Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang “chờ cuộc gọi” từ phía Trung Quốc trước khi mức thuế quan hơn 100% được áp dụng. Đây là một tín hiệu cho thấy Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đàm phán vào phút chót với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ “kiên quyết phản đối” lời đe dọa tăng thuế của Tổng thống Donald Trump.
Sau nhiều ngày thị trường toàn cầu chao đảo vì loạt thuế quan mạnh tay do Tổng thống Trump ban hành, các sàn chứng khoán đã bắt đầu ổn định trở lại. Những mức thuế này không chỉ khiến giới đầu tư lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế mà còn làm lung lay trật tự thương mại toàn cầu vốn đã duy trì trong nhiều thập kỷ.
Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán mở phiên tăng mạnh, phần nào hồi phục sau làn sóng bán tháo dữ dội đã "thổi bay" hàng nghìn tỷ USD vốn hóa chỉ trong chưa đầy một tuần.
Hiện tại, Mỹ đã áp thuế 10% với gần như toàn bộ hàng nhập khẩu vào thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, và từ thứ Tư, mức thuế lên tới 50% sẽ được áp dụng với nhiều đối tác thương mại.
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố không khuất phục trước điều mà họ gọi là “sự cưỡng ép” và cam kết sẽ “chiến đấu đến cùng”, sau khi Mỹ đe dọa nâng mức thuế lên 104% nếu Trung Quốc tiếp tục các biện pháp đáp trả.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng đàm phán khi viết trên mạng xã hội: “Trung Quốc rất muốn đạt được thỏa thuận, nhưng họ không biết bắt đầu thế nào. Chúng tôi đang chờ cuộc gọi từ họ. Nó sẽ xảy ra!”
Hàng chục quốc gia đã đưa ra nhượng bộ để tránh bị đánh thuế. Phía Mỹ cho biết đã bắt đầu đối thoại với nhiều nước, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc chuẩn bị "cầm chừng”, khi các nhà sản xuất cảnh báo lợi nhuận bị ảnh hưởng nặng và đang gấp rút tìm cách chuyển nhà máy ra nước ngoài.
Ngân hàng Citi mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2025 từ 4,7% xuống còn 4,2%, do rủi ro bên ngoài gia tăng.
Nhiều doanh nghiệp cũng cảnh báo sẽ tăng giá sản phẩm. Hãng sản xuất chip Micron thông báo sẽ áp phụ phí liên quan đến thuế từ ngày thứ Tư. Một số nhà bán lẻ thời trang Mỹ cho biết họ đang hoãn đơn hàng và tạm dừng tuyển dụng.
Theo một tổ chức ngành hàng, giá một đôi giày thể thao sản xuất tại Việt Nam hiện là 155 USD có thể tăng lên 220 USD khi mức thuế 46% được áp dụng.
Người tiêu dùng Mỹ bắt đầu tích trữ hàng hóa. “Tôi mua gấp đôi mọi thứ – đậu, đồ hộp, bột mì, bất cứ gì có thể”, anh Thomas Jennings, 53 tuổi, chia sẻ khi đẩy xe hàng trong siêu thị Walmart ở New Jersey.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam đã đề nghị hoãn áp thuế thêm 45 ngày, trong khi Indonesia công bố nhượng bộ đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm việc giảm thuế với các mặt hàng điện tử và thép.
Sau chuỗi ngày u ám, thị trường tài chính toàn cầu dần hồi phục. Chứng khoán châu Âu tăng trở lại sau khi rơi xuống mức thấp nhất 14 tháng. Giá dầu thế giới cũng ổn định sau khi chạm đáy trong vòng 4 năm. Tại Mỹ, nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà hồi phục của các chỉ số lớn trên phố Wall.
Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc biện pháp đáp trả, bao gồm áp thuế 25% với một loạt mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như đậu nành, hạt khô và xúc xích. Tuy nhiên, một số mặt hàng như rượu bourbon chưa được đưa vào danh sách. Quan chức EU cho biết họ vẫn sẵn sàng đàm phán.
Khối 27 nước thành viên EU hiện vẫn đang chật vật đối phó với các mức thuế đã được áp lên ngành ô tô và kim loại, đồng thời đối mặt với mức thuế 20% sắp có hiệu lực vào thứ Tư. Tổng thống Mỹ cũng từng đe dọa áp thuế lên rượu và đồ uống có cồn nhập khẩu từ EU.
Lo ngại về ảnh hưởng từ thuế quan, một số hãng dược lớn của châu Âu trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cảnh báo rằng chính sách thuế của Mỹ có thể thúc đẩy làn sóng dịch chuyển ngành sản xuất dược ra khỏi châu Âu và hướng về thị trường Mỹ – nơi họ đánh giá có môi trường đầu tư thuận lợi hơn.
URL: https://thitruongbiz.vn/trump-cho-phan-hoi-tu-trung-quoc-truoc-khi-ap-thue-104-d28043.html
© thitruongbiz.vn