Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã chứng khoán: VJC) vừa công bố tài liệu để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trong thời gian từ 8h sáng 30/9 đến 17h ngày 11/10/2022.

Đại hội cổ đông thường niên ngày 28/5 đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ tối đa 10% tổng số cổ phiếu VJC đang lưu hành và phương án trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20%, tính trên số cổ phiếu trước khi chào bán thêm là 541,6 triệu đơn vị.

Nói cách khác, dự định ban đầu của Vietjet là chào bán tối đa 54,16 triệu cổ phiếu theo phương thức riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, và phát hành 108,32 triệu cổ phiếu VJC để trả cổ tức cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu từ trước đợt chào bán riêng lẻ.

Tuy nhiên, theo tài liệu lấy ý kiến cổ đông được công bố vào ngày 3/10, Vietjet cho biết sẽ hoàn tất đợt chào bán tối đa 54,16 triệu cổ phiếu trước. Tiếp đến, công ty sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức dựa theo tổng số cổ phiếu mới là 595,77 triệu đơn vị.

Như vậy, Vietjet dự kiến sẽ phát hành 119,15 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, thay vì con số 108,32 triệu cổ phiếu ban đầu.

Vietjet: Trước khi chốt quyền cổ tức tỷ lệ 20% sẽ phát hành 54 triệu cổ phiếu VJC
Ảnh minh họa

Vốn điều lệ của Vietjet ước tính tăng từ mức 5.416 tỷ đồng hiện nay lên 7.149 tỷ đồng sau khi chào bán riêng lẻ và trả cổ tức theo phương án mới, cao hơn mức 7.041 tỷ đồng theo phương án mà đại hội cổ đông ngày 28/5 đã thông qua.

Vốn điều lệ của Vietjet dự kiến tăng thêm 541,6 tỷ đồng từ việc chào bán riêng lẻ với tỷ lệ 10% và thêm 1.191,5 tỷ đồng từ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20%.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 đã phê duyệt phương án chào bán riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ, tương đương hơn 81 triệu cổ phiếu VJC không có quyền biểu quyết, với giá không thấp hơn giá trị sổ sách trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. Trong thực tế, Vietjet đã không triển khai đợt chào bán này, vốn điều lệ không thay đổi trong năm 2021.

Hiện nay, vốn điều lệ của Vietjet đang kém xa Vietnam Airlines và Bamboo Airways nhưng cao hơn hai hãng khác là Pacific Airlines và Vietravel Airlines, như biểu đồ bên dưới cho thấy.

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, Vietjet thu về 15.935 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm, gấp đôi cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là 1.312 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 2.882 tỷ đồng.

Cộng thêm khoản thu nhập khác 456 tỷ đồng (cùng kỳ 8,7 tỷ đồng) nên dù doanh thu tài chính sụt giảm chỉ còn 344 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 3.776 tỷ đồng), VJC vẫn báo lãi sau thuế 145 tỷ đồng, tăng 18% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Khoản thu nhập khác theo thuyết minh của Vietjet chủ yếu là hỗ trợ bồi hoàn (448 tỷ đồng), liên quan đến khoản hỗ trợ bồi hoàn mà hãng được hưởng từ một nhà cung cấp tàu bay.

Tính tới cuối quý 2/2022, tổng tài sản của Vietjet là 62.669 tỷ đồng, tăng hơn 11.000 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng đến từ các mục tiền và tương đương tiền, trả trước cho người bán ngắn hạn, chi phí trả trước ngắn hạn, các khoản phải thu dài hạn, chi phí trả trước dài hạn…

Trong khi đó, khoản dự phòng giảm giá chứng khoán âm vào 370 tỷ đồng (hồi đầu năm là 135 tỷ đồng). Danh mục chứng khoán kinh doanh của Vietjet chỉ có một mã duy nhất là OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), với giá trị ban đầu là 990 tỷ đồng. Tuy nhiên tại thời điểm lập báo cáo tài chính quý 2, giá trị hợp lý của cổ phiếu này chỉ còn 620 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Vietjet cũng tăng mạnh từ gần 35.000 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 45.000 tỷ đồng. Các khoản tăng nợ chính là người mua trả tiền trước ngắn hạn, doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn, vay nợ dài hạn, dự phòng phải trả dài hạn.

Trong đó, vay nợ dài hạn tăng hơn 2.900 tỷ đồng lên 10.991 tỷ đồng. Tổng nợ vay của doanh nghiệp đến cuối quý là gần 18.000 tỷ đồng. Với số nợ vay đó, chi phí lãi vay của công ty trong 6 tháng đầu năm là gần 700 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là gần 300 tỷ đồng.