Đường Vành đai 3 TP HCM khởi công vào tháng 6, riêng Đồng Nai chậm tiến độ

Thông tin cập nhật từ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban Giao thông) tiến độ thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TP HCM đoạn qua 3 tỉnh, thành là TP HCM, Bình Dương, Long An đảm bảo tiến độ khởi công vào tháng 6. Riêng đoạn qua Đồng Nai đang chậm tiến độ sẽ khởi công vào tháng 7/2023.

Đối với đoạn qua TP HCM, Ban Giao thông đã phát hành hồ sơ mời thầu và tư vấn giám sát. Từ nay đến cuối tháng 6/2023, sẽ lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký kết hợp đồng để khởi công dự án trước ngày 30/6.

Riêng dự án thành phần bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, Ban Giao thông đã chuyển kinh phí bồi thường đợt 1 cho TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh số tiền hơn 5.624 tỷ đồng để chi trả cho người dân thuộc diện phải giải tỏa.

Thông tin cập nhật đến cuối ngày 24/5, các địa phương đã chi trả được 2.594 tỷ đồng cho 612 trường hợp với diện tích khoảng 263 ha, đạt khoảng 63% mặt bằng.

Hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân. Dự kiến, sẽ bàn giao 70% mặt bằng trong vào cuối tháng 6 để đảm bảo khởi công dự án.

Đối với đoạn đi qua Bình Dương, thông tin cập nhật đến ngày 22/5, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng và đang tiến hành chi trả tiền bồi thường và bố trí tái định cư cho người dân. Tỉnh Bình Dương, dự kiến khởi công dự án trước 30/6 tại nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gửi.

Tương tự là tại đoạn đi qua tỉnh Long An, các công việc giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu xây lắp cũng đảm bảo tiến độ và sẽ khởi công trước ngày 30/6.

Sơ đồ toàn cảnh đường Vành đai 3, TP HCM.
Sơ đồ toàn cảnh đường Vành đai 3, TP HCM.

Riêng đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai đang chậm hơn so với kế hoạch. Tiến độ cập nhật từ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho thấy, tiến độ chung của dự án đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Đồng Nai đang bị chậm so với tiến độ chung của toàn dự án khoảng 2 tháng.

Đối với công tác lập hồ sơ dự án đầu tư, phải đến ngày 4/5/2023, Đồng Nai mới trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định. Đó là chưa kể, dự án phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công nên việc đảm bảo mốc khởi công dự án vào ngày 30/6 là không khả thi.

Còn việc giải phóng mặt bằng dù đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt từ tháng 12/2022, nhưng đến nay tiến độ vẫn rất chậm.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án chậm được phê duyệt, khiến cho tiến độ của toàn dự án bị chậm theo.

Do tất cả các khâu đều chậm nên tỉnh Đồng Nai không kịp khởi công vào tháng 6 mà dự kiến khởi công dự án vào tháng 7/2023.

Dự án đường Vành đai 3 vùng TP HCM đi qua 4 địa phương gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án có chiều dài hơn 76 km, kinh phí đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng.

Theo chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm đầu tư bằng cả vốn ngân sách Trung ương và vốn địa phương.

Điều chỉnh tổng mức đầu tư, gia hạn tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có tờ trình 5390/TTr – BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.

Có 2 thay đổi quan trọng vừa được Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh so với Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 5/11/2020 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án.

Theo đó, tổng mức đầu tư mới của Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre được Bộ GTVT đề xuất là 6.810,11 tỷ đồng, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, trong đó vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là 5.591,98 tỷ đồng; vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030: 1.218,13 tỷ đồng.

Nếu được phê duyệt, tổng mức đầu tư của Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre sau điều chỉnh sẽ tăng 1.634,66 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Quyết định số 1741/QĐ-TTg.

Hai là, Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Dự kiến từ năm 2021 đến năm 2026 thay vì năm 2025 như kế hoạch ban đầu.

Các nội dung khác sẽ gữ nguyên theo Quyết định số 1741/QĐ-TTg, riêng tổng chiều dài tuyến cập nhật theo kết quả thiết kế chi tiết khoảng 17,6 km.

Theo Bộ GTVT, thực hiện chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT đã hoàn thành các thủ tục liên quan của dự án như trình phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường làm cơ sở để tổng hợp, phê duyệt dự án đầu tư với tổng mức đầu tư là 5.175,45 tỷ đồng.

Dự án khởi công từ ngày 29/3/2022, khối lượng thực hiện của 6/6 gói thầu xây lắp (299,136/ 3.302,88 tỷ đồng), đạt 9,1% giá trị hợp đồng đã ký.

Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành tiểu dự án riêng và giao cho các địa phương triển khai thực hiện, trong đó tỉnh Tiền Giang đã bàn giao được 3,68/7,95km (khoảng 46,3%); tỉnh Bến Tre đã bàn giao được 7,98/9,65km (đạt 83%).

Công trường thi công gói XL-04 cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: báo Đồng Khởi
Công trường thi công gói XL-04 cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: Báo Đồng Khởi

Thời gian qua, Bộ GTVT đã áp dụng nhiều giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thúc đẩy tiến độ bàn giao mặt bằng nhưng dự án vẫn bị ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai tại hiện trường.

Đến nay, các tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã thực hiện xong công tác kiểm đếm, phê duyệt đơn giá bồi thường và áp giá; kết quả thực hiện cho thấy kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có biến động lớn làm tăng khoảng 1.964,37 tỷ đồng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư được duyệt của dự án.

Việc tăng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nguyên nhân chủ yếu là biến động về đơn giá bồi thường tại thời điểm thu hồi đất so với dự kiến, đây là nguyên nhân khách quan, ngoài dự kiến nên theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng sẽ được phép điều chỉnh dự án đầu tư.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019, Dự án có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nên phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh dự án đầu tư.

Ngoài ra, Dự án chịu tác động lớn từ tiến độ bàn giao mặt bằng phục vụ thi công, dự kiến đến quý IV/2023 mới có thể thi công trên toàn tuyến phía Tiền Giang, đây cũng là đoạn tuyến có yêu cầu xử lý đất yếu với thời gian gia tải lên đến 15 tháng.

Đồng thời, gói thầu XL-02 thi công xây dựng cầu dây văng có thời gian thực hiện hợp đồng 34 tháng, dự kiến hoàn thành trong quý I/2026.

“Do vậy, cần thiết xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để đảm bảo phù hợp thực tế triển khai thi công nhằm bảo đảm thời gian thực hiện của các hạng mục chính của Dự án và chất lượng công trình”, Tờ trình của Bộ GTVT nêu rõ.

Nam Định: Ra 'tối hậu thư', yêu cầu loạt DN tự tháo dỡ công trình vi phạm đê điều

Ngày 26/5, thông tin từ Văn phòng Huyện ủy huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) cho biết, Huyện ủy huyện này vừa ra văn bản chỉ đạo UBND huyện, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn trong huyện thực hiện các biện pháp “rắn” để xử lý tình trạng vi phạm hành lang đê điều, hành lang thoát lũ trên địa bàn huyện.

Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu UBND huyện phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định; của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy về quản lý đất đai; ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn huyện; chỉ đạo quyết liệt, xử lý dứt điểm các vi phạm.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hưng yêu cầu UBND huyện này phải “kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp Đức Chiến, Thủy Nguyên, Hà Thành và Hải Thắng (nằm trên địa bàn các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong và Phúc Thắng-PV) tự tháo dỡ các công trình (trạm trộn bê tông, nhà điều hành,…) vi phạm hành lang đê điều, thoát lũ”.

Thêm rằng: “Nếu các doanh nghiệp không tự tháo dỡ thì yêu cầu UBND các xã có liên quan tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thành và báo cáo về Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 25/6/2023”.

Chỉ đạo của Huyện ủy Nghĩa Hưng đưa ra trong bối cảnh thời gian qua báo chí liên tục phản ánh tình trạng vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ trên địa bàn tỉnh Nam Định nói chung, huyện Nghĩa Hưng nói riêng, trong đó có các hành vi phá barie bảo vệ đê, xây nhà, dựng trạm trộn bê tông trái phép. Có những doanh nghiệp vi phạm, bị lập biên bản xử lý vi phạm từ nhiều năm trước nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp pháp luật.

Đồng thời đưa ra trong bối cảnh thời gian qua UBND Nam Định liên tiếp ban hành các văn bản hối thúc các sở ngành liên quan, chính quyền các huyện, thành phố trong tỉnh thực thi trách nhiệm bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ đê điều.

Trạm trộn bê tông của Công ty Đức Chiến, một trong các doanh nghiệp được điểm danh vi phạm, buộc phải tháo dỡ.
Trạm trộn bê tông của Công ty Đức Chiến, một trong các doanh nghiệp được điểm danh vi phạm, buộc phải tháo dỡ. Ảnh: Đại Đoàn Kết

“Gắn trách nhiệm người đứng đầu, nhất là đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra trên địa bàn mà không kịp thời phát hiện, xử lý hoặc xử lý không kiên quyết, để tồn đọng, kéo dài”, văn bản UBND tỉnh Nam Định ban hành ngày 16/5 mới đây nhấn mạnh.

Liên quan tình trạng vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ ở Nam Định, trong báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ngày 11/5, Công an tỉnh Nam Định cho biết, trên các tuyến đê sông thuộc địa bàn tỉnh hiện có 305 bến bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng chỉ có 64/305 bãi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn đê điều.

Không chỉ doanh nghiệp, người dân có ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ đê điều kém, tình trạng vi phạm còn xảy ra ngay chính trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, cụ thể là tình trạng: cho thuê đất trong hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào hành lang bảo vệ đê điều, mái đê, hành lang thoát lũ, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc người dân tự ý chuyển đổi sử dụng đất sai mục đích.

“Nếu các doanh nghiệp không tự tháo dỡ thì yêu cầu UBND các xã có liên quan tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thành và báo cáo về Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND tịnh chậm nhất vào ngày 25/6/2023”, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hưng (Nam Định).

Việc cấp phép của một số ngành, địa phương không đúng quy định, thẩm quyền. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành ở địa phương trong quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chặt chẽ, kịp thời; một số địa phương né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; không kiên quyết xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng xây dựng công trình, tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê, thoát lũ, chất thải vật liệu xây dựng cao quá mức cho phép.

Được biết, ngoài hơn 70 km đê biển, địa bàn tỉnh Nam Định còn có hệ thống đê điều của sông Hồng, sông Đáy, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Châu Thành, sông Sò…

Đồng Nai thu hồi đất dự án không triển khai xây dựng

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có Quyết định số về việc thu hồi đất của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai do không triển khai xây dựng công trình dự án và chưa đưa đất vào sử dụng.

Theo đó, khu đất có diện tích gần 13.000 m2 nằm tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu. Khu đất này được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai để thực hiện dự án Nhà máy gạch Tân An.

Lý do thu hồi đất là trước đó Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai đã được gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng, sau thời gian gia hạn vẫn chưa triển khai xây dựng công trình của dự án, chưa đưa đất vào sử dụng, vi phạm Luật Đất đai năm 2013.

UBND tỉnh Đồng Nai giao Chủ tịch UBND xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) có trách nhiệm giao quyết định thu hồi cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai.

Trường hợp, Công ty không nhận quyết định này hoặc vắng mặt thì phải lập biên bản; niêm yết quyết định này tại trụ sở UBND xã Tân An, tại nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư xã Tân An.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm công bố quyết định thu hồi đất đến Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai và các tổ chức, cá nhân có liên quan biết chấp hành.

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai cập nhật, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính; thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho đơn vị này, cắm mốc ranh giới khu đất để quản lý...