Theo đó, từ ngày 3 - 7/6, đã có gần 100 tấn vải thiều xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, Australia, Anh, EU. Riêng Nhật Bản, chỉ trong 3 ngày từ 4 - 7/6, đã có gần 40 tấn vải thiều được xuất khẩu thành công.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 15/6 vải thiều Bắc Giang lần đầu tiên sẽ xuất khẩu sang thị trường Australia khoảng 3 tấn.

Rút kinh nghiệm từ những vụ vải trước, năm nay, dưới sự hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của từng thị trường, các địa phương, hộ sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu vải đã chủ động vào cuộc từ rất sớm, chuẩn bị chu đáo các phương án xuất khẩu.

Dự báo lượng vải xuất khẩu đi các thị trường có giá trị cao sẽ tăng cao hơn so với các năm, góp phần vào thắng lợi chung của vụ vải năm nay.

Dù tín hiệu thị trường khá tốt, tuy nhiên, khối lượng trái vải thiều xuất khẩu đến các thị trường khó tính vẫn còn khá khiêm tốn. Để trái vải thiều Việt Nam có thể đi xa thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, trái vải Việt Nam khi xuất khẩu ra thị trường thế giới như Hoa Kỳ, EU… thường bị cạnh tranh mạnh với trái vải của Trung Quốc.

Như tại thị trường Australia, Trung Quốc là nước sản xuất trái vải nhiều nhất thế giới, vụ mùa có từ tháng 2 đến tháng 7. Nông dân Trung Quốc chuyên nghiệp hóa quá trình thu hái, đặc biệt là nhà máy chiếu xạ đặt ngay tại vùng nguyên liệu. Vì vậy, sau khi thu hoạch chỉ trong một, hai ngày trái vải đã có ở siêu thị Australia.

Trong khi đó diện tích trồng vải của Việt Nam bằng 1/10 Trung Quốc, mùa vải chỉ có tháng 6 và tháng 7. Hơn nữa, sau khi thu hoạch, đóng gói tại các tỉnh phía Bắc, vải tiếp tục vận chuyển vào TP HCM chiếu xạ để xuất đi. Từ khi thu hái đến lúc trái vải có mặt ở Australia mất cả một tuần, đã ảnh hưởng đến màu sắc, chất lượng trái vải...

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, để trái vải Việt Nam có thể cạnh tranh khi xuất khẩu sang Australia, Hiệp hội đã đề xuất có thể áp dụng công nghệ Methyl Bromide giống như Nhật Bản đang xử lý đối với trái cây thay vì phải đưa vải vào TP HCM chiếu xạ.

Hoặc Bộ Công Thương đề nghị các hãng hàng không Việt Nam có thể ưu tiên vận chuyển ngay những lô vải đi chiếu xạ tại TP HCM cũng như hỗ trợ giá cước. Song song đó, nông dân cần thay đổi thời gian thu hoạch, làm sao chỉ trong vòng vài ngày vải Việt Nam lên kệ siêu thị ở Australia.

Gần 100 tấn vải thiều xuất ngoại chỉ trong 5 ngày. Ảnh minh họa: VTV
Gần 100 tấn vải thiều xuất ngoại chỉ trong 5 ngày. Ảnh minh họa

Thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương cho thấy, năm nay toàn tỉnh trên 8.800 ha vải, với sản lượng trên 60.000 tấn. Trong đó vải thiều Thanh Hà khoảng 40.000 tấn. Toàn tỉnh có 203 mã số vùng trồng, 13 mã số cơ sở đóng gói phục vụ cho xuất khẩu.

Vải thiều chính vụ Hải Dương đang được thu hoạch tới hết tháng 6. Giá vải sớm 80.000 - 100.000 đồng/kg và vải thiều dao động tầm 20.000 đồng/kg.

Sáng 10/6, tại lễ khai trương điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm vải Thanh Hà - Hải Dương trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn về hàng hoá, đặc biệt đối với mặt hàng trái cây, nông sản.

Sở NN&PTNT Hải Dương đề nghị Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Thanh Hà vào dịp chính vụ. Ông Hiệp cho biết, thời gian tới Sở Công Thương Hà Nội sẽ hỗ trợ trong việc kết nối người trồng vải với hệ thống bán lẻ như siêu thị, các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, các phường, xã sẽ bố trí những khoảng đất trống để doanh nghiệp, thương lái kinh doanh vải thiều của tỉnh Hải Dương đưa sản phẩm về bán trực tiếp.

Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã của Hà Nội cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ trái cây, hàng nông sản của tỉnh Hải Dương.