Vietnam Airlines tiếp tục lỗ hơn 13.300 tỷ đồng
Vietnam Airlines tiếp tục lỗ hơn 13.300 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV năm 2021.

Theo đó, doanh thu thuần 9,179 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn ngốn tới 10.287 tỷ đồng nên Vietnam Airlines tiếp tục lỗ gộp 1,108 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 2,085 tỷ đồng của quý IV/2020.

Kỳ này mặc dù ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đột biến lên 749 tỷ đồng nhờ bán vốn góp (gấp 4,8 lần cùng kỳ) và lợi nhuận khác tăng 34% lên 460 tỷ đồng cũng như cắt giảm mạnh chi phí bán hàng, song Vietnam Airlines vẫn lỗ ròng 1.139 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 2.810 tỷ đồng của cùng kỳ.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của Vietnam Airlines giảm mạnh 31% còn hơn 27,900 tỷ đồng. Tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ ròng lên tới 12,966 tỷ đồng, cao hơn nhiều so mức 10.886 tỷ đồng của năm 2020.

Kỳ này, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines tiếp tục ghi âm nặng 6.739 tỷ đồng chủ yếu do giảm các khoản phải thu, giảm hàng tồn kho và đặc biệt là tiền lãi vay đã trả.

Mức lỗ nặng trong năm 2020 và 2021 khiến lỗ lũy kế của Vietnam Airlines sát mốc 22.000 tỷ đồng, sắp ngốn hết vốn chủ sở hữu (chỉ còn hơn 500 tỷ đồng).

Trong năm 2021, HVN đã tăng vốn từ 14.182 tỷ đồng lên 22.143 tỷ đồng sau khi chào bán 800 triệu cổ phiếu từ ngày 5-8 đến 14-9-2021 với số tiền thu được là hơn 7.961 tỉ đồng. Trong đó, với cổ đông nhà nước, Chính phủ giao SCIC thực hiện mua số cố phần thuộc quyền của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines (tương đương giá trị cổ phiếu khoảng 6.880 tỷ đồng).

Sau khi tăng vốn, các cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu tương ứng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,20%), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%).

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Vietnam Airlines tăng nhẹ thêm hơn 500 tỷ lên 63.106 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ chiếm gần 4.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu vốn, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lên tới 34.800 tỷ đồng.

Trước đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã xin gia hạn thời gian công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021.

Theo đó, báo cáo tài chính của Tổng công ty được tổng hợp từ báo cáo của công ty mẹ và 15 công ty con. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng cao, nhiều cán bộ, nhân viên của Tổng công ty phải cách ly, điều trị tại nhà.

Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự làm kế toán tại công ty mẹ và các công ty thành viên nên việc cung cấp chứng từ, số liệu để đối chiếu, tổng hợp báo cáo tài chính hợp nhất gặp nhiều khó khăn.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (1/4), cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam được niêm yết ở mức 25.500 đồng/đơn vị. Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên hơn 2,2 triệu đơn vị.