Tên công ty con mới được thành lập là Công ty CP Phát triển NYV ("Công ty NVY"), có trụ sở chính tại số 1 đường Hà Nội, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Vốn điều lệ Công ty NVY là 10 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn của Vingroup là 80%, tương đương 8 tỷ đồng.

Tính tới ngày 31/3, Vingroup có tổng cộng 104 công ty con. Các công ty này hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau từ du lịch giải trí với Vinpearl; bất động sản với Vinhomes; y tế với Vinmec; sản xuất ôtô với VinFast...

Ở chiều ngược lại, ngày 28/4, Vingroup cũng công bố việc giải thể một công ty con khác là Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix, doanh nghiệp do Vingroup sở hữu 100% vốn điều lệ.

Grand Prix có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, được thành lập vào tháng 8/2018 để đầu tư xây dựng, tổ chức giải đua xe công thức 1 (F1) tại Việt Nam. Song, do dịch Covid-19, giải đua đã không được diễn ra.

Tháng 2 đầu năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội giao tiếp nhận, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất phục vụ giải đua trên do Grand Prix bàn giao, hoàn trả lại, gồm ba lô đất có tổng diện tích gần 300.000 m2, gồm đất và tài sản trên đất.

Vingroup có thêm công ty bất động sản ở Hải Phòng. Ảnh: Vietnamnet
Vingroup có thêm công ty bất động sản ở Hải Phòng. Ảnh: Vietnamnet

Trước đó, hồi tháng 11/2022, Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chuyển nhượng 243,5 triệu cổ phiếu Vingroup với tổng giá trị khoảng 16.200 tỷ đồng, cho Công ty CP Quản lý và đầu tư bất động sản VMI mới thành lập.

Từ 2017 đến nay, sau khi lấn sân lĩnh vực công nghiệp, công nghệ bằng việc khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất ôtô - xe máy điện VinFast, Vingroup đã quyết định thoái vốn, rút lui khỏi một số lĩnh vực như bán lẻ, nông nghiệp, hàng không...

Riêng với VinFast, đến cuối quý I, Vingroup đã đầu tư hơn 65.729 tỷ đồng để góp vốn vào VinFast, khoản đầu tư đã tăng hơn 12,5 lần so với thời điểm thành lập tháng 6/2017 là 5.250 tỷ đồng.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I của Vingroup, phần lớn đóng góp doanh thu vẫn đến từ hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản với 28.823 tỷ đồng, chiếm 74% doanh thu thuần hợp nhất và tăng gấp 4,3 lần so với quý I/2022.

Bên cạnh mảng chuyển nhượng bất động sản, các mảng kinh doanh cho thuê bất động sản đầu tư và dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí đều ghi nhận mức tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ, mang về lần lượt 2.165 tỷ (chiếm 5,6% doanh thu hợp nhất) và 2019 tỷ đồng (5,2%).

Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh như bệnh viện, giáo dục đều ghi nhận tăng trưởng dương trong quý. Ngược lại với hoạt động sản xuất và doanh thu từ các hoạt động khác ghi nhận đà suy giảm.

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản cân đối với nguồn vốn của Vingroup đạt gần 597.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,3% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn tài sản của tập đoàn này vẫn đang nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn (149.223 tỷ đồng); tài sản cố định (135.367 tỷ); tài sản dở dang dài hạn (100.099 tỷ) và hàng tồn kho (91.911 tỷ đồng)…