Đến nay Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành chương trình nâng cấp đô thị theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020. Toàn tỉnh hiện có 13 đô thị: 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 3 đô thị loại IV, 4 đô thị loại V. Tỉ lệ đô thị hóa khoảng 67,5%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, cao hơn so với trung bình các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cao hơn so với trung bình cả nước.

Theo kế hoạch, đến nay năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị.

Đặc biệt, đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố.

Để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu trên, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 đưa ra 5 nhóm giải pháp, gồm: Hợp tác vùng và quốc gia; xây dựng năng lực quản lý nhà nước; quy hoạch; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với các mục tiêu đến năm 2025, 2030 và các lộ trình để nâng cấp đô thị, lộ trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện được đề cập trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030.

Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải làm rõ về các quan điểm chỉ đạo để từ đó định hình được hệ thống giải pháp, phân công trách nhiệm và lộ trình thực hiện. Trong đó, phải nhấn mạnh rõ đến đô thị hóa ở Quảng Ninh gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp dịch vụ hiện đại.

Trong giai đoạn 2021-2030, quá trình đô thị hóa gắn liền với việc quản lý, sử dụng tốt quỹ đất, tài nguyên thiên nhiên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững của hành lang giao thông đã được định hình gắn với hành lang kinh tế.

Phát triển đô thị Quảng Ninh theo hướng đô thị xanh, sinh thái, văn minh và đô thị dạng dải ven biển và giàu bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với sự đồng bộ về hạ tầng, đô thị làm cho người dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn; xây dựng văn minh sinh thái và văn minh đô thị kết hợp hài hòa giữa xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với đô thị hóa. Lấy mục tiêu nâng cao chất lượng nhà ở dân cư, chất lượng hạ tầng xã hội và đô thị, nhất là hạ tầng người dân đô thị còn đang thiếu hụt làm mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: Lao Động
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: Lao Động

Quảng Ninh phát triển kinh tế, xã hội theo hướng “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng phát triển”. Trong đó, tâm là thành phố Hạ Long, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa và lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, mở rộng đô thị về phía Bắc.

Hai tuyến là tuyến hành lang phía Tây từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, phát triển chuỗi đô thị, công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh; trong đó Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây. Tuyến hành lang phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới thị trường Đông Bắc Á, phát triển chuỗi đô thị sinh thái – dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sách – công nghệ cao và kinh tế biển. Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá.

Ba vùng phát triển gồm: phân vùng đại đô thị Hạ Long mở rộng (Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều) có quy mô dân số khoảng 1,9 triệu người, là trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh với ngành kinh tế trọng tâm là du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, cảng biển và ngành năng lượng sạch.

Phân vùng vùng đô thị du lịch biển và rừng (Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Cô Tô) có quy mô dân số khoảng 323 nghìn người, là vùng kinh tế du lịch, công nghiệp sạch và công nghệ cao, logistics, nông lâm ngư nghiệp; trong đó Vân Đồn là trung tâm phát triển và tăng cường kết nối đến các vùng miền núi phía Bắc và vùng biển đảo phía Nam. Là một cửa ngõ mới ra biển của vùng miền núi phía Đông Bắc.

Phân vùng đô thị kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà) có quy mô dân số gần 420 nghìn người, với khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn, khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh và 2 khu kinh tế ven biển Vân Đồn, Quảng Yên. Đây là vùng trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu, cửa ngõ của ASEAN với các nước Đông Bắc Á với hạ tầng đường cao tốc, cảng biển quy mô lớn Hải Hà, Vạn Ninh.