Tiến độ cao tốc Bắc - Nam 'tắc' vì thiếu đất

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã nêu quyết tâm hoàn thành 3 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 trước 30/4 tới, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Chỉ còn hơn 1 tháng tới hạn hoàn thành, nhưng chuyện thiếu đất san nền các đoạn cao tốc trên vẫn lặp lại như trong suốt quá trình triển khai thi công, nguy cơ làm chậm tiến độ.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho hay, tới đầu tháng 3, cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 thi công đạt hơn 85% sản lượng; cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thi công đạt gần 74% khối lượng; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thi công đạt hơn 83%. Cả 3 đoạn cao tốc trên, dù sắp tới ngày thông xe, vẫn lặp lại tình trạng thiếu đất đắp nền, các đơn vị thi công phải chờ Chính phủ và địa phương gỡ.

Trên công trường đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, toàn tuyến chính cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, một số cầu vượt cao tốc đoạn qua tỉnh Thanh Hóa đã xong phần cầu, nhưng chưa thể đưa vào khai thác do thiếu đất đắp đường dẫn 2 đầu cầu.

Bộ GTVT cho biết, địa phương đã có phương án gỡ vướng, sẽ đảm bảo mục tiêu xong trước 30/4. Tuy nhiên, những phát sinh thiếu đất làm nhà thầu phải dừng thi công để... chờ, gây lãng phí.

Căng thẳng nhất về thiếu đất thuộc về cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, sắp tới hạn hoàn thành nhưng 3 tháng qua, do mỏ đất hết hạn khai thác, thủ tục gia hạn rườm rà, nhân lực, máy móc của các nhà thầu phải “đắp chiếu” chờ đất. Dự án còn cần khoảng 920.000m3 đất đắp nền.

Để có đất hoàn thiện tuyến chính, thời gian qua, chủ đầu tư, các nhà thầu phải đào đất từ các vị trí đường dân sinh đã san lấp trước đó chuyển sang các vị trí cần thiết hơn.

Tương tự, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn thiếu khoảng 620.000m3 đất đắp nền do các mỏ đất chưa được gia hạn giấy phép khai thác do địa phương phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ. Nhà thầu không có vật liệu thi công, nguy cơ dự án cao tốc này cũng không kịp hoàn thành trước ngày 30/4 tới.

Câu chuyện thiếu đất, cát, giá quá cao vẫn làm đau đầu chủ đầu tư, nhà thầu cao tốc Bắc - Nam. Ảnh cao tốc Mai Sơn - QL45.
Câu chuyện thiếu đất, cát, giá quá cao vẫn làm đau đầu chủ đầu tư, nhà thầu cao tốc Bắc - Nam. Ảnh cao tốc Mai Sơn - QL45. Ảnh: Tiền Phong

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, bộ vừa có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng gỡ vướng về giấy phép khai thác mỏ đất phục vụ dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Phát sinh trên do các mỏ đất được cấp phép khai thác cho các nhà thầu theo tiến độ dự án hoàn thành cuối năm 2022, nhưng thực tế các dự án phải lùi tiến độ thi công tới hết 30/4/2023.

Tiến độ thi công kéo dài thêm 4 tháng, nhưng nhà thầu chưa kịp hoàn thiện thủ tục xin gia hạn khai thác mỏ đất theo quy định (phải xin gia hạn ít nhất 45 ngày trước khi giấy phép cũ hết hạn).

Từ giữa tháng 12/2022 tới nay, nhà thầu phải dừng thi công chờ thủ tục gia hạn. UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đang xem xét thủ tục gia hạn khai thác 6 mỏ đất phục vụ thi công nốt cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Trong khi đó, UBND tỉnh Đồng Nai phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ mới giải quyết được giấy phép khai thác 5 mỏ đất để hoàn thiện cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Với tình trạng thiếu đất như trên, Bộ GTVT chỉ cam kết các tuyến chính cao tốc sẽ hoàn thành và thông xe trước 30/4 tới, riêng đường gom dân sinh, cầu vượt cao tốc vẫn phải chờ.

“Việc gia hạn giấy phép khai thác mỏ đất chỉ mang tính thủ tục hành chính, vì vẫn khai thác mỏ cũ, theo khối lượng dự kiến từ trước. Bộ GTVT cam kết, nhà thầu chỉ lấy đất phục vụ cho dự án, nếu bán ra ngoài sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật để địa phương yên tâm gia hạn khai thác, nhưng vướng mắc cũng không được gỡ”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ GTVT cho rằng, nếu không kịp thời gian hạn khai thác mỏ đất, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây sẽ khó hoàn thành trước ngày 30/4 tới. Về nội dung gia hạn giấy phép khai thác mỏ đất kể trên, Bộ TN&MT cho biết, theo quy định, để gia hạn giấy phép khai thác, hồ sơ đề nghị phải nộp cho cơ quan thẩm quyền khi giấy phép khai thác còn hiệu lực ít nhất 45 ngày.

Dù đồng ý với việc gia hạn khai thác mỏ đất để phục vụ các dự án nhưng đề xuất vừa làm thủ tục gia hạn vừa khai thác của Bộ GTVT và địa phương, Bộ TN&MT trả lời, thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Được biết, Chính phủ đã giao UBND tỉnh Bình Thuận gia hạn cấp phép khai thác mỏ đất theo kiến nghị của Bộ GTVT.

Bà Rịa - Vũng Tàu làm rõ 36 dự án du lịch chậm triển khai

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc họp nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo các dự án du lịch chậm triển khai trên địa bàn tỉnh.

Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tính đến ngày 31/1/2023, trên địa bàn tỉnh có 133 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Trong đó, 36 dự án đang xây dựng (33 dự án đầu tư trong nước và 3 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng diện tích 606,3 ha.

Hiện có 51 dự án đang hoạt động hoặc hoạt động một phần (42 dự án đầu tư trong nước và 9 dự án đầu tư nước ngoài), tổng diện tích đất 789,5 ha và 46 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư.

Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, trong năm 2023 tỉnh tập trung tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.

Trên quan điểm phải quyết liệt gỡ vướng, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án nhanh để có sản phẩm phát triển du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan bổ sung, hoàn thiện Báo cáo các dự án du lịch chậm triển khai trên địa bàn tỉnh để báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh.

Trong đó, phân tích, làm rõ tình trạng khó khăn của 36 dự án đang xây dựng nhằm có giải pháp hỗ trợ chủ đầu tư sớm hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý tách ra nhóm các dự án đang hoạt động và nhóm các dự án đang hoạt động 1 phần; làm rõ nguyên nhân tại sao các dự án đang hoạt động 1 phần.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân khiến một số dự án chậm tiến độ là do một phần diện tích đất thuộc nhà nước quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND tỉnh chủ trương tạm ngưng giải quyết thủ tục đất đai đối với diện tích đất nhà nước nằm xen kẽ trong dự án sản xuất kinh doanh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thêm vào đó, một số dự án thực hiện trước Luật Đầu tư 2005, 2014 nhưng chưa hoàn thành dự án. Vì vậy, đến nay các dự án này không thuộc trường hợp quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư... Việc xác định các văn bản này có giá trị pháp lý tương đương theo quy định vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong thực hiện các quy định về chuyển tiếp đầu tư.

Bà Rịa - Vũng Tàu làm rõ 36 dự án du lịch chậm triển khai
Bà Rịa - Vũng Tàu làm rõ 36 dự án du lịch chậm triển khai. Ảnh minh họa: Giáo dục Thời đại

Cũng ở thời điểm năm 2014 đến nay, tỉnh đã tiến hành giãn tiến độ cho 37 dự án (khi thực hiện thủ tục giãn tiến độ cho dự án, nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án để chứng minh năng lực, thể hiện cam kết triển khai thực hiện).

Thời gian vừa qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xử lý nhiều dự án chậm triển khai, nhằm góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư, tạo điều kiện để mời gọi được các dự án tốt, nhà đầu tư có năng lực.

Ngày 17/6/2022, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành văn bản về việc xử lý 6 dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Xuyên Mộc theo kiến nghị của Ban Thường vụ Huyện ủy Xuyên Mộc.

Cụ thể, 6 dự án chậm triển khai được đưa vào danh sách xem xét, xử lý bao gồm: Khu du lịch Trung Sơn, Khu du lịch Qudos Hồ Tràm, Khu du lịch Tuấn Anh, Khu du lịch nghỉ dưỡng Phú An, Khu biệt thự Sài Gòn – Hồ Tràm (Savico), Khu biệt thự Bình Minh.

Bên cạnh việc rà soát lại và xử lý các dự án du lịch chậm triển khai, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn siết chặt việc chuyển đổi, điều chỉnh dự án.

Riêng trong năm 2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định về việc cho phép Công ty TNHH thương mại Tân Hòa chuyển mục đích sử dụng 71.100 m2 đất nông nghiệp sang đất thương mại, dịch vụ để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tóc Tiên (tại xã Tóc Tiên và Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ).

Nguyên nhân là vì Công ty TNHH thương mại Tân Hòa xin chấm dứt hoạt động dự án và đề nghị hủy bỏ quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất do không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính Nhà nước.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiên quyết thu hồi Dự án khu du lịch Vũng Tàu Paradise. Dự án được cấp phép vào ngày 23/4/1991 do Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise (trước đây là Công ty liên doanh Vũng Tàu Fairyland) làm chủ đầu tư.

Lý giải việc không gia hạn dự án, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, dự án Vũng Tàu Paradise có tổng diện tích đất được giao 220 ha, song nhà đầu tư chỉ đưa vào sử dụng khoảng 140 ha (phần diện tích đã đầu tư hạng mục sân golf và khu nhà rông).

Trong khi đó, 80 ha còn lại (quy hoạch xây dựng khu khách sạn và khu văn hóa dân tộc) sử dụng không hiệu quả và không sử dụng trong thời gian dài, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.

Loạt khu đô thị tái định cư tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa tìm được chủ đầu tư

BQL dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN Thanh Hóa đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu WB-XL-03A Xây dựng 5 khu tái định cư thuộc dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia.

Theo đó BQL dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN Thanh Hóa đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu WB-XL-03A Xây dựng 5 khu tái định cư thuộc dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa.

Giá trị của gói thầu 103,269 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư của Tiểu dự án là 1.776,511 tỷ đồng, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của tỉnh Thanh Hóa. Gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng. Nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là Liên danh Công ty CP Phát triển Việt Hùng - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàn Giang - Công ty CP Sun Việt, với giá trúng thầu 96,294 tỷ đồng.

5 khu đô thị tái định cư tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã tìm được chủ đầu tư - Ảnh minh họa
5 khu đô thị tái định cư tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã tìm được chủ đầu tư. Ảnh minh họa

Đại diện Liên danh cho biết, nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành công trình trong 18 tháng theo cam kết, Liên danh đề xuất sử dụng 1 nhà thầu phụ là Công ty TNHH Việt Nam - ASEAN, đảm nhận thi công hạng mục điện của các khu tái định cư Xuân Lâm, Nguyên Bình, Ninh Hải, Hải Hòa, tương ứng với khoảng 15% giá trị hợp đồng. Theo tìm hiểu, 3 thành viên trong Liên danh trúng thầu đều có trụ sở tại Thanh Hóa, từng thi công các gói thầu quy mô lớn trên địa bàn Tỉnh. Đơn cử, Công ty CP Phát triển Việt Hùng trúng Gói thầu số 5 thuộc Dự án Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa (293 tỷ đồng).

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàn Giang thi công Gói thầu WB-XL-03 Xây dựng 5 khu tái định cư dọc các tuyến đường cùng thuộc Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia (33 tỷ đồng)... Về tình hình kinh doanh, doanh thu từ hoạt động xây dựng bình quân giai đoạn 2019 - 2021 của Công ty CP Phát triển Việt Hùng đạt 59,064 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàn Giang đạt 69,78 tỷ đồng; Công ty CP Sun Việt đạt 64,85 tỷ đồng.

Sadeco Phước Kiển: Dự án khu dân cư tại Nhà Bè

Sadeco Phước Kiển có vị trí tọa lạc tại vị trí đường Lê Văn Lương, ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh. Dự án nằm tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, nối liền đến tuyến đường Nguyễn Văn Linh, kết nối thuận tiện đến các quận huyện của thành phố như Bình Chánh và quận 7.

Sadeco Phước Kiển có quy mô 22,26 ha, được thiết kế xây dựng với mô hình đất nền nhà liền kề và biệt thự. Cung cấp ra thị trường 655 lô đất nhà phố liền kề diện tích 5x18 – 5x20 m và 169 lô đất biệt thự 10x19 – 10x20 m.

Dự án sở hữu hệ thống tiện ích nội khu đầy đủ, bao gồm: Trường TH Bùi Văn Ba, trường mầm non Hoàng Anh, công viên cây xanh, khu thể dục thể thao, hệ thống đường nội khu thông thoáng...

Mặt bằng phân lô tại dự án Sadeco Phước Kiển Nhà Bè
Mặt bằng phân lô tại dự án Sadeco Phước Kiển Nhà Bè.

Từ dự án cư dân có thể dễ dàng di chuyển, tiếp cận những tiện ích ngoại khu lân cận như: Cách Khu đô thị Phú Mỹ Hưng 1 km, liền kề hệ thống trung tâm thương mại như Go, Lotte Mart, The Cresent Mall; hệ thống giáo dục trong bán kính 5 km với ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Rmit, ĐH Tài chính – Marketing...

Chủ đầu tư dự án Sadeco Phước Kiển Nhà Bè là Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), được thành lập ngày 27/06/1994, đặt trụ sở tại số 1, đường số 5, Khu nhà ở Sông Ông Lớn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

Được biết, dự án Sadeco Phước Kiển là dự án Khu định cư Phước Kiển (giai đoạn 1). Chủ đầu tư được giao 22,26 ha đất để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vào tháng 02/2021.

Dự án được các chủ sở hữu bán lại trên thị trường với mức giá từ 19 triệu đồng/m2.