Hà Nội sắp trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đoạn tuyến metro số 2

Thông tin về công tác triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tại công văn gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, UBND TP Hà Nội cho biết, sau khi Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương dự án được HĐND thành phố thông qua (4/7/2023), UBND thành phố đang chỉ đạo các Sở, ngành, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh dự án theo quy trình.

Dự kiến, hồ sơ điều chỉnh chủ trương dự án sẽ được UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 7/2023.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có chiều dài 11,5 km, đi qua địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.

Trong đó, đoạn đi ngầm dài gần 9km, đoạn trên cao dài 2,6km. Công trình gồm 10 ga (3 ga trên cao, 7 ga ngầm).

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại quyết định 2054 ngày 13/11/2008, tổng mức đầu tư dự án là 19.555 tỷ đồng.

Trong đó, vốn vay ODA là gần 16.500 tỷ đồng; vốn đối ứng do ngân sách TP Hà Nội bố trí là hơn 3.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2009 - 2015.

Hà Nội sắp trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đoạn tuyến metro số 2. Ảnh minh họa
Hà Nội sắp trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đoạn tuyến metro số 2. Ảnh minh họa

Theo Nghị quyết được HĐND TP Hà Nội thông qua đầu tháng 7/2023, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên gần 35.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA được điều chỉnh là gần 29.700 tỷ đồng; Vốn đối ứng ngân sách thành phố là hơn 5.900 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xuất phát từ một số nguyên nhân như: thay đổi về quy mô đầu tư, tỷ giá quy đổi, chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến xác định và quản lý chi phí đầu tư; Biến động về giá đối với nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công.

Thời gian thực hiện, đưa dự án vào vận hành toàn tuyến cũng được điều chỉnh đến năm 2029.

Theo báo cáo, phục vụ triển khai dự án, tính đến nay, công tác giải phóng mặt bằng khu vực depot (hơn 17 ha) đã hoàn thành 100% diện tích đất nông nghiệp, đất cơ quan, đất quốc phòng. Phần đất ở đang được thực hiện các thủ tục kiểm đếm.

Đối với mặt bằng phần ga trên cao đã giải phóng được khoảng 92%. Phần ga ngầm đã thực hiện GPMB được 79% diện tích.

Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Ngũ Hành Sơn

Ngày 11/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 822/QĐ –TTg ngày 11/7/2023 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch có diện tích 1.049.701 m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Ranh giới lập quy hoạch gồm Phía Đông giáp đường Trường Sa và các khu nghỉ dưỡng (resort) ven biển; phía Tây giáp sông Cổ Cò; phía Nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía Bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.

Việc quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn nhằm hướng đến 6 mục tiêu: Quản lý và bảo vệ danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch; đây sẽ là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị cảnh quan đặc trưng, hệ sinh thái của khu vực danh lam thắng cảnh.

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố Đà Nẵng; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”.

Đồng thời, việc quy hoạch còn nhằm mục tiêu xác định ranh giới và các khu vực bảo vệ, phát huy giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn; tạo cơ sở để quản lý và cắm mốc giới, phân khu chức năng, xác định chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực bảo vệ của danh thắng, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái và các phân khu chức năng khác.

Ngoài ra, định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp và xây mới) phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị; bảo đảm kết nối hài hòa, đồng bộ với cảnh quan, môi trường xung quanh, với quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng và các quy hoạch khác có liên quan.

Cùng với đó là định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn và khu vực vùng đệm gắn với phát triển du lịch bền vững. Đây còn là căn cứ pháp lý để xây dựng quy định quản lý, bảo vệ, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực danh thắng và các khu vực liền kề; lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh theo quy hoạch được duyệt. Tạo điều kiện, cơ chế, nguồn lực thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững tại khu vực.

Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Phuotvivu
Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Ngũ Hành Sơn.

Nội dung quy hoạch gồm: Quy hoạch phân khu chức năng; Quy hoạch không gian, kiến trúc cảnh quan; Định hướng phát triển du lịch; Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; Nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư; Giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Đà Nẵng công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn theo hồ sơ quy hoạch được duyệt; cập nhật ranh giới, diện tích Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn vào hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và Quy hoạch thành phố Đà Nẵng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố Đà Nẵng phù hợp với từng thời kỳ.

Đồng thời, xây dựng lộ trình thu hồi đất, để bàn giao triển khai kế hoạch bảo vệ và thực hiện các dự án thành phần bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng mới theo kế hoạch, phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của địa phương; phê duyệt các nhóm dự án thành phần, trên cơ sở quy hoạch được duyệt; quản lý hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới theo Điều lệ quản lý quy hoạch được duyệt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị chức năng và chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, khai quật khảo cổ học nhằm bổ sung tài liệu, cứ liệu khoa học về Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, làm căn cứ để thẩm định và quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần, theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư, trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt.

UBND thành phố Đà Nẵng chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng kế hoạch. Sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, UBND thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm rà soát nội dung Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.

Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng TP Quảng Ngãi

Ngày 11/7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh này, ông Đặng Văn Minh vừa ký ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Quảng Ngãi đến năm 2040.

Cụ thể, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với khu đất rộng hơn 8.600m2 ở phường Trương Quang Trọng, từ quy hoạch đất cơ quan sang hơn 8.100m2 đất thương mại dịch vụ và 500m2 đất văn hóa. Trong đó, đất thương mại dịch vụ sau điều chỉnh có mật độ xây dựng tối đa 70%, xây cao không quá 30 tầng và hệ số sử dụng đất không quá 13 lần.

Điều chỉnh cục bộ quy mô Nghĩa trang Tịnh Ấn Đông, từ khoảng 127 ha lên khoảng 149,71ha và bỏ ranh giới khu huyệt mộ chôn cất một lần.

Tại khu vực Công viên Quảng trường biển, kết hợp Khu đô thị - dịch vụ sinh thái TP Quảng Ngãi, tiến hành điều chỉnh cục bộ một phần diện tích khoảng 4ha tại xã Tịnh Khê, từ đất cây xanh chuyên đề thành đất dịch vụ.

Điều chỉnh lộ giới đường giao thông (trục dọc Bắc - Nam) phía Đông sông Kinh Giang, từ 13,5m thành 20,5m (lòng đường rộng l0,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m); điều chỉnh bỏ tuyến đường giao thông phía Nam khu vực (đường nối vào nút giao thông cầu Cổ Lũy).

Một góc TP Quảng Ngãi.
Một góc TP Quảng Ngãi.

Quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền điều chỉnh, UBND TP Quảng Ngãi chịu trách nhiệm cập nhật vào quy hoạch chung xây dựng TP Quảng Ngãi, tổ chức công bố, công khai để các tổ chức, cá nhân biết, giám sát và thực hiện.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động và giải thích rõ cho cộng đồng dân cư hiểu rõ về sự cần thiết và các nội dung điều chỉnh quy hoạch, để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện.

Trong quá trình triển khai lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng các dự án phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các sở ngành liên quan và cộng đồng dân cư tại khu vực triển khai để có giải pháp tổ chức thực hiện hợp lý, đúng quy định.

Riêng Nghĩa trang Tịnh Ấn Đông, UBND TP Quảng Ngãi phải tiến hành kiểm tra, rà soát, chuẩn xác ranh giới và chịu trách nhiệm về việc đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh môi trường, nguồn nước theo đúng quy chuẩn, quy định.

Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng cơ bản, thực hiện quy hoạch và kiến trúc đô thị theo thẩm quyền.

Dự án khu căn hộ Elysian tại Thủ Đức

Elysian có vị trí tọa lạc tại đường Lò Lu, phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Từ dự án, tiếp giáp với các tuyến đường lớn tại đây như Lã Xuân Oai, đường Võ Chí Công, kết nối đến Xa lộ Hà Nội thuận tiện cho việc di chuyển trong thành phố và các vùng lân cận.

Elysian Thủ Đức có tổng diện tích quy hoạch 28.412,3 m2, trong đó: Diện tích xây dựng chung cư cao tầng 11.075 m2 (mật độ 39%); đất cây xanh mặt nước 9.697 m2; đất giao thông, sân bãi 5.872 m2; phần còn lại dành cho đất thể dục thể thao và đất giao thông đối ngoại.

Các hạng mục chính của dự án là 4 khối tháp (A, B, C, D) cao 21 tầng, có chức năng chính là căn hộ. Phần khối đế 1 tầng là không gian thương mại dịch vụ, tổng diện tích sàn là 7.226 m2. Tầng 2 - 21 bố trí các căn hộ chung cư với tổng diện tích sàn 133.507 m2. Tầng 21 là tầng sân thượng bố trí kỹ thuật và cảnh quan trên mái. Tầng hầm để xe phục vụ cho khu căn hộ và khu thương mại dịch vụ có tổng diện tích sàn 17.609 m2.

Dự án cung cấp ra thị trường tổng số 1.398 căn hộ. Các căn hộ tại dự án được thiết kế từ 1 - 3 phòng ngủ, có diện tích thông thuỷ dao động 33 - 99 m2 và diện tích tim tường dao động 37 - 107 m2.

Dự án sở hữu hệ thống tiện ích nội khu với các loại hình như: Cổng an ninh, hồ cảnh quan, lối dạo bộ, sân yoga, khu giải trí ngoài trời, hồ bơi phân làn 50 m, hồ bơi trẻ em, khu vực vui chơi nhà trẻ, sân cho các lớp học ngoài trời, khu rừng trên cao với ghế ngồi, lối đi xuyên khu rừng trên cao, khu vực đón trả khách…

Bên cạnh đó, từ dự án cư dân thuận tiện di chuyển đến các tiện ích trong khu vực như: TTTM Đông Sài Gòn, BV đa khoa thành phố, Khu công nghệ cao, ga tàu điện đô thị, Bến xe Miền Đông mới, Cao tốc Long Thành - Dầu Giây, TTHC Thủ Thiêm, sân golf Rạch Chiếc…

Chủ đầu tư dự án Elysian Thủ Đức là Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Trường Tín, được phát triển bởi Gamuda Land.

dự án Elysian Thủ Đức
Dự án Elysian Thủ Đức.

Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Trường Tín hoạt động từ ngày 13/11/2008, đặt trụ sở tại số 40 Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp được đại diện bởi ông Liew Bing Fooi (cùng đại diện Gamuda Land).

Được biết dự án Elysian Thủ Đức có tên pháp lý là Khu chung cư cao tầng tại phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức. Tại quyết định số 1362/QĐ-UBND ngày 31/03/2005 và quyết định số 4926/QĐ-UBND ngày 29/10/2009 của UBND thành phố, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Trường Tín được thu hồi và giao đất để xây dựng nhà ở tại phường Trường Thạnh, quận 9.

Dự án được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy số 12/TD-PCCC ngày 07/01/2020 của Cảnh sát PCCC & CNCH Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Văn bản số 3732/PC07-Đ2 ngày 23/06/2020 và văn bản số 671/PC07-Đ2 ngày 29/01/2021 của Cảnh sát PCCC & CNCH Công an thành phố Hồ Chí Minh về việc đề nghị điều chỉnh thiết kế công trình Khu chung cư cao tầng tại phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức.

Tổng mức đầu tư của dự án này gần 2.930 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư chiếm 20%. Trong cơ cấu vốn, chi phí chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 204 tỷ đồng, chi phí xây dựng chiếm gần 2.231 tỷ đồng; chi phí dự phòng 156 tỷ đồng và chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng chiếm 318 tỷ đồng.

Dự kiến trong đợt đầu, dự án mở bán block c gồm 357 căn (tầng 2 đến tầng 15). Các căn hộ tại đây có mức giá bán tham khảo ban đầu từ 50 triệu đồng/m2.

Ngày 16/02/2023, dự án Elysian Thủ Đức được ra mắt thị trường.