Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ chiều 12.1. Thứ trưởng cho biết, so với những năm gần đây, giá trị gia tăng xuất khẩu vẫn chưa được như mong đợi. Tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm còn chậm như mặt hàng rau quả. Nhiều mặt hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu chất lượng của các thị trường. Một số nông sản quá phụ thuộc vào hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc kéo dài.

thu-truong-do-thang-hai.jpg

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại buổi họp báo - Ảnh: BCT

Hiện nay, theo Thứ trưởng chỉ có 9 loại hoa quả của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt, còn các loại trái cây khác muốn xuất khẩu chính ngạch cũng không được.

Thứ trưởng ví dụ như mặt hàng thịt lợn, hiện vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nguyên nhân của thực tại trên là do sự nhìn nhận, đầu tư của người nông dân, doanh nghiệp chưa theo kịp tiêu chuẩn các nước.

"Tôi cho rằng chỉ khi nào các doanh nghiệp lớn tham gia tạo thành chuỗi, phối hợp với người nông dân từ ban đầu để đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện của nước bạn thì lúc này chúng ta mới tiêu thụ hàng hóa bền vững được. Nếu tiếp tục như thế này sẽ còn những hiện tượng như hàng hóa ùn tắc ở biên giới, không thể xuất khẩu", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, từ đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu chặt chẽ khi thực thi nghiêm khắc chính sách "Zero COVID".

Về phía Việt Nam, tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu còn xuất phát từ những nguyên nhân cố hữu trong cách sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua. Đó là việc sản xuất chưa bám với tình hình thị trường, nhu cầu nhập khẩu cũng như chất lượng, đóng gói... vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu. Truy xuất nguồn gốc còn chậm dẫn đến ít sản phẩm được xuất sang Trung Quốc chính ngạch. Từ những nguyên nhân cố hữu trên đã hình thành nên thói quen trao đổi buôn bán cư dân biên giới giữa hai nước qua đường tiểu ngạch.

Mặc dù Việt Nam đã hội nhập và tham gia các FTA để có mức thuế suất về 0% như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nhưng bà Trang khẳng định do việc quản lý chất lượng sản phẩm còn chậm nên đến nay chỉ có 9 sản phẩm được công nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc đàm phán kiểm dịch cũng chậm khiến gần như 100% nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải kiểm dịch, trong khi các nước như Thái Lan chỉ phải kiểm dịch với tỷ lệ khoảng 30%.

Về vấn đề ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, bà Trang cho biết, Chính phủ và các bộ ngành đã vào cuộc kịp thời để hỗ trợ, khuyến cáo doanh nghiệp trong việc điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu. Vì vậy, đến nay một số cửa khẩu đã được thông quan trở lại, đặc biệt là mặt hàng thanh long của Việt Nam cũng đã được khôi phục thông quan trở lại ở cửa khẩu Kim Thành II, tỉnh Lào Cai từ ngày hôm nay 12.1.

"Có thể thấy, tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu trong những ngày cận tết thường xảy ra trong nhiều năm gần đây, trong đó nguyên nhân có phần xuất phát từ thị trường trong nước. Chúng tôi đề xuất giải pháp căn cơ đầu tiên là cần phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu, nâng tầm thương hiệu sản phẩm nông sản Việt để đa dạng hóa thị trường, ngoài thị trường Trung Quốc thì có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác mà Việt Nam có các FTA", bà Trang nói.

Về phía các địa phương, Bộ Công Thương đề nghị cần phải chủ động kết nối cung cầu với người mua là khách hàng Trung Quốc ngay từ đầu vụ. Một số địa phương ở miền Bắc đã làm rất tốt công tác kết nối giao thương như: Bắc Giang, Hải Dương... Vì vậy, những địa phương này không còn gặp khó trong việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để đàm phán về vấn đề kiểm dịch, giúp Việt Nam có thêm nhiều loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời rút ngắn tỷ lệ trái cây phải kiểm dịch như hiện nay.

Bà Trang cũng thừa nhận: "Trong bối cảnh ùn tắc đường bộ ở biên giới như hiện nay, chúng ta sẽ nhận ra tầm quan trong của Logistics đường biển và đường sắt. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giải pháp tháo gỡ ùn tắc ở biên giới đường bộ, chuyển sang xuất khẩu đường thủy và đường sắt".