Ngày 1/6, đại diện Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP HCM) thông tin một bệnh nhi 5 tuổi đã tử vong đêm qua (31/5) nghi ngờ do bệnh tay chân miệng dựa trên chẩn đoán lâm sàng.
Ngày 1/6, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, bệnh nhi 5 tuổi nhập viện và điều trị tay chân miệng. Qua quá trình sàng lọc, chẩn đoán lâm sàng bệnh nhi mắc tay chân miệng độ nặng. Dù đã được các bác sĩ nỗ lực điều trị nhưng đêm 31/5, bệnh nhi không qua khỏi.
"Bệnh viện đang gửi mẫu đi làm xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, dự kiến 1-2 ngày sẽ có kết quả. Tuy mới vào đầu mùa bệnh tay chân miệng, nhưng số trẻ bị mắc bệnh độ nặng chiếm tỷ lệ cao. Dự báo năm nay số ca mắc và ca nặng sẽ tăng nhiều", đại diện bệnh viện cho biết.
Theo ghi nhận, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) có tổng cộng hơn 40 trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị nội trú. Số lượng chưa quá cao nhưng tỷ lệ nặng lại tăng, chiếm khoảng 30%. Thuốc phenobarbital truyền tĩnh mạch cho trẻ mắc tay chân miệng độ 3 và 4 đang thiếu, phải dùng thuốc khác thay thế.
Trước đó, ngày 30/5, tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận một trường hợp trẻ nhỏ tử vong do bệnh tay chân miệng. Bệnh nhi mới một tuổi, khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao 39 độ C, ho khan ít. Sau 3 ngày sốt, tình trạng trẻ ngày một diễn tiến nặng, sốt cao kèm nhiều cơn giật mình. Đến ngày thứ 4, bé tử vong.
Nguyên nhân được chẩn đoán là suy hô hấp độ 4, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, theo dõi bệnh tay chân miệng, viêm não màng não, viêm cơ tim cấp.
Một bệnh nhi được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh minh họa |
Bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, nhận định số ca tay chân miệng năm nay không tăng quá nhiều so với các năm trước nhưng số ca nặng có dấu hiệu tăng.
Chuyên gia cho hay tay chân miệng đang vào mùa cao điểm, từ tháng 4 đến tháng 6, thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ dưới 3 tuổi mắc bệnh càng dễ gặp biến chứng nguy hiểm.
Tay chân miệng thường bị nhầm lẫn với bệnh sốt mọc răng do cùng có triệu chứng chảy nước bọt, kèm sốt. Bệnh cũng thường bị nhầm với sốt phát ban, dị ứng, rôm sảy do trẻ thường nổi vết ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Theo bác sĩ Quy, để phòng tránh tay chân miệng cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, phụ huynh cần lưu ý các thao tác khử khuẩn, đeo khẩu trang cho con. Ngoài ra, trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, có hệ miễn dịch khỏe mạnh, nhờ đó ít mắc các bệnh do virus, vi khuẩn gây ra.
Theo Sở Y tế TP HCM, số mắc tích lũy bệnh chân tay miệng đến nay là 1.670 ca. Từ ngày 22/5 - 28/5, TP ghi nhận 157 ca, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh tăng ở cả trường hợp nhập viện và khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước.
URL: https://thitruongbiz.vn/tp-hcm-tre-5-tuoi-tu-vong-nghi-do-mac-tay-chan-mieng-d11724.html
© thitruongbiz.vn