Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 không còn nhà ở đơn sơ

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình vừa phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, trong đó có nhiều định hướng đáng chú ý liên quan đến phát triển nhà ở khu vực đô thị và vùng nông thôn.

Căn cứ số liệu dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), tỉnh Thái Bình phấn đấu mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh có diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 35 mét vuông sàn/người. Trong đó, khu vực đô thị đạt 39 mét vuông sàn/người và khu vực nông thôn đạt 32,3 mét vuông sàn/người.

Trên cơ sở dự báo dân số, diện tích nhà ở bình quân đầu người, thì tổng diện tích nhà ở toàn tỉnh đến năm 2030 sẽ phấn đấu đạt hơn 73 triệu 400 mét vuông sàn. Đáng chú ý, diện tích nhà ở khu vực nông thôn sẽ nhiều hơn khu vực đô thị, với tổng diện tích hơn 40 triệu 600 nghìn mét vuông. Thái Bình cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ cần hơn 38 nghìn căn nhà ở thương mại; hơn 31 nghìn căn nhà ở xã hội; gần 20 nghìn căn nhà ở cho công nhân và hơn 11 nghìn căn nhà ở cho người thu nhập thấp.

Về chất lượng nhà ở, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình quyết tâm đến năm 2025 không còn nhà ở đơn sơ, nhà ở kiên cố đạt 99% và đến năm 2030 nhà ở kiên cố sẽ đạt 99,5%.

Yêu cầu đề ra của tỉnh là nhà ở mới phải bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, gắn với các dự án phát triển đô thị, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng số, thiết kế mở rộng không gian tiện nghi, chức năng của căn nhà theo hướng phát triển không gian xanh, bền vững, phát thải thấp.

Huyện Nam Trực (Nam Định) bất ngờ hoãn đấu giá hàng chục lô đất

Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Nam Định vừa bất ngờ thông báo tạm hoãn thời gian tổ chức đấu giá quyền sử dụng 49 lô đất cho nhân dân làm nhà ở tại Khu dân cư tập trung phía Nam trụ sở UBND xã Nam Dương, huyện Nam Trực (Nam Định).

Theo thông báo, tạm hoãn tất cả các mốc thời gian liên quan đến cuộc đấu giá đất. Cụ thể, tạm hoãn thời gian tổ chức đấu giá vào ngày 6/8.

Thời gian bán hồ sơ đấu giá từ 31/7 đến 3/8; thời gian nộp tiền đặt trước vào ngày 2 và 3/8 hay thời gian tổ chức cho người tham gia đấu giá trực tiếp xem tài sản đều tạm hoãn tất cả.

Lý do tạm hoãn cuộc đấu giá 49 lô đất này không được thông báo.

Đơn vị tổ chức đấu giá sẽ trả lại tiền mua hồ sơ từ ngày thông báo đến ngày 3/8. Đồng thời, trả tiền đặt trước đã nộp cho người đăng ký đấu giá, chậm nhất ngày 7/8.

Cũng theo đơn vị tổ chức đấu giá, khi nào nhận được công văn đề nghị tiếp tục tổ chức đấu giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Trực, đơn vị sẽ thông báo.

Vướng quy định, nhiều nhà công sản giữa thành phố Huế đành bỏ trống

Theo VOV, sau khi di dời hàng loạt cơ quan công sở về làm việc tại Trung tâm hành chính công của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị nằm ở trung tâm thành phố Huế bị bỏ hoang, gây mất mỹ quan đô thị và lãng phí đất đai.

Tin bất động sản ngày 2/8: Chính thức chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội quản lý
Khu đất góc ngã tư Nguyễn Huệ- Nguyễn Trường Tộ bỏ hoang nhiều năm

Khu đất nằm ở ngã tư đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Trường Tộ, thành phố Huế rộng khoảng 5.200 m2. Mấy năm trước, tại đây có trụ sở của các Sở Xây dựng, Du lịch, Ban Quản lý Khu kinh tế Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi các đơn vị này chuyển về làm việc tại Trung tâm Hành chính công, khu đất này được tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch kêu gọi đầu tư Dự án khách sạn cao cấp Nguyễn Trường Tộ nhưng chưa ai vào đầu tư. Nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố Huế nhưng nhiều năm qua, nơi đây bỏ trống. Các khu nhà tại khu đất này bị xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại, rác thải nhếch nhác... Nhiều người dân tự ý làm nơi buôn bán, ở tạm.

Đường Lê Lợi, con đường đẹp nhất ven bờ nam sông Hương, thành phố Huế hiện có nhiều trụ sở của các cơ quan nhà nước cũng bị bỏ hoang. Đầu năm 2022, các đơn vị như Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nhà báo…, có trụ sở trên trục đường Lê Lợi đoạn từ đường Bà Huyện Thanh Quan đến Hoàng Hoa Thám đã dời về làm việc tại Trung tâm Hành chính công. Từ đó đến nay, những trụ sở cũ của các đơn vị này đều cửa đóng, then cài. Nhiều nơi không có người trông coi, ngổn ngang rác thải, bị người dân chiếm dụng buôn bán…

Tình trạng này cũng được ghi nhận ở nhiều trụ sở, cơ quan cũ khác.

Chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP, ngày 1/8/2023, về việc chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội quản lý.

Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện bàn giao và UBND thành phố Hà Nội thực hiện tiếp nhận: Tổ chức và hoạt động, các nhiệm vụ, công việc đã và đang thực hiện, tài chính, tài sản công, dự án đầu tư công từ Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Ban Quản lý) và của các đơn vị trực thuộc (các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền cho Ban Quản lý là cơ quan đại diện chủ sở hữu); quyền đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nêu trên.

Thời điểm bắt đầu bàn giao và tiếp nhận từ ngày 1/8/2023. Thời hạn hoàn thành việc bàn giao và tiếp nhận trong 6 tháng tính từ thời điểm bắt đầu bàn giao.

Nghị quyết cũng quy định về tổ chức và hoạt động của Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Ban Quản lý sau khi nghị quyết này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/8/2023.

Về tổ chức bộ máy, hoạt động và nhân sự, Ban Quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức quy định tại Quyết định số 09/2019/QĐ-TTg, ngày 15-2-2019, của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định số 74/2017/NĐ-CP, ngày 20-6-2017, của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc...

Ban Quản lý tiếp tục sử dụng kinh phí và triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch ngân sách đã được phê duyệt cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về điều chỉnh nguồn kinh phí hoạt động…