Từ ngày 13/2, Hà Nội kiểm đếm biệt thự 'đất vàng' treo 30 năm để xây trường học

Chủ trương này nằm trong quy định tại Quyết định 10/2017/QĐ-UBND về công tác GPMB ngày 29/3/2017 của UBND Thành phố Hà Nội. Ngày 07/02/2023, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với 13 hộ dân nằm trong mốc giới thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng trường tiểu học Võ Thị Sáu. Thời gian thực hiện kiểm đếm bắt buộc sẽ được thực hiện vào ngày 13/02/2023 tại địa chỉ 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo.

Khu đất 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A phố Trần Hưng Đạo có diện tích 1.233,7m2 nằm ở góc phố giao giữa phố Ngô Quyền và phố Trần Hưng Đạo. Hiên trên lô đất gồm 1 tổ chức là nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà và 25 hộ dân sinh sống, có nguồn gốc là thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, được cơ quan phân.

Được biết khu đất này từ năm 1993, UBND Thành phố Hà Nội đã có chủ trương thu hồi đất và GPMB để xây dựng Kho bạc Nhà nước. Giai đoạn này đã di chuyển được 1/1 tổ chức là nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà và 10/25 hộ dân bố trí tái định cư tại chung cư số 232 phố Nguyễn Lương Bằng (nay là ngõ 2 phố Tây Sơn), quận Đống Đa.

Đến năm 2014, UBND Thành phố giao cho UBND quận Hoàn Kiếm tiếp nhận khu đất, thực hiện GPMB để xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu; hiện trạng còn lại 15/25 hộ dân. Quá trình triển khai các hộ dân không đồng thuận, liên tục có đơn thư kiến nghị khiếu nại.

Khu đất 43F-47C phố Ngô Quyền TP Hà Nội. Ảnh: Đại Đoàn kết
Khu đất 43F-47C phố Ngô Quyền TP Hà Nội. Ảnh: Đại Đoàn kết

Ngày 25/11/2021, HĐND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Nghị quyết số 223/NQ-HĐND thông qua chủ trương đầu tư xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu tại khu đất số 43F-47C phố Ngô Quyền, 36A phố Trần Hưng Đạo và 13 phố Phan Huy Chú.

Ngày 10/12/2021, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-HĐND và được UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022. Cùng với đó bố trí 60 căn hộ tại nhà NO15A,B phường Thượng Thanh, quận Long Biên để tái định cư cho các hộ dân phục vụ dự án xây dựng trường tiểu học Võ Thị Sáu tại 2 khu đất trên.

Ngày 19/8/2022, UBND quận Hoàn Kiếm có Quyết định số 3001/QĐ-UBND về phê duyệt dự án xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Thời gian thực hiện GPMB trong quý IV/2022. Thời gian thực hiện dự án: Từ năm 2023 - 2024. Nguồn vốn đầu tư: từ ngân sách quận Hoàn Kiếm. Đây là dự án trọng điểm của Quận giai đoạn 2020-2025, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Đại diện UBND quận cho biết, đây là dự án đầu tư công, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 62 Luật Đất đai 2013. Mặc dù các nội dung kiến nghị của các hộ dân đã được UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý dự án ĐTXD quận Hoàn Kiếm trả lời bằng văn bản. Nhưng chỉ có 2/15 chủ sử dụng nhà, đất phối hợp thực hiện. UBND quận Hoàn Kiếm mong muốn 13 hộ dân còn lại tích cực ủng hộ, phối hợp thực hiện công tác kiểm đếm bắt buộc để góp phần đưa Dự án về đích đúng kế hoạch và cũng là tạo điều kiện cho chính bản thân gia đình sớm được ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp.

Bộ Xây dựng nói gì về việc chủ đầu tư huy động vốn trái phép từ người mua nhà?

Bộ Xây dựng nhận được phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM) về việc hiện nay đang tồn tại thực trạng chủ đầu tư huy động vốn trái phép từ người mua nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định, hoặc chủ đầu tư sau khi hoàn thành xong dự án (bàn giao căn hộ cho người mua sử dụng) nhưng chưa giải chấp ngân hàng khoản vay vốn đầu tư, xây dựng dự án trước đó, dẫn đến người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đại biểu chất vấn vậy Bộ trưởng, Bộ Xây dựng đã có biện pháp gì (bao gồm các biện pháp xử lý hành chính và hình sự) để hạn chế các sai phạm của chủ đầu tư dự án hay không? Và trong giai đoạn tới chuẩn bị sửa đổi Luật Nhà ở thì các đề xuất quy định nghiêm ngặt trong kiểm soát và xử lý các sai phạm để chủ đầu tư không thể làm sai hoặc không dám làm sai?".

Trả lời nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết thị trường bất động sản thời gian qua đã có bước phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó thị trường cũng bộc lộ một số bất cập, tồn tại, trong đó có việc như đại biểu nêu. Điều này dẫn đến vướng mắc không làm được thủ tục, không bàn giao được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho người mua.

Về giải pháp, cùng với các giải pháp trước mắt, Bộ Xây dựng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để tháo gỡ các vướng mắc, xử lý sai phạm để bảo vệ thị trường, bảo vệ tài sản của người dân, không hợp thức hóa sai phạm đồng thời đánh giá khách quan, xác định nguyên nhân, có cơ chế tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn đặt ra.

Hiện đang tồn tại thực trạng chủ đầu tư huy động vốn trái phép từ người mua nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định- Ảnh minh họa
Hiện đang tồn tại thực trạng chủ đầu tư huy động vốn trái phép từ người mua nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định. Ảnh minh họa

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), bổ sung. Trong dự thảo các Luật sửa đổi, bổ sung nêu trên đã chú trọng xây dựng nhóm hệ thống các quy định nhằm quy định đồng bộ, bao quát giữa việc vừa tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi đồng thời cũng đảm bảo có sự quản lý, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng quy định pháp luật trong việc huy động vốn, sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư dự án bất động sản; quy định về các hình thức huy động vốn, quản lý sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư dự án bất động sản.

Quy định áp dụng biện pháp bảo đảm trong giao dịch mua bán bất động sản hình thành trong tương lai; quy định chặt chẽ, phù hợp thực tiễn về điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh.

Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, bên bán, cho thuê mua, cho thuê bất động sản trong việc phải tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền lợi của khách hàng; trách nhiệm trong việc áp dụng, ký kết, thực hiện các hợp đồng kinh doanh bất động sản đúng quy định pháp luật.

Quy định nâng cao điều kiện, trách nhiệm, năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động, hành nghề môi giới bất động sản…

Theo Bộ Xây dựng, các tồn tại trong việc chủ đầu tư lách luật huy động vốn khi chưa đủ điều kiện pháp lý có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân trực tiếp tác động như: pháp luật hiện hành còn chưa hoàn thiện, đồng bộ để đảm bảo ngăn chặn được triệt để các hành vi lách luật để huy động vốn trong giao dịch bất động sản; năng lực chủ đầu tư dự án bất động sản chưa được sàng lọc tốt; hiểu biết pháp luật và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản chưa cao, có tâm lý chạy theo lợi nhuận; thông tin về thị trường bất động sản chưa thông suốt; công tác thanh tra, kiểm tra, phổ biến pháp luật, giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý thị trường bất động sản.

TP Hạ Long (Quảng Ninh): Phê duyệt Quy hoạch 'mang tầm quốc tế' đến năm 2040

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 phê duyệt Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040. Phạm vi khu vực lập quy hoạch là toàn bộ đơn vị hành chính TP Hạ Long theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, phía Bắc giáp huyện Ba Chẽ và huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Phía Nam giáp vùng biển Cát Bà - Hải Phòng; vùng biển Bái Tử Long và vịnh Bắc Bộ. Phía Đông giáp thành phố Cẩm Phả. Phía Tây giáp thị xã Quảng Yên, TP Uông Bí. Quy mô lập quy hoạch khoảng 112.132ha và diện tích mặt biển khoảng 40.251ha.

Đáng chú ý, mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng, phát triển TP Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại.

Đồng thời, gắn kết giữa bảo tồn, phát triển bền vững Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Phát triển TP Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc thành phố.

TP Hạ Long (Quảng Ninh): Phê duyệt Quy hoạch 'mang tầm quốc tế' đến năm 2040
TP Hạ Long (Quảng Ninh) được phê duyệt Quy hoạch 'mang tầm quốc tế' đến năm 2040. Ảnh minh họa

Cùng với đó, khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của TP Hạ Long, tạo việc làm, nâng cao chất lượng đô thị, khai thác tốt hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư trên địa bàn để kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch.

Mặt khác, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, đồng bộ; phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng (đường thủy, đường bộ, đường sắt, hàng không) kết nối trong nước và quốc tế...

Theo dự báo đến năm 2040, TP Hạ Long có khoảng 800 - 830 nghìn người (trong đó, dân số thường trú 550 – 570 nghìn người, dân số quy đổi khoảng 250 nghìn người).

Trọng tâm, TP Hạ Long phát triển theo mô hình gồm 5 Vùng (Vùng vịnh Hạ Long, Vùng phía Đông, Vùng phía Tây, Vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục, Vùng đồi núi phía Bắc); 1 hành lang ven Vịnh Hạ Long và lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.

Mở rộng không gian nội thành về phía Bắc vịnh Cửa Lục, theo định hướng đô thị Hạ Long phát triển gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long, phát triển mở rộng không gian nội thành về phía Bắc vịnh Cửa Lục (các xã Lê Lợi, Thống Nhất, Sơn Dương, Vũ Oai), khai thác phát triển khu vực nông thôn và đồi núi phía Bắc gắn với các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ sinh thái và sản xuất nông lâm nghiệp chất lượng cao.

Về du lịch, TP Hạ Long phát triển các khu du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tại khu vực phía Tây và phía Bắc vịnh Cửa Lục; du lịch văn hóa tại khu vực phía Đông và vùng đồi núi phía Bắc; phát triển hệ thống các bãi tắm và dịch vụ công cộng tại các khu vực ven biển: Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Hồng Hà, Hà Phong, Yết Kiêu, Cao Xanh.... Phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch đa dạng trên vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, hồ Yên Lập và khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Đấu giá thuê bãi giữ xe ở Đà Lạt cao gấp 12 lần khởi điểm

Ngày 11/2, UBND TP Đà Lạt cho biết đã có quyết định phê duyệt kết quả đấu giá tài sản quyền thuê mặt bằng làm bãi đậu xe có thu giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn phường 1.

Có 7 bãi đậu xe được đưa ra đấu giá với thời hạn thuê 5 năm và hầu hết được chốt với giá cao hơn giá khởi điểm nhiều lần. Những người đấu giá trúng đều cư ngụ tại TP Đà Lạt.

Đợt đấu giá này, địa điểm có giá trúng đấu giá cao nhất là bãi giữ xe bên trái cầu thang đi xuống chợ lầu Đà Lạt (giáp ranh với 2 đường Khu Hòa Bình và đường Phan Bội Châu) có diện tích 62m2. Ông Đặng Thành Vũ đã trúng đấu giá với số tiền lên đến 2,3 tỉ đồng/5 năm, gấp hơn 12 lần giá khởi điểm.

Kế đến là mặt bằng bãi đậu xe trước khu triển lãm nhà hát Hòa Bình. Bãi giữ xe với diện tích 309m² này được mang ra đấu với giá khởi điểm 594 triệu đồng/5 năm.

Thật bất ngờ, sau khi đấu giá, bãi giữ xe này được nâng giá lên đến 6,85 tỷ đồng, tăng hơn 11,5 lần so với giá khởi điểm. Người trúng đấu giá là bà Đinh Thị Bích Thảo, ngụ tại phường này.

Bãi đậu xe ở bến xe Tùng Nghĩa. Ảnh: Tiền Phong
Bãi đậu xe ở bến xe Tùng Nghĩa. Ảnh: Tiền Phong

Ngay cạnh Khu Hòa Bình, bãi đậu bến xe Tùng Nghĩa có diện tích 282m2 với giá khởi điểm chỉ 480 triệu đồng/5 năm và ông Huỳnh Quốc Bửu trúng đấu giá 2,25 tỉ đồng.

Cách đó không xa, bãi đậu xe đường Nguyễn Thị Minh Khai (bên hông khách sạn Thanh Bình) có diện tích 315m² được ông Nguyễn Võ Anh Tuấn đấu với giá 4,1 tỉ đồng/5 năm, trong khi giá khởi điểm chỉ 660 triệu đồng.

Riêng bà Bạch Thị Thùy Trang trúng đấu giá 3 mặt bằng, cũng với giá cao chót vót. Bãi đậu xe ở đường Nguyễn Văn Cừ và trước Trung tâm Y tế TP Đà Lạt (hai vị trí liền kề) với diện tích 710m2 có giá khởi điểm chỉ 600 triệu đồng/5 năm, được đấu giá tới 3 tỉ đồng.

Mặt bằng bãi giữ xe đường Nguyễn Chí Thanh (trước khách sạn Ngọc Lan) có diện tích 298m2 với giá khởi điểm 600 triệu đồng/5 năm, được bà Trang đấu 1,5 tỉ đồng.

Bãi đậu xe trước dãy 7 kios ở bên phải của mặt tiền rạp hát Hòa Bình có diện tích 400m2 với giá khởi điểm 1,14 tỉ đồng/5 năm, được bà Trang đấu giá 5,5 tỉ đồng.

Đồng thời với việc phê duyệt kết quả đấu giá 7 điểm giữ xe ô tô và xe máy nói trên, UBND TP Đà Lạt yêu cầu người trúng đấu giá phải căn cứ Quyết định số 64/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc quy định giá dịch vụ trông giữ xe.