TP HCM: Hàng chục ngàn căn hộ chung cư ở quận 7 chưa được cấp giấy chứng nhận

Ngày 23/3, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đã chủ trì buổi giám sát tại UBND quận 7, UBND huyện Nhà Bè và các đơn vị liên quan về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) cho tổ chức, cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND quận 7, từ ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, trên địa bàn có 20 chung cư với 9.692 căn hộ được cấp GCN.

Quận 7 có 7 chung cư đã được cấp GCN một phần, với 1.786 căn hộ, còn lại 2.586 căn hộ chưa được cấp GCN. Ngoài ra, quận còn 29 chung cư, với 16.930 căn hộ chưa được cấp GCN.

Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại trước ngày 1/7/2014 (thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực), 3 chung cư chưa được cấp GCN, với 227 căn hộ.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành kiến nghị UBND TP HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt phương án giá đất của các dự án để làm cơ sở xác định nghĩa vụ tiền sử dụng đất của chủ đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 cũng kiến nghị Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý, tháo gỡ đối với các công trình xây dựng sai thiết kế.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, chế tài đối với các chủ đầu tư dự án chậm nộp tiền sử dụng đất, xây dựng chưa đúng với thiết kế được duyệt, chậm thực hiện các thủ tục cấp GCN cho người dân mua nhà trong dự án.

TP HCM còn nhiều chung cư chưa cấp giấy chứng nhận. Trong ảnh: chung cư 4S Linh Đông, TP Thủ Đức.
TP HCM còn nhiều chung cư chưa cấp giấy chứng nhận. Ảnh minh họa: Người Lao động

Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho hay sau ngày 1/7/2014, có 3.844 căn (căn hộ, nhà ở riêng lẻ) chưa được cấp GCN.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè chỉ ra nguyên nhân chưa cấp GCN là do việc xác định nghĩa vụ tài chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ. Chủ đầu tư chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính nên kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ.

Bên cạnh đó, các dự án phát triển nhà ở đang bị điều tra, thanh tra, kiểm tra, đề nghị tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai do rà soát quá trình giao đất, chuyển nhượng, góp vốn thực hiện dự án, chuyển mục đích sử dụng đất nên ảnh hưởng đến tiến độ cấp GCN cho người mua nhà.

Từ đó, UBND huyện Nhà Bè kiến nghị Hội đồng Thẩm định giá TP HCM, Sở Tài nguyên – Môi trường sớm tham mưu và trình UBND TP ban hành quyết định về phê duyệt giá đất để các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng nhiều dự án thương mại chưa được cấp GCN làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân và gây không ít bức xúc.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Sở Tài nguyên – Môi trường cần làm rõ tại sao chậm phê duyệt phương án giá đất để chủ đầu tư có cơ sở để thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đối với các dự án chưa đủ điều kiện cấp GCN do chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính và xây dựng sai thiết kế, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan cần giải quyết dứt điểm.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên – Môi trường có trách nhiệm quan tâm, đeo bám để giải quyết kịp thời đối với các dự án chờ kết luận của cơ quan thẩm quyền về việc giao đất cho chủ đầu tư.

Đà Nẵng thu hồi nhiều khu đất vàng để bán đấu giá

Ngày 23/3, UBND TP Đà Nẵng cho biết, vừa ban hành quyết định thu hồi nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị để giao Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà quản lý, thực hiện tổ chức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá.

Theo đó, UBND TP quyết định thu hồi 44 cơ sở nhà đất với tổng diện tích đất hơn 30.800m2, tổng diện tích nhà hơn 14.600m2. Các cơ sở này hiện đang dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại.

Cụ thể, tại quận Hải Châu sẽ thu hồi nhà, đất tại K408/18 đường Hoàng Diệu diện tích đất rộng hơn 493m2. Tại quận Thanh Khê sẽ thu hồi 2 cơ sở tại số 70 Điện Biên Phủ và số 79 đường Lý Thái Tổ với tổng diện tích đất hơn 187m2. Tại quận Sơn Trà thu hồi 2 cơ sở là trường mầm non Rạng Đông (cơ sở 6) tại 122 Ngô Quyền và Trường mầm non Họa My tại số 7 Nại Nghĩa với tổng diện tích đất hơn 308m2.

Nhà, đất tại 79 Lý Thái Tổ, nằm trong danh sách 44 nhà, đất thu hồi để bán đấu giá. Ảnh: Tài chính Doanh nghiệp
Nhà, đất tại 79 Lý Thái Tổ, nằm trong danh sách 44 nhà, đất thu hồi để bán đấu giá. Ảnh: Tài chính Doanh nghiệp

Còn tại quận Liên Chiểu sẽ thu hồi 2 cơ sở gồm: Trường mầm non 1-6 (khu vực Đà Sơn – Khối Khánh Sơn cũ) và trường mầm non 1/6 (khu vực Đà Sơn – Khối Đà Sơn) với tổng diện tích đất hơn 807m2.

Ngoài ra, UBND TP cũng thu hồi 37 cơ sở nhà, đất trên địa bàn huyện Hòa Vang, với tổng diện tích đất hơn 29.000m2.

UBND TP Đà Nẵng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý 44 cơ sở nhà, đất nêu trên tổ chức bàn giao, tiếp nhận các cơ sở nhà đất. Sau khi tiếp nhận, thực hiện bàn giao lại cho Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà quản lý.

Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà sau khi tiếp nhận, quản lý đối với 44 cơ sở nhà, đất sẽ tiến hành lập thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND TP phê duyệt.

Tập đoàn Tuấn Dung chính thức trúng siêu đô thị 89ha tại Bình Định

UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (Tập đoàn Tuấn Dung), Công ty CP Bất động sản Đông Đô – BQP, Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Hoàng Thành làm chủ đầu tư Khu đô thị và du lịch An Quang.

Trước đó, chỉ có 02 nhà đầu tư đăng ký thực hiện siêu dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, là: Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và phát triển kho bãi Nhơn Tân và Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung, Công ty CP Bất động sản Đông Đô – BQP, Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Hoàng Thành.

Tuy nhiên, tại vòng sơ loại này Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và phát triển kho bãi Nhơn Tân đã bị loại do không đáp ứng được yêu cầu sơ bộ về năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệp thực hiện dự án.

Còn Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung, Công ty CP Bất động sản Đông Đô – BQP, Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Hoàng Thành đã được đánh giá là đạt vì đáp ứng yêu cầu.

Phối cảnh dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, huyện Phù Cát - Ảnh: TT Xúc tiến đầu tư và Hợp tác Bình Định.
Phối cảnh dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, huyện Phù Cát - Ảnh: TT Xúc tiến đầu tư và Hợp tác Bình Định

Dự án Khu đô thị và du lịch An Quang có diện tích khoảng 89,2ha tại thôn An Quang, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, với quy mô đầu tư gồm tiểu khu đô thị và tiểu khu dịch vụ du lịch.

Trong đó, tiểu khu đô thị diện tích 48,5ha gồm: đất xây dựng nhà ở 21,45ha, đất xây dựng công tình hạ tầng xã hội 0,67ha, đất xây dựng cơ sở giáo dục 1,45ha, đất cây xanh 4,1ha, giao thông – hạ tầng kỹ thuật 20,7ha.

Tiểu khu dịch vụ du lịch có diện tích khoảng 40,6ha gồm: đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội 0,21ha, đất xây dựng công trình thương mại dịch vụ 0,91ha, đất xây dựng công trình dịch vụ du lịch có lưu trú 16,3ha, đất cây xanh 8,6ha, đất giao thông – hạ tầng kỹ thuật 11,9ha, bãi cát 2,6ha.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 5.228 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ thực hiện dự án là 4.894 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 334,176 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án này, Nhà đầu tư phải có 1.045 tỷ đồng , trong đó Tập đoàn Tuấn Dung góp 679,743 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Đông Đô – BQP góp 156,863 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại và Phát triển công nghệ Hoàng Thành góp 209,151 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn lại 4.183 tỷ đồng, nhà đầu tư phải tự huy động bằng nguồn hợp pháp.

Dự án này sẽ được thực hiện từ Quý I/2023 đến Quý IV/2028.

Tìm hiểu cho thấy, các thành viên trong Liên danh nhà đầu tư đều đến từ Hà Nội.

Trong đó, Tập đoàn Tuấn Dung được thành lập năm 2004, đặt trụ sở tại Thôn 9, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Đô - BQP thành lập năm 2010, đặt trụ sở tại số 11 đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, và Công ty TNHH Thương mại và Phát triển công nghệ Hoàng Thành thành lập năm 2001, đặt trụ sở chính tại Khu đô thị Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Cưỡng chế thu hồi nhiều căn hộ chung cư cấp không đúng đối tượng, chiếm giữ trái phép

Ngày 23/3, Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng thông tin, đã phối hợp lực lượng chức năng các quận bắt đầu cưỡng chế thu hồi nhiều chung cư thuộc sở hữu nhà nước nhưng bị các cá nhân chiếm giữ trái phép, sử dụng không đúng đối tượng.

Địa bàn đầu tiên thực hiện cưỡng chế thu hồi đối với các trường hợp vi phạm là quận Sơn Trà. Đây là những trường hợp sử dụng không đúng đối tượng, sang nhượng trái phép, không chấp hành quyết định thu hồi nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước sau khi Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà đã thông báo, vận động, thuyết phục.

Đối với các hộ đã nhận được thông báo cưỡng chế thu hồi nhưng không có mặt ở căn hộ trong thời gian dài, lực lượng buộc phải phá khóa để thực hiện nhiệm vụ trước sự chứng kiến của tổ dân phố, ban quản lý chung cư và các hộ dân xung quanh. Đợt này, toàn quận Sơn Trà sẽ cưỡng chế, thu hồi 22 căn hộ chung cư thuộc sở hữu nhà nước đang bị các cá nhân chiếm giữ trái phép.

Theo ông Trần Quang Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng, sau khi cưỡng chế, số căn hộ thu hồi sẽ được bố trí cho các trường hợp khó khăn về nhà ở, hội đủ các điều kiện theo danh sách phê duyệt của UBND TP Đà Nẵng.

Tại quận Sơn Trà, lực lượng chức năng vừa cưỡng chế, thu hồi 22 căn hộ chung cư thuộc sở hữu nhà nước đang bị các cá nhân chiếm giữ trái phép. Ảnh: Công an Nhân dân
Tại quận Sơn Trà, lực lượng chức năng vừa cưỡng chế, thu hồi 22 căn hộ chung cư thuộc sở hữu nhà nước đang bị các cá nhân chiếm giữ trái phép. Ảnh: Công an Nhân dân

Như Báo CAND đã phản ánh, từ cuối năm 2022, UBND TP Đà Nẵng đã ra tối hậu tư, chỉ đạo cưỡng chế, thu hồi 57 căn hộ chung cư thuộc sở hữu Nhà nước còn lại chưa được thu hồi theo quyết định cưỡng chế, thu hồi ban hành từ năm 2020.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã có thông báo (số 178/TB-UBND) về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, bố trí, sử dụng chung cư thuộc sở hữu nhà nước tại Công ty Quản lý nhà chung cư, nay là Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng và các đơn vị liên quan.

Qua thanh tra thành phố cũng đã phát hiện hàng loạt trường hợp người được cấp sử dụng căn hộ chung cư thu nhập thấp, tiêu chuẩn chính sách lại hiện đang sở hữu nhà ở, không ít trường hợp đang có từ hai thửa đất trở lên trên địa bàn TP Đà Nẵng. Các trường hợp này được xác định là không thực sự khó khăn, bức xúc về nhà ở nhưng vẫn hưởng chính sách hỗ trợ nhà chung cư của thành phố.

Từ kết luận trên của Thanh tra thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện nghiêm việc xem xét điều kiện, tiêu chuẩn được bố trí căn hộ chung cư và rà soát chặt chẽ tình trạng nhà ở, đất ở của đối tượng xin thuê căn hộ chung cư trước khi tham mưu cho Hội đồng xét duyệt bố trí chung cư thành phố theo đúng quy định của pháp luật.

Sở Xây dựng rà soát các trường hợp đang được thuê chung cư của thành phố không còn phù hợp về điều kiện, tiêu chuẩn hoặc không còn thuộc đối tượng được thuê nhà chung cư thuộc sở hữu Nhà nước thì tham mưu UBND thành phố quyết định thu hồi căn hộ chung cư theo quy định.

Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương đã thu hồi 12 căn hộ chung cư tại huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ trong năm 2022.

Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành cưỡng chế trên địa bàn Sơn Trà trong tháng 3/2023, hàng chục căn hộ vi phạm tại các quận khác trên địa bàn thành phố như Cẩm Lệ, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu cũng sẽ được tiến hành cưỡng chế thu hồi theo cách tương tự.