Thanh tra về đầu tư tại 10 tỉnh, thành; kiểm tra đấu thầu tại một số đơn vị thuộc PVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023.

Theo đó, năm 2023, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì 13 cuộc thanh tra, kiểm tra, đó là: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2021 - 2022 và thời kỳ trước có liên quan, việc chấp hành pháp luật về đầu tư giai đoạn 2020 - 2022 tại các tỉnh: Kiên Giang, Đồng Nai, Bạc Liêu, Hậu Giang, Hà Nam, Yên Bái, Thái Nguyên, An Giang, Gia Lai, Ninh Thuận.

Thanh tra công tác quản lý và sử dụng tài sản, tài chính, việc chấp hành quy định pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021-2022 tại Cục Thống kê tỉnh Sơn La và tại Cục Thống kê tỉnh Bình Định.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ còn thực hiện kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.

Kiểm tra công tác ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện pháp luật về đấu thầu tại 5 địa phương

Tổng cục Thống kê chủ trì 4 cuộc thanh tra: Thanh tra thực hiện phương án điều tra chăn nuôi tại Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh; Thanh tra thực hiện Phương án điều tra doanh nghiệp năm 2023 tại Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa và tại Cục Thống kê TP Hải Phòng; Thanh tra thực hiện Phương án điều tra năng suất, sản lượng cây nông nghiệp tại Cục Thống kê tỉnh An Giang.

Thực hiện 1 cuộc kiểm tra việc thực hiện Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thống kê tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cục Quản lý Đấu thầu chủ trì việc kiểm tra công tác ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện pháp luật về đấu thầu và công tác đấu thầu tại các tỉnh: Bến Tre, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Hà Giang, Đồng Tháp.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh chủ trì kiểm tra nghiệp vụ đăng ký kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, Quảng Nam.

Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư và đấu thầu tại một số đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Vụ Quản lý các Khu kinh tế chủ trì kiểm tra tình hình hoạt động các khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh: Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Bình Thuận.

Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ chủ trì kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư và đấu thầu giai đoạn 2015-2021 tại Tổng Công ty Dầu Việt Nam; Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); Công ty điều hành đường ống Tây Nam, Tổng Công ty Vận tải Dầu khí và Tổng Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

Cục Kinh tế hợp tác chủ trì kiểm tra việc thực hiện luật Hợp tác xã năm 2012 tại các tỉnh: Kon Tum, Hải Dương, Tây Ninh, Bình Dương.

Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư chủ trì kiểm tra tổng thể đầu tư tại tỉnh Lào Cai.

Kiểm tra 4 dự án của Bộ Thông tin và Truyền thông

Vụ Phát triển Hạ tầng và Đô thị chủ trì kiểm tra Dự án đầu tư xây dựng tòa nhà Trung tâm khoa khám bệnh và kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh viện xây dựng của Bộ Xây dựng; kiểm tra 2 dự án của Bộ Giao thông Vận tải: Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu và Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 15A đoạn Km30 l+500-Km330+200 tỉnh Nghệ An.

Đồng thời, kiểm tra 4 dự án của Bộ Thông tin và Truyền thông: Dự án phát triển nền tảng tích hợp, chia sẽ dữ liệu quốc gia; dự án xây dựng hệ thống hỗ trợ giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ điện tử; dự án xây dựng hệ thống thao trường mạng phục vụ huấn luyện, diễn tập, sát hạch an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử; dự án hệ thống thông tin danh mục điện tử dung chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam.

Vụ Kinh tế Nông nghiệp chủ trì kiể̉m tra công tác di dân tái định cư và bảo vệ phát triển rừng tại tỉnh Lai Châu.

Kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng tại các đơn vị thuộc Bộ

Kế hoạch cũng nêu rõ, Văn phòng Bộ; Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số chủ trì kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng tại các đơn vị thuộc Bộ (Vụ Tổ chức Cán bộ; Vụ Kinh tế Công nghiệp, dịch vụ; Vụ Giám sát Thẩm định và Đầu tư; Vụ Quốc phòng An ninh; Thanh tra Bộ; Cục Kinh tế hợp tác; Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương; Báo Đầu tư; Học viện Chính sách và Phát triển).

Kiểm tra công tác thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các đơn vị thuộc Bộ: Cục Kinh tế Hợp tác, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Cục Quản lý Đấu thầu, Cục Đầu tư Nước ngoài, Vụ Kinh tế Đối ngoại, Vụ Kinh tế Nông nghiệ̉p.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện theo đúng tiến độ và định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm báo cáo tình hình thực hiện gửi tới Thanh tra Bộ.

TP HCM: Thị trường BĐS khó khăn, loạt 'ông lớn' nợ thuế hàng trăm tỷ

Chiều 9/1, Cục Thuế TP HCM đã tổ chức tổng kết công tác thuế năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế 2023.

Theo đó, Cục Thuế TP HCM thông tin nợ thuế tiếp tục tăng cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tổng số nợ thuế này tính đến 30/11/2022 là 43.918 tỷ đồng, tăng 4.622 tỷ đồng, tương ứng 11,76% so với cuối năm 2021.

Nguyên nhân gây ra tăng nợ thuế liên quan đến tiền nợ thuế của 2 doanh nghiệp đang khiếu nại tiền thuê đất, tiền sử dụng đất khu đất Thủ Thiêm 8.774 tỷ đồng, trong đó Công ty Thế kỷ 21 nợ 6.098 tỷ đồng, Công ty Thuận Việt nợ 2.676 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp có số tiền thuế nợ lớn được Cục Thuế TP. HCM liệt kê gồm: Công ty Golden Hill (quận 1) nợ 645 tỷ đồng, Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà (TP. Thủ Đức) nợ 442 tỷ đồng, Công ty Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1) nợ 287 tỷ đồng, Tập đoàn Đất Xanh (quận Bình Thạnh) nợ 185 tỷ đồng, Công ty Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (quận 1) nợ 160 tỷ đồng, Công ty Quốc Lộc Phát (TP. Thủ Đức) nợ 147 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (TP. Thủ Đức) nợ 106 tỷ đồng...

Tin bất động sản ngày 10/1:
TP. HCM: thị trường BĐS khó khăn, DN lớn nợ thuế hàng trăm tỷ. Ảnh minh họa

Tính đến cuối tháng 11/2022, cơ quan thuế đã ban hành 89.900 quyết định cưỡng chế thu nợ thuế, tương ứng 181.376 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 41% về số quyết định cưỡng chế thuế và tăng 149% về tiền thuế nợ.

Cục Thuế TP HCM đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thuế cũng như xử lý, thu hồi 26.075 tỷ đồng, bằng 130% so với cùng kỳ. Trong đó thu nợ từ năm 2021 chuyển sang 7.718 tỷ đồng, đạt 172% so với cùng kỳ; thu nợ mới phát sinh trong năm 2022 là 18.357 tỷ đồng, đạt 118% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, số thu ngân sách trên địa bàn thành phố ước thực hiện 319.500 tỷ đồng, đạt 118,3% dự toán pháp lệnh năm 2022, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa (trừ dầu thô, xổ số, tiền sử dụng đất) ước thực hiện 270.650 tỷ đồng.

Dự án Khu du lịch Hòn Đỏ sau 10 năm phê duyệt đã được cấp phép xây dựng

Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận vừa cấp phép cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòn Đỏ (gọi tắt là Công ty Hòn Đỏ, đơn vị chủ đầu tư) được xây dựng công trình thuộc Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ; tại vị trí thửa đất số 74 đến 77, tờ bản đồ số 9, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải; với quy mô là công trình dân dụng cấp III.

Theo Giấy phép xây dựng, Công ty Hòn Đỏ được xây dựng các hạng mục bao gồm khu biệt thự 1 tầng với số lượng 13 căn (180,55 m2/căn); 2 khu biệt thự xanh với số lượng 39 căn biệt thự cao 1 tầng (438,8 m2/ căn); khu khách sạn 4 tầng cao 17,5 m.

Ngoài ra, Công ty cũng được phép xây dựng các hạng mục như khu tiếp đón trung tâm thông tin, cao 2 tầng (1097,84 m2); khu quầy lưu niệm (404,24 m2); khu Spa Center (430 m2); khu kỹ thuật phụ trợ…

Sở Xây dựng yêu cầu Công ty Hòn Đỏ triển khai thi công áp dụng các biện pháp vệ sinh, an toàn lao động, đồng thời đảm bảo yêu cầu về an toàn đối với công trình và công trình lân cận.

Theo ông Kiều Tấn Trịnh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận, Giấy phép xây dựng chỉ là điều kiện để khởi công xây dựng công trình không phải là cơ sở pháp lý để kéo dài tiến độ Dự án. Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng và đưa Dự án vào hoạt động theo tiến độ được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp.

Được biết, Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ do Công ty Hòn Đỏ làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 9/12/2011. Dự án có diện tích rộng 33 ha tại xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải; tổng vốn đầu tư gần 460 tỷ đồng.

Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao đất trên thực địa cho Công ty Hòn Đỏ vào ngày 5/2/2018; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ngày 17/8/2018.

Tin bất động sản ngày 10/1:
Dự án Khu du lịch nghỉ dương cao cấp Hòn Đỏ là một trong những Dự án du lịch trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận nhưng vẫn đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Đáng chú ý, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ là một trong những Dự án được cấp phép chủ trương đầu tư hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.

Tại Báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra số 1652 (ngày 13/5/2019), Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận khẳng định, tiến độ hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình Dự án vào hoạt động chậm 40 tháng (tính đến tháng 4/2019) so với tiến độ quy định ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; vi phạm Khoản 6, Điều 1 của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và khoản 2, Điều 26 của Nghị định số 118, ngày 12/11/2015 của Chính phủ.

Qua đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Công ty Hòn Đỏ khẩn trương tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, chủ động liên hệ với các cơ quan liên quan để hoàn tất các thủ tục pháp lý để đủ điều kiện khởi công xây dựng Dự án theo đúng tiến độ.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến Dự án kéo dài là do vướng thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường kết nối vào Dự án. Vào tháng 10/2022, tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty Hòn Đỏ báo cáo đang thi công xây dựng tuyến đường kết nối này (dài 1 km), đồng thời cam kết đến tháng 5/2024 sẽ hoàn thành đưa Dự án vào hoạt động.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cũng đã tiến hành thanh tra và có kết luận thanh tra việc thực hiện tại Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ.

Tuy nhiên, theo thông tin do Thanh tra Sở này cung cấp, Dự án này chậm tiến độ 3 tháng so với tiến độ sử dụng đất kể từ ngày được giao đất trên thực địa. Về hướng xử lý, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ nhắc nhở và yêu cầu Công ty Hòn Đỏ khẩn trương hoàn thành Dự án, nếu để chậm 24 tháng sẽ xử lý tiến độ.

Dự án Hamptons Plaza khu phố thương mại Hồ Tràm có giá từ 9 tỷ đồng đồng/căn

Hamptons Plaza có vị trí tọa lạc tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án nằm ngay mặt tiền đường Ven biển An Lộc – Bình Châu, liền kề dự án NovaWorld Hồ Tràm và Coastar Hồ Tràm.

Hamptons Plaza là dự án nằm trong khuôn viên The Hamptons Hồ Tràm. Dự án cung cấp ra thị trường tổng cộng 34 căn shophouse mặt biển. Trong đó gồm 22 căn 4 phòng ngủ và 12 căn 3 phòng ngủ.

Các căn shophouse tại dự án có diện tích lớn, diện tích sử dụng mỗi căn từ 96 – 315 m2. Các căn shophouse được thiết kế với chiều cao từ 2 – 3 tầng, hầu hết các căn tại đây đều sở hữu hai mặt tiền cùng với thiết kế rộng thoáng.

Tin bất động sản ngày 10/1:
Phối cảnh sản phẩm tại dự án Hamptons Plaza.

Hamptons Plaza được định hướng trở thành khu phố thương mại, sở hữu hệ thống tiện ích bao gồm: khu phố ẩm thực và mua sắm với quy mô lên tới 10.000 m2, cầu ngắm biển Hamptons Pier dài 300 m, hệ thống nhà hàng biển, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, đài phun nước kết hợp trình diễn ánh sáng…

Chủ đầu tư dự án Hamptons Plaza Hồ Tràm là Công ty TNHH Biển Ngọc Hồ Tràm (Công ty Biển Ngọc Hồ Tràm, được phát triển bởi Tập đoàn Tanzanite International.

Công ty TNHH Biển Ngọc Hồ Tràm được thành lập ngày 04/08/2010, đặt trụ sở tại ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các sản phẩm tại dự án Hamptons Plaza có mức giá bán tham khảo trên thị trường từ 9 tỷ đồng đồng/căn.