Theo Cổng thông tin UBND TP HCM, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về bảo vệ sự ổn định của bờ sông, kênh rạch; phòng, chống các trường hợp xây dựng, san lấp chiếm đất ven sông suối, kênh rạch qua đó làm căn cứ kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, san lấp lấn chiếm, hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở bờ sông suối, kênh rạch trên địa bàn thành phố…

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông suối, kênh rạch… bao gồm 59 tuyến và 72 km suốt chiều dài sông Sài Gòn từ khu vực cầu Bình Phước đến ranh giới tỉnh Tây Ninh.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho rằng, không chỉ phòng chống sạt lở, chống lấn chiếm và hạn chế xả nước thải sinh hoạt, công nghiệp ra hệ thống kênh rạch, việc cắm mốc cũng tạo quỹ đất để xây hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh rạch, như: đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, công trình điện, thông tin liên lạc, trồng cây, xây công trình chống sạt lở, công trình thủy lợi, công viên và các công trình khác…

Việc cắm mốc nhằm đảm bảo thuận lợi cho chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất xác định tọa độ, cao độ, lộ giới khi xây dựng và công tác quản lý nhà nước của UBND các cấp; đồng thời công khai quy hoạch đô thị phục vụ công tác quản lý xây dựng và đầu tư phát triển đô thị, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

TPHCM đang chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch làm nhà ở, nhà vườn, quán ăn, quán cà phê… Ảnh minh họa là một góc đô thị TPHCM dọc theo tuyến kênh rạch. Ảnh: TL
TPHCM đang chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch làm nhà ở, nhà vườn, quán ăn, quán cà phê… Ảnh minh họa: TheSaiGontimes

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, cơ quan này đã thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ cho 20/59 tuyến sông suối, kênh rạch, hồ công cộng (tổng chiều dài các tuyến khoảng 553,2 km, tổng chiều dài mép bờ cao khoảng 926,8 km) và sẽ thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ các tuyến còn lại trong 2 năm 2023-2024.

Trên thực tế, việc chưa hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đối với quỹ đất hành lang bảo vệ sông rạch đã hạn chế công tác cắm mốc, chưa tạo cơ sở cho phép khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước, phục vụ lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, du lịch. Hệ thống nước thải đô thị cũng chưa được thu gom để xử lý tập trung, phần lớn đang xả thải trực tiếp vào sông rạch, gây ô nhiễm môi trường và làm tăng độ bồi lắng lòng sông, cản trở hoạt động du lịch đường sông.

Từ đó, tình trạng lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch làm nhà ở, nhà vườn, quán ăn, quán cà phê ở TP HCM vẫn diễn ra, cho thấy đô thị dọc sông, kênh rạch của TP HCM phát triển vẫn manh mún, chưa có thiết kế đô thị một cách khoa học, bài bản.

Trước đây, UBND TP HCM đã ban hành hai quyết định vào năm 2004 và 2017 về quản lý, sử dụng hành lang ven bờ sông, kênh rạch. Trong đó, hành lang bảo vệ các tuyến lớn ở thành phố hiện quy định mỗi bên bề rộng 30-50 m, tuỳ đoạn. Tuy nhiên, nhiều công trình đã xây từ nhiều năm trước khi có quy định, dẫn đến nhiều tuyến hành lang an toàn không đồng đều. Trong khi đó, tình trạng xây dựng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch ở thành phố cũng diễn ra phổ biến suốt nhiều năm qua.