống 3.358,86 điểm. Các thị trường
chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Wellington, Manila và Jakarta cũng đều sụt giảm.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) bình luận thanh khoản phiên 19/12 tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung cổ phiếu gia tăng nhưng dòng tiền đã có động thái hấp thu ở vùng giá "mềm".
"Thị trường sẽ kiểm tra lại vùng 1.260 - 1.265 điểm. Diễn biến cung cầu cổ phiếu tại vùng này sẽ có tác động đến bước đi tiếp theo của chỉ số VN- Index" - VDSC dự báo.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho biết thị trường biến động lớn khi tâm lý nhà đầu bị ảnh hưởng từ chứng khoán Mỹ.
Thế nên VCBS khuyến nghị người "chơi" chứng khoán không nên hoảng loạn, cần quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới, có thể cân nhắc gia tăng tỉ trọng với các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt để đầu tư dài hạn.
Còn CTCK AIS nhận định: Trong phiên hôm nay, chịu ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực từ thị trường tài chính quốc tế, chỉ số VN-Index xuất hiện phiên giảm điểm mạnh đi kèm thanh khoản gia tăng.
Tuy nhiên, việc chỉ số đóng nến Spinning Top (nến con xoay) với bóng dưới dài cho thấy xuất hiện sự tham gia chủ động của lực cầu bắt đáy. Do vậy, khả năng VN-Inex sẽ sớm xuất hiện nhịp rebound, hồi phục trong một vài phiên tới.
Bảo toàn được vùng hỗ trợ 1.250-1.255 điểm (quanh vùng giá trị đường MA20 ngày) thì xu thế tăng ngắn hạn của thị trường vẫn được duy trì.
Các nhà đầu tư có thể tận dụng rung lắc để cơ cấu lại tài khoản, loại bỏ những cổ phiếu có tín hiệu suy yếu hoặc gặp áp lực bán lớn trong ngắn hạn. Đồng thời, có thể giải ngân ở những cổ phiếu đang hình thành mô hình tích lũy chặt chẽ và có dòng tiền ổn định đi kèm.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Diễn biến bất lợi của một số yếu tố vĩ mô đã khiến VN-Index phản ứng tiêu cực ngay từ thời điểm mở cửa trước khi tiếp tục cho tín hiệu lao dốc vào đầu phiên chiều.
Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy vẫn được duy trì ở các vùng giá thấp, tập trung tại một số nhóm cổ phiếu dẫn dắt, đã giúp chỉ số tạo mẫu nến rút chân về cuối phiên.
Diễn biến này mặc dù chưa đủ để xác nhận cơ hội đảo chiều cho thị trường, nhưng vẫn tạm thời bảo toàn cho xu hướng tăng trong ngắn hạn, đặc biệt là khi chỉ số đang thử thách vùng hỗ trợ gần.
Nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế bán đuổi giá thấp, có thể gia tăng thêm một phần vị thế trading khi chỉ số hoặc các mã cổ phiếu mục tiêu lùi về hỗ trợ.
URL: https://thitruongbiz.vn/vn-index-giam-manh-nhat-trong-1-thang-ve-sat-moc-1250-diem-d26609.html
© thitruongbiz.vn