Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các ngân hàng được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 6 năm 2022.

Theo đó, Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2022 bao gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank); Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2022, tháng 6/2022
Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2022, tháng 6/2022. Ảnh: Vietnam Report

Theo đánh giá của Vietnam Report, dù gặp nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đặc biệt làn sóng dịch lần thứ tư, tuy nhiên, bằng sự chủ động, linh hoạt, ngành Ngân hàng đã đi qua năm 2021 với nhiều điểm sáng nổi bật, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch bệnh.

Xác định tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua ngành Ngân hàng đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các tổ chức tín dụng); chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán...

Trên 48% số người khách hàng tham gia khảo sát do Vietnam Report thực hiện tháng 6/2022 cho rằng ngành ngân hàng đã thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Năng lực hoạt động của ngành ngân hàng được nhìn nhận rất tích cực khi 77,7% số khách hàng cho rằng các ngân hàng đã duy trì mức độ dịch vụ khách hàng tốt, và 58,9% cho biết các ngân hàng đã điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thay đổi do đại dịch.

Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2022 phụ thuộc rất lớn vào khả năng khống chế dịch bệnh Covid-19, cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Nếu tốc độ phục hồi của nền kinh tế tốt, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng lên, hoạt động cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng sẽ được tăng cường, chất lượng tài sản cũng như thu nhập của ngân hàng nhờ đó sẽ tốt hơn.

Bước sang năm 2022, những con số tăng trưởng về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ... trong những tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục khởi sắc, GDP quý II ước tính tăng 7,72% so với cùng kì năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021.

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, tháng 6/2022
Khảo sát khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, tháng 6/2022. Ảnh: Vietnam Report

Trong bối cảnh đó, khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, “bóng đen” của đại dịch đã lùi dần, nhường chỗ cho bức tranh tươi sáng của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2022.

Cụ thể, 63,6% số chuyên gia và ngân hàng dự báo tăng trưởng của ngành cao hơn cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ so với mức năm ngoái (58,8%). Khoảng 9,1% số chuyên gia và ngân hàng tỏ ra thận trọng với triển vọng ngành, đáng chú ý, con số này được cho là rất tích cực nếu so sánh với thời điểm đại dịch lan rộng và phủ bóng đen lên hầu khắp các nền kinh tế, khiến cho 76,9% số chuyên gia và ngân hàng lo ngại về suy giảm tăng trưởng (tháng 6/2020).